Cơ hội Bến Tre gia nhập cơ chế phát thải thấp

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng, năm đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

 

Rừng Đước trồng.

 

Nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

 

Bến Tre có diện tích đất có rừng là 4.481,59 ha, trong đó: diện tích đã thành rừng là 4.361,76 ha, diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 119,83 ha. Phân theo nguồn gốc hình thành: rừng tự nhiên là 1.250,03 ha; rừng trồng là 3.231,56 ha. Phân theo mục đích sử dụng rừng: rừng đặc dụng là 1.889,13 ha; rừng phòng hộ là 2.237,09 ha; rừng sản xuất là 355,37 ha.

 

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1.400/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 với một số mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%; Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

 

Bến Tre, không nằm trong đề án này, nhưng có các đối tượng cây trồng khác có khả năng tương tự canh tác phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, điển hình trong số đó là cây dừa với diện tích hiện nay là 79.322 ha, tăng 1,67% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, diện tích dừa chuyển đổi theo hướng hữu cơ là 18.121,2 ha. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 12.882,7 ha.

 

Cây dừa ở cấp tuổi 4 sẽ có khả năng hấp thụ được khoảng 24,518 tấn CO2/ha và 20,4583 tấn CO2/ha tương ứng đối với hai nhóm giống dừa cao (dừa ta) và thấp (dừa xiêm). Lượng CO2 cây dừa hấp thụ tăng cao khi cây được 10 năm tuổi. Cụ thể ở nhóm giống dừa cao sẽ hấp thụ được 75,2436 tấn CO2/ha và ở nhóm giống dừa thấp là 69,9189 tấnCO2/ha. Vườn dừa càng lớn tuổi thì khả năng hấp thụ carbon càng lớn, số lượng tín chỉ carbon bán được càng cao, đồng nghĩa với thu nhập từ vườn dừa sẽ càng nhiều hơn.

 

Nhận diện rõ các cơ hội mới trong việc thực hiện cơ chế giao dịch tín chỉ carbon hoặc cơ chế giảm phát thải hay phát thải thấp, ngày 07/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ký quyết định số 1012/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2030, trong đó: giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tham gia thị trường, tín chỉ carbon của tỉnh Bến Tre.

 

Trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Ehime, Nhật Bản, cụ thể cho nội dung dự án tín chỉ chung (JCM): “Liên kết giữa các tỉnh thành phố hướng đến hiện thực hóa một xã hội tuần hoàn và khử carbon giữa tỉnh Ehime và tỉnh Bến Tre”, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, ngày 15/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 599/QĐ-STNMT về việc thành lập Tổ dự án hợp tác giảm phát thải khí nhà kính giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Ehime, Nhật bản với các thành viên của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tham gia. Tổ dự án đã đề xuất triển khai các hoạt động: Đánh giá tiềm năng của tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon nhằm xác định khả năng hấp thụ, giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre; Xác định cơ hội của tỉnh từ thị trường carbon; Khả năng hợp tác của hai tỉnh trong vấn đề chung.

 

Thực hiện hiệu quả, nhanh cơ chế giảm phát thải hay phát thải thấp, Bến Tre mới khai thác tiềm năng thành cơ hội đầu tư, phát huy cơ hội đầu tư thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả thực hiện việc tổ chức lại sản xuất ngành dừa, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
• Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở
• Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030
• Báo cáo chuyên đề tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Hội nông dân cơ sở năm 2024
• Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển du lịch thông minh để thúc đẩy mô hình chuyển đổi số tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Tiềm năng ứng dụng hoa bụp giấm kết hợp với thạch dừa trong chế biến thực phẩm chống oxy hoá”
• Hội thảo khoa học ngành dừa - Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero
• Hội nghị Sơ kết hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
• 9 nguyên tắc nghiên cứu phát triển hệ thống Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam
• Sở Khoa học và Công nghệ tiếp và làm việc với đoàn công tác Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
• Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 tại Sở Khoa học Công nghệ Bến Tre
• Vai trò của khoa học công nghệ trong bảo tồn đa dạng sinh học
• Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư số 17/2015/TT-BKHCN
• Ứng dụng và quản lý an toàn bức xạ tại tỉnh