Ớt sừng vàng châu Phi-cây trồng hiệu quả

Khi nhiều nông dân đầu tư trồng cây ăn trái và nhiều loại cây trồng lâu năm khác thì đối với anh Châu Văn Phương ở ấp Phú Trạch 1, xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam) lại cải tạo đất trồng cây ớt sừng vàng châu Phi nhiều năm liền trúng vụ thu lãi trên 50 triệu đồng mỗi năm trên một công đất trồng ớt.

Anh Phương rất hài lòng với hiệu quả từ cây ớt sừng vàng châu Phi. Anh so sánh, nếu trồng các loại cây ăn trái lâu năm phải tốn một vốn đầu tư khá lớn, thời gian thu hoạch rất lâu có thể kéo dài từ 2-3 năm. Với nguồn vốn ít ỏi, anh Phương suy nghĩ nên chọn cây gì trồng ngắn ngày mau cho thu nhập và đảm bảo hiệu quả kinh tế không bị thất thu. Khi tìm hiểu thị trường và tham quan nhiều mô hình canh tác hiệu quả anh Phương đã quyết định cải tạo đất trồng ớt và anh đã chọn giống ớt sừng vàng châu Phi để trồng trên 1 công đất mía vừa cải tạo.

Hiện tại, với 1 công đất anh Phương trồng toàn giống ớt sừng vàng châu Phi đang cho năng suất cao. Anh Phương phấn khởi cho biết có lúc cao điểm đúng vào dịp Tết ớt sừng vàng châu Phi bán rất được giá lên đến 35.000 đồng/kg. Cách mỗi ngày anh thu hoạch trên 30kg ớt sừng vàng châu Phi bán với giá 10.000-12.000 đồng/kg, có khi giá xuống thấp nhất là 7.000 đồng/kg nông dân vẫn có lãi.

Kinh nghiệm nhiều năm trồng ớt sừng vàng châu Phi anh Phương cho biết, ớt từ khi có trái thu hoạch có thể kéo dài gần 4,5 tháng. Để cây ớt phát triển tốt nên duy trì đảm bảo đủ lượng nước tưới thường xuyên. Khoảng 2 ngày tưới nước cho ớt một lần. Khi trồng ớt không nên trồng quá dày, khoảng cách trồng hàng cách hàng 9 tấc, cây cách cây khoảng 1 thước. Muốn cây ớt phát triển tốt làm đất là khâu quan trọng, trước khi trồng nên lên liếp cao ráo, rảnh thoát nước tốt tạo điều kiện thuận lợi cho cây ớt phát triển.

Thời gian thu hoạch ớt khá nhanh kể từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch mất từ 3,5-4 tháng là ớt bắt đầu cho trái. Với ớt sừng vàng châu Phi trái to, chín vàng đỏ nên được thị trường rất ưa chuộng, đầu ra dễ bán. Đặc biệt ở loại ớt này có đặc điểm thuận lợi là cây ớt cho trái chín rộ nhanh và đồng loạt nên thuận lợi cho việc thu hái. Mỗi năm, anh Phương phát triển 2 vụ ớt. Anh Phương cho biết, đối với giống ớt sừng vàng châu Phi này, từ khi đặt cây giống đã được ương sẵn xuống liếp trồng thì khoảng 80 ngày sau cây ớt cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ngoài ra, ớt cần nhiều kali giúp chắc cây, kháng sâu bệnh nên cần bón NPK (20-20-15) bón thúc mỗi đợt khi cây bắt đầu ra bông, đậu trái. Đến lúc cây cho trái nên bón phân thường xuyên để cây được khỏe mạnh duy trì cho trái lâu. Khoảng 1/2 tháng anh tiến hành bón phân một lần (từ 15-20kg phân NPK/1.000m2 đất trồng ớt). Đối với việc gieo trồng, anh Phương còn sử dụng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại trú ẩn trong đất ảnh hưởng đến cây trồng và giữ cho đất luôn được tơi xốp lâu, không cỏ đảm bảo cây ớt không bị mất dinh dưỡng khi bón phân.

Cây ớt sừng vàng châu Phi dễ trồng và ít tốn vốn đầu tư, trong quá trình chăm sóc, anh Phương thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh và chủ động phòng trị các đối tượng sâu bệnh gây hại trên ớt để có biện pháp phòng trị kịp thời. Đối với ớt thường xảy ra bệnh thán thư, gây hại rất nghiêm trọng, gây thối trái hàng loạt thời điểm khi ớt già đến chín, bị nặng cũng có thể bị thất thu hoàn toàn. Vì thế, trong quá trình trồng anh Phương thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên ớt để có những giải pháp phun xịt, ngăn chặn kịp thời cây ớt mới đem lại năng suất cao. Do được đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất ớt phát triển khá thuận lợi, cây có nhiều nhánh, trái sai, chỉ với 1 công đất trồng ớt trừ chi phí hạt giống, phân bón, màng phủ gần 5 triệu đồng, anh Phương vẫn có lãi trên 30 triệu đồng mỗi vụ.

Qua quá trình vượt khó làm giàu, thành công với nhiều năm liền trồng ớt anh Phương phấn khởi nói: “Trồng ớt sừng vàng thuận lợi hơn rất nhiều so với trồng mía trước đây, chi phí đầu tư thấp dễ chăm sóc, dễ trồng, mau cho thu hoạch năng suất và lợi nhuận đạt cao, nông dân đất ít có thể chọn mô hình trồng ớt là cách phát triển  kinh tế bền vững”.

Hoa Phượng

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý