Nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn kinh tế tuần hoàn địa phương

Đề án Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đã thống kê, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung với khối lượng nguồn thải ra môi trường - khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…) còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.

 

Trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

 

Khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030.

 

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh Bến Tre nói riêng cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch số 6033/KH-UBND ngày 23/9/2022 triển khai Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Với mục tiêu đến năm 2025: tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 25%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%; giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP; tỷ trọng đóng góp của KH&CN thông qua TFP khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm dùng một lần trong sinh hoạt; tăng dần tỷ lệ thu gom rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và các hoạt động khác trên biển.

 

Đến năm 2023, Chỉ số TFP đóng góp vào tăng trưởng năm 2023 của tỉnh đạt 47%, đạt; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 82,2%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 67,9%; tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đạt 25% hộ dân.

 

Nhiệm vụ của Sở KH&CN, trong kế hoạch này là nghiên cứu đánh giá nhu cầu về quy trình xác nhận áp dụng công nghệ môi trường hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang KTTH. Thúc đẩy ứng dụng quy trình và xây dựng các cơ chế khuyến khích thử nghiệm đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi sang KTTH. Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thân thiện với môi trường vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ liên quan. Thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào thực hiện phát triển KTTH; lồng ghép các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn gắn với ứng dụng KH&CN trong từng ngành, nghề cụ thể trong các quy hoạch đề án, dự án liên quan đến phát triển KTTH, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

 

Mặc dù KTTH ở Việt Nam đến nay chưa đầy đủ và đúng nghĩa, song hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và xây dựng mô hình gắn với KTTH đã và đang xuất hiện, tạo cơ hội cho KTTH của địa phương phát triển.

 

Sở KH&CN vừa tổ chức họp Hội đồng KH&CN cấp tỉnh nghiệm thu nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chưng cất tinh dầu từ phế phụ liệu trái bưởi để nâng cao giá trị gia tăng của bưởi tại Bến Tre đã tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ các quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu bưởi hiệu suất cao bằng phương pháp chưng cất hơi nước; quy trình công nghệ sản xuất giá thể hữu cơ từ bã vỏ bưởi sau chưng cất tinh dầu.

 

Xây dựng mô hình công nghệ, thiết bị chưng cất tính dầu bưởi hiệu suất cao (1,0 tấn nguyên liệu/mẻ; chất lượng tinh dầu đạt TCVN 11423:2016); sản lượng 2,0 tấn/kỳ dự án; xây dựng mô hình sản xuất giá thể hữu cơ từ bã vỏ bưởi sau chưng cất tinh dầu với quy mô sản xuất giá thể hữu cơ từ bã vỏ bưởi sau quá trình chưng cất tinh dầu (100 tấn/kỳ dự án, đạt TCCS); xây dựng mô hình trồng rau và hoa sử dụng giá thể hữu cơ từ bã vỏ bưởi: diện tích 1.000m2 trong điều kiện nhà màng có mái che và hệ thống tưới tiêu tự động. Đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn 200 lượt người dân.

 

Trong năm, Sở KH&CN vừa tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị từ con tôm ở Bến Tre với kết quả đã xây dựng được 5 quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ tôm thẻ chân trắng là sản xuất tôm khô ăn liền, tôm khô xẻ bướm, chà bông tôm, snack tôm, bột gia vị tôm đạt tiêu chuẩn  TCVN 10734:2015, TCVN 6175-1:2017; TCVN 7396:2004; TCVN 5932 – 1995; chỉ tiêu vi sinh theo QĐ 46/2007/BYT và QCVN 8-3:2011/BYT; kết quả đã góp phần tích cực trong việc xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm tỉnh Bến Tre và đã đào tạo chuyển giao công nghệ cho công ty TNHH QT Hải sản xanh. Trước đây, Sở đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu quy trình sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ nguồn nguyên liệu cây dừa. Theo đó, phân tích cấu trúc của nguyên liệu (xơ sợi phế liệu từ thân dừa, quày dừa), đánh giá tính khả thi về trữ lượng và công nghệ sản xuất sản phẩm giấy bao bì, đóng gói và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ phế liệu xơ dừa có kết hợp thủ công và hỗ trợ của máy móc ở một số công đoạn, phù hợp với tổ chức sản xuất quy mô hộ gia đình và hợp tác xã; tận dụng triệt để nguồn tài nguyên dừa, để tạo ra sản phẩm mới hoàn toàn tự nhiên, thân thiện môi trường, góp phần đa dạng hóa chuỗi sản phẩm từ cây dừa.

 

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế với cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

 

Có thể nói KTTH mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường như: tiết kiệm tài nguyên; thúc đẩy kinh tế và việc làm, tạo ra lợi nhuận mới, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định; thay đổi nhu cầu, trong đó có nhu cầu đối với dịch vụ; tối ưu hóa quan hệ khách hàng; giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp vào chống biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các khu bảo tồn thiên nhiên; thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp và của người tiêu dùng.

 

Các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh tiếp tục kế thừa, hoàn thiện công nghệ và mô hình KTTH, năm 2024, Sở KH&CN nghệ ký kết với Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các chuỗi ngành nông nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý