Nhìn lại 5 năm thực hiện nghị quyết 120 về phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu từ Bến Tre

Thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 120). Cùng với Chính phủ kiến tạo và nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong vùng, vùng ĐBSCL khởi đầu, bước đi vững chắc, thoát khỏi danh xưng “vùng trũng”. Có thể từ kết quả vận dụng và thực hiện Nghị quyết 120 của tỉnh Bến Tre để minh chứng, xác thực việc thực hiện các nhiệm vụ của vùng cùng các điển hình về phát triển các mối liên kết vùng trong vùng, mô hình địa phương phát triển thích ứng với BĐKH trong địa phương, phương thức canh tác thích ứng BĐKH, cách thức quản trị hiệu quả tài nguyên thiên nhiên,…

 

Điện gió Thạnh Phú.

 

Sứ mệnh của Nghị quyết 120


Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 và Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: đề cập khá toàn diện các vấn đề mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài đối với phát triển vùng ĐBSCL, đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực cho phát triển. Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120, ngày 5/9/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg.

 

Nghị quyết 120 kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp.  Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ. Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới. Đây thực sự là quyết sách lớn, mang tầm thời đại của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

 

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững, tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 23/9/2013; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 12/11/2019 thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 27/01/2014 thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 23/9/2013. Kế hoạch số 1330/KH-UBND ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 120.

 

Tác động của BĐKH vùng ĐBSCL


Thông báo số 349/TB-VPCP ngày 24/8/2023 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Phạm minh Chính tại buổi làm việc về phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL đã đánh giá: ĐBSCL là địa bàn chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong bệ đỡ của ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức.

 

ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của BĐKH, nước biển dâng, theo số liệu quan trắc, trong thời gian qua nước biển dâng với tốc độ 0,35 cm/năm và có chiều hướng tăng nhanh hơn.

 

Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công, làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đặc biệt là suy giảm mạnh lượng phù sa, mất cân bằng bùn cát tại ĐBSCL.

 

Tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh. Theo số liệu quan trắc từ năm 2012-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất trung bình khoảng 0,96 cm/năm (gấp gần 3 lần tốc độ nước biển dâng), ĐBSCL có nguy cơ bị chìm dần do tác động kép của sụt lún đất và nước biển dâng.

 

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, mất đất ở vùng ven biển ĐBSCL đã đến mức báo động. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL đã xảy ra 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.130 km (trên 740 km bờ sông, 390 km bờ biển bị sạt lở); mỗi năm mất khoảng 500 ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven sông, ven biển bị ảnh hưởng do sạt lở.

 

Tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường, nhất là tại các đô thị; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; xâm nhập mặn vào sâu trong các cửa sông.

 

Tình trạng khai thác cát sỏi quá mức, trái phép vẫn còn xảy ra, là một trong những nguyên nhân gây hạ thấp lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển.

 

Kết quả thực hiện nghị quyết 120 ở Bến Tre


Bến Tre là một trong các địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với kết quả về phát triển các mối liên kết trong liên kết vùng, mô hình phát triển thích ứng BĐKH trong địa phương, canh tác thích ứng BĐKH tích hợp đa giá trị, quản trị hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hình thành trạm quan trắc hệ thống sông Mê Công trên địa bàn.

 

Chỉ số (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2023 đạt 47%, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%; chỉ số HDI của Bến Tre năm 2020 là 0,664%, xếp thứ 51/63; giai đoạn 2013-2022, Bến Tre đã trồng 474,66 ha, trung bình mỗi năm trồng 47,46 ha, nâng diện tích rừng từ 3.947 ha (năm 2012) lên 4.482 ha (năm 2022), tương ứng tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 1,57% lên 1,83%; mức đóng góp của năng lượng tái tạo vào tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2022 tại Bến Tre là xấp xỉ 15%, tương đương với bình quân chung của cả nước.

 

Phát triển các mối liên kết trong liên kết vùng


Các cấp chính quyền địa phương Bến Tre xác định rõ liên kết vùng là nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện thành công Nghị quyết 120 và là một trong các nguồn lực, động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh mới. Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ trong hoạt động nông nghiệp đã hình thành và ngày càng phát triển, gồm: liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Song song các liên kết trong hoạt động nông nghiệp, địa phương gắn kết phát triển mạnh, đa dạng các kiểu liên kết vùng trong vùng, điển hình: ngày 11/3/2023, Bến Tre đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL; tại Hội nghị này 13 tỉnh, thành đã ký kết Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL đến năm 2025 với 06 lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa thành phố Hồ Chí Minh với vùng: hạ tầng giao thông, du lịch, xúc tiến đầu tư – thương mại, hợp tác thích ứng với BĐKH, khoa học – công nghệ - chuyển đổi số, giáo dục – y tế - đào tạo nguồn nhân lực; trong Bản thỏa thuận này, 13 địa phương trong vùng đã ký kết các nội dung hợp tác song phương với thành phố Hồ Chí Minh theo nhu cầu, điều kiện và khả năng của các bên.

 

Phát triển mạnh các mối liên kết vùng đa tầng, đa dạng: liên kết phát triển ABCD (tỉnh An Giang, Bến Tre, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp); tiểu vùng Duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long); liên kết xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh hình thành trục động lực phát triển hành lang kinh tế phía Đông; liên kết Bến Tre – Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao theo hình thức đầu tư PPP; liên kết Bến Tre – Tiền Giang – Long An chuyển nước ngọt thô từ Cái Bè về Bến Tre nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên nước ngọt, giảm thiểu các tác động rủi ro do BĐKH gây ra.

 

Xây dựng, phát triển các mối liên kết đa tầng nấc mới, đa dạng các hình thức liên kết vùng trong vùng tại Bến Tre tương đối mới, phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đã được đặt ra trong nội dung Nghị quyết 120 là  phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý.

 

Điểm đặc biệt của địa phương Bến Tre là tất cả các sở, ban ngành tỉnh đều phối hợp với các sở ban ngành của thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, ký kết nội dung hợp tác giữa các bên có liên quan và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

 

Xây dựng mô hình địa phương phát triển bền vững thích ứng BĐKH trong địa phương


Thực hiện Nghị quyết 120, thích ứng BĐKH và phát huy tiềm năng nông nghiệp, thủy sản và đặc biệt là tiềm năng về du lịch sinh thái vùng ĐBSCL, Bến Tre chọn xã xã Hưng Phong (Cồn ốc) huyện Giồng Trôm xây dựng mô hình điển hình phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH ở ĐBSCL làm một nghiên cứu điển hình nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác ứng phó BĐKH và phát triển bền vững điểm, làm cơ sở để phát huy và nhân rộng cho các địa phương khác trong tỉnh.

 

Cồn ốc với diện tích 1.277,78 ha, dân số 5.817 người, trong đó đất canh tác 619 ha; với vị trí bốn bên tiếp giáp sông nước. Hưng Phong là xã đảo có vị trí địa lý là điểm nhạy cảm, chịu tác động nặng nề của BĐKH và nước biên dâng. Các vấn đề ngập do triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở đã và đang hiện diện làm cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng rơi vào khó khăn. trong đó đất canh tác 619ha.

 

UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường mời Trường Đại học Cần Thơ tư vấn, phối hợp các sở, ngành tỉnh xây dựng và trình UBND tỉnh ra Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 Ban hành Đề án Phát triển bền vững xã Hưng Phong (Cồn Ốc) thích ứng với BĐKH giai đoạn năm 2021 – 2030. Mục tiêu nâng cao sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, thích ứng BĐKH, phát triển bền vừng; xây dựng mô hình điển hình phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH của tỉnh và vùng ĐBSCL với tổng kinh phí thực hiện 1.322.850 triệu đồng. Hầu hết các nhiệm vụ của Đề án đều được các cấp ngành, địa phương nỗ lực triển khai để đến năm 2030 cơ bản là mô hình điểm thực hiện theo Nghị quyết 120, trong đó có dự án: “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong” quy mô xây dựng chiều dài toàn tuyến đê 11,108km; bề rộng mặt đê 6,5m; cao trình đỉnh +3,0m; kết cấu mặt đê bằng tấm bê-tông M250, dày 18cm và hệ thống các cống cầu, dự án được khởi công tháng 3/2023 và hoàn tháng 3/2025.

 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp với Viện Kỹ thuật Biển – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện đề tài: ”Nghiên cứu thực trạng trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm” đến nay, qua nghiên cứu hiện trạng cơ lý mẫu đất cho thấy, lớp bùn sét rất dẻo xen kẹp cát, lẫn ít hữu cơ, màu xám nâu, xám đen (lớp đất số 1) có bề dày lớn nhất từ 26 m đến 26,3 m và xuất hiện ở tầng ngay dưới lớp đất san lấp. Tính chất cơ lý của lớp đất này là dạng đất yếu có sức chịu tải bé là 0,54 kg/cm2 (nằm trong khoảng 0,5 – 1,0 kg/cm2), tính nén lún lớn là 0,144 kg/cm2 (lớn hơn 0,1 kg/cm2), hệ số rỗng e là 1,391 lớn (lớn hơn 1,0), độ sệt lớn, mô đun biến dạng là 13,84 (nhỏ hơn 50 kg/cm2), khả năng chống cắt (C) là 0,091 bé, khả năng thấm nước bé; hàm lượng nước trong đất cao, độ bão hoà nước G là 0,964 (lớn hơn 0,8). Xác định được 04 nguyên nhân gây sụt lún nền đất vườn, nền đường ở Hưng Phong theo tác nhân tự nhiên là i) đặc điểm nền địa chất đất yếu; ii) BĐKH và nước biển dâng. Tác nhân con người là iii) khai thác và sử dụng nước dưới đất và iv) hoạt động xây dựng công trình và gia tăng tải trọng giao thông vận tải. Tính toán mô phỏng bằng mô hình toán chế độ mực nước, dòng chảy và ngập ở khu vực nghiên cứu trong điều kiện hiện trạng do mưa và triều. Xây dựng bản đồ dự báo địa hình do sạt lún mặt đất năm 2035 và 2045.

 

Ứng dụng mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng BĐKH, tích hợp và đa gia trị


Bến Tre nghiên cứu, triển khai ứng dụng nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn được nhân rộng: xuôi về miệt biển đang phát triển mạnh mô hình canh tác tôm – lúa thích ứng với BĐKH, đảm bảo sản xuất hữu cơ, khi nước triều lên, mở cống nước chảy vào ngập vuông/ruộng lúa nên ít có sâu bệnh xảy ra; mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng kết hợp trồng phát triển rừng; mô hình phát triển cây bưởi da xanh thích ứng BĐKH; mô hình phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn mặn; phát triển gốc ghép cây có múi chịu mặn trên các vùng đất chịu ảnh hưởng bỡi BĐKH; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng BĐKH gắn với tiêu thụ sản phẩm...

 

Thực tiễn phát triển tích hợp đa giá trị từ vườn dừa Bến Tre là tối ưu hóa việc khai thác các sản phẩm từ vườn dừa: cây dừa, cây có múi, cây thân thảo, nuôi trồng thủy sản, khai thác gỗ dừa, du lịch, văn hóa, ẩm thực, tài nguyên bản địa, công nghệ, thương mại, thương hiệu, môi trường, kinh tế tuần hoàn có thể khái quát hơn về phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Ngoài ra, các giá trị vô hình cũng được tích hợp trong vườn dừa như việc xây dựng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, các nhãn hiệu chứng nhận khác: sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng Việt Nam Chất lượng cao,… tổ chức sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm gia tăng giá trị sản phẩm phẩm từ việc định hình, xây dựng hình thành thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.


Từ khi khai hoang mở cõi, kế thừa truyền thống của ông cha ta đi trước đã chọn cách dung hòa để hòa hợp với tự nhiên, ngày nay Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đang chú trọng phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với BĐKH, biến thách thức BĐKH thành cơ hội phát triển, chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và bền vững.

 

Quản trị hiệu quả tài nguyên thiên nhiên


Bến Tre có diện tích tự nhiên là 237.970 ha diện tích đất đã khai thác đưa vào sử dụng: 236.639 ha, chiếm 99,44% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, đất chưa sử dụng còn 1.342 ha, chủ yếu là các bãi bồi ven sông, ven biển chưa xác định được mục đích sử dụng, chiếm 0,56% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, xây dựng và ban hành quy định tạo quỹ đất sạch trên địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, xác lập pháp lý quỹ đất Nhà nước đến nay Bến Tre có 3.747 thửa/3.956 thửa đất đã xác lập pháp lý với diện tích 7.679,37 ha/7.767,27 ha (đạt tỉ lệ 98,87% đã được đăng ký đất đai vào hồ sơ địa chính); giữ và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

 

Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/01/2021 về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn 2020-2030 đã xác định rõ quan điểm: “Xác định nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân; là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Trong điều kiện BĐKH, xâm nhập mặn, việc bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh.“ với mục tiêu đến năm 2030: “Nghiên cứu đầu tư cống Hàm Luông; chủ động ứng phó với tác động của BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn.“. Địa phương đã tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; để quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên nước, tỉnh đã chủ trương trám lấp giếng khoan khai thác nước mặn để nuôi tôm biển trong vùng dự án ngọt hóa. Từ năm 2023 sẽ khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, công bố danh mục các ao hồ không được lấp, xây dựng kế hoạch quản lý môi trường nước mặt nhằm tạo cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo vệ, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại có thể xảy ra.

 

Kiểm soát các hoạt động khai thác và ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ; khai thác tốt các nguồn lợi kinh tế biển theo hướng tổ chức liên kết sản xuất cộng đồng, cùng nhau tự quản, bảo đảm cân bằng sinh thái tại các vùng biển. Tổ chức lại lực lượng đánh bắt thủy sản theo hướng tăng cường khai thác vùng lộng, vùng khơi; chuyển dần sang phát triển ngành nghề khai thác có tính chọn lọc.

 

Hình thành trạm quan trắc của hệ thống sông Mê Công trên địa bàn thông qua việc triển khai thực hiện Dự án Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm trí thức về phát triển du lịch sinh thái ĐBSCL gắn với hợp tác tỉnh Bến Tre và tỉnh Tulchea đất nước Rumani: UBND tỉnh đã đề xuất hỗ trợ vốn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện dự án và gởi Công thư Ngoại giao đến Hội đồng tỉnh Tulchea, Ông Marian Tudor - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển quốc gia đồng bằng Đa Nuýp; Ông Ion Munteanu - Trưởng Khu Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Đa Nuýp để tăng cường quan hệ hợp tác, xúc tiến triển khai dự án.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý