Bước đầu xác định nguyên nhân gây bệnh “Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi (EMS-Early Mortality Syndrome/AHPNS-Acute hepatopancreatic Necrosis Syndrome)”

Ngày 28/6//2013, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi (EMS/AHPNS)”. Đến dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp thuốc thú ý thủy sản ở các tỉnh, thành phố... viện nghiên cứu, trường Đại học trong cả nước, đặc biệt là có sự tham dự của Tiến sĩ Donald Lightner, Tiến sĩ Kevin M. Fitzsimmons - giáo sư trường Đại học Arizona, Hoa Kỳ và Nghiên cứu sinh Trần Hữu Lộc - Giảng viên trường ĐH Nông lâm, Tp. Hồ Chí Minh trình bày lịch sử, bệnh lý, phương pháp chuẩn đoán bệnh, cũng như kết quả nghiên cứu tác nhân gây bệnh EMS/AHPNS và một số giải pháp tiềm năng nhằm hạn chế bệnh này trên tôm nuôi.

 
\"1\"TS. Trần Hữu Lộc đang trình bày kết quả nghiên cứu hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi (EMS/AHPNS), ĐH Nông lâm, TP. HCM.

Theo Tiến sĩ Donald Lightner và cộng sự tại Đại học Arizona đã phát hiện được tác nhân gây bệnh chết sớm (EMS) hay còn gọi là hội chứng hoại tử cấp tính AHPNS trên tôm là do một dòng đặc biệt của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đã nhiễm bởi một loại virus được biết đến như một thể thực khuẩn (phage), virus này xâm nhiễm đã làm vi khuẩn sản xuất ra 01 loại độc tố cực mạnh gây rối loạn chức năng cơ quan tiêu hóa đặc biệt là hệ gan tụy của tôm, kết quả gan tụy sẽ bị hoại tử. Bệnh AHPNS thường xuất hiện trong vòng 45 ngày đầu sau khi thả tôm đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 100% trong vài ngày sau khi bệnh xuất hiện.

Phương pháp xác định tôm bệnh EMS/AHPNS bằng cảm quan là: lột và quan sát gan tụy của tôm bệnh, tôm vừa chớm bệnh thường có gan tụy nhạt màu và teo nhỏ đến 50% kích thước hoặc hơn so với gan tụy của tôm bình thường, dạ dày không có thức ăn, đường ruột rỗng có màu trắng. Ngược lại, tôm khỏe có gan tụy sẫm màu, bao tử đầy thức ăn và đường ruột có màu đen. Phân tích mô bệnh học của tôm nhiễm AHPNS cho thấy có sự hoại tử cấp của gan tụy diễn biến từ trong ra ngoài với sự hư hại chức năng của các tế bào biểu mô ống lượn gan tụy. Các tế bào biểu mô này bị bong tróc ra khỏi thành ống gan tụy và bị hoại tử. Ở giai đoạn trễ của bệnh, trong gan tụy có thể xuất hiện các đốm đen do sự melanine hóa của các tế bào máu trong các ổ tụ máu trong gan tụy.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang phát triển nhanh các xét nghiệm để phát hiện tác nhân gây bệnh EMS/AHPNS nhằm cải thiện chất lượng con giống và quản lý sức khỏe tôm nuôi trong ao đồng thời đưa ra giải pháp phòng và trị hữu hiệu bệnh này. Nghiên cứu sinh Trần Hữu Lộc cho biết mô tôm sống và mô tươi (không đông lạnh) của tôm nhiễm bệnh có khả năng truyền bệnh, tuy nhiên mầm bệnh AHPNS trong mô tôm bị bất hoạt bởi sự đông lạnh và rã đông, tôm nhiễm AHPNS không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm có 03 con đường lan truyền bệnh trên tôm: 1. tôm khỏe ăn mô tươi tôm bệnh; 2. nuôi tôm khỏe chung với tôm bệnh; 3. Ngâm tôm khỏe trong hỗn hợp vi khuẩn phân lập từ dạ dày tôm bệnh. Để hạn chế bệnh EMS/AHPNS. Tiến sĩ Donald Lightner giới thiệu phương pháp phòng trị bệnh cho tôm nuôi là sử dụng các loại kháng sinh: Oxytetracyline, Florfenicol, Enrofloxacin, Romet 30, Possibly others with activity against vibrios. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Donald Lightner thị trường Mỹ không chấp nhận tôm có nhiễm 01 trong 05 kháng sinh trên. Tiến sĩ Kevin M. Fitzsimmons giải pháp phòng bệnh EMS/AHPNS được khuyến cáo nghiên cứu áp dụng hiện nay là: thử nghiệm đa canh với cá rô phi; mô hình Biofloc (bông cặn sinh học); xác định mức độ quorum sensing (dò tìm mật độ tới hạn); thử nghiệm các biện pháp dùng probiotic (ứng dụng sản phẩm sinh học).

Trong điều kiện hiện nay, để phòng chống bệnh Hội chứng EMS/AHPNS người dân cần lưu ý các vấn đề sau:

Chuẩn bị ao nuôi

- Trước khi lấy nước vào ao nuôi cần sên vét bùn đáy, rửa và ngâm đáy ao 2-3 lần bằng vôi bột (CaO) liều lượng 30 kg/1.000 m2 và rãi đều khắp bờ ao liều lượng 20-25 kg/1.000 m2. Sau đó, tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày nhằm kiểm soát chất hữu cơ và các tác nhân gây bệnh. Nước lấy vào ao được triệt trùng trước khi thả tôm bằng hóa chất Chlorine liều lượng 30 ppm (30kg/1.000 m3), không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác.

Con giống

- Mua tôm giống sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch không có tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, tôm con có kích cỡ nhỏ hơn 12 mm, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

 - Thả tôm nuôi có mật độ thích hợp với điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi (tôm thẻ chân trắng thả từ 60-80 con/m2; tôm sú thả từ 20-25 con/m2).

- Thức ăn cho tôm phải đảm bảo chất lượng cũng như số lượng, không nên cho ăn thừa, thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị ẩm mốc; thường xuyên bổ sung Vitamin C, khoáng chất, Beta glucan… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Quản lý tốt các yếu tố môi trường nước như: theo dõi pH (02 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần); NH3, ôxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần), đảm bảo duy trì hàm lượng Oxy hoà tan trong các tầng nước trên 3-4 ppm, duy trì độ mặn và nhiệt độ nước trong ngưỡng thích hợp; lưu ý các tháng có nhiệt độ cao cần duy trì mực nước ao nuôi lớn hơn 1,2 m; định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi tôm.

- Cần chọn các sản phẩm chế phẩm vi sinh có uy tín, chất lượng và sử dụng đúng cách trong suốt quá trình nuôi tôm; khuyến khích sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng của tôm, hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh nằm ngoài danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hàng ngày thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh cần xử lý sớm và kịp thời.

- Tuân thủ tốt lịch thời vụ, quy định bảo vệ môi trường vùng nuôi, tuyệt đối không xả bùn đáy, mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường.

Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPNS) các hộ nuôi tôm biển phải thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi và vận dụng tốt các nội dung lưu ý trên.

Đinh Thanh Tú

Phòng KH-KT, Sở NN&PTNT

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý