Luật Bảo vệ Môi trường

Hỏi: Xin cho biết những tác động tích cực của luật  Bảo vệ Môi trường năm 2005.

pham truong sanh < whitecoatknight@yahoo.com.vn>

Đáp: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 gồm 15 chương và 136 điều nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BVMT năm 1993. Một nét đặc trưng cơ bản của Luật BVMT so với các Luật khác là đối tượng và phạm vi điều chỉnh rất rộng, quy định về hoạt động BVMT, chính sách, biện pháp và nguồn lực để BVMT. Đây là những nguyên tắc hết sức cơ bản và nội dung các nguyên tắc này sẽ chi phối toàn bộ các quy định của Luật BVMT năm 2005.

Một điểm mới so với Luật BVMT năm 1993 đó là sự phân biệt rõ rệt giữa các dự án đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và bản cam kết bảo vệ môi trường.

Ngoài ra Luật còn  quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ phải công bố, cung cấp thông tin về môi trường có liên quan đến hoạt động của mình cho cơ quan chuyên môn về BVMT và cộng đồng dân cư được biết cụ thể như Báo cáo ĐTM, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; cam kết BVMT; thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại tới sức khỏe con người và môi trường. Luật BVMT năm 2005 quy định nguồn lực bảo vệ môi trường nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho BVMT; phát triển khoa học, công nghệ và phát triển công nghệ, xây dựng năng lực dự báo và cảnh báo về môi trường.

Luật BVMT năm 2005 quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT của UBND các cấp và cơ quan chuyên môn về môi trường. Tăng cường hoạt động quản lý và BVMT tại địa phương, phân cấp cụ thể chức năng nhiệm vụ QLMT cho UBND cấp huyện, cấp xã như đăng ký và kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT; Tuyên truyền giáo dục pháp luật về BVMT cho cộng đồng, vận động nhân dân ký hương ước, cam kết về BVMT.

Luật BVMT năm 2005 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, cập nhật nhiều vấn đề bức xúc, đáp ứng nhu cầu công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước ta phải kịp thời xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách, tổ chức, bộ máy, chế tài một cách đồng bộ để đưa Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 Luật Bảo vệ môi trường 2005: Nhiều chế tài mạnh hơn

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động môi trường nhưng cũng đồng thời cho phép sử dụng nhiều biện pháp, công cụ, chế tài mạnh hơn, có tính răn đe cao hơn là tinh thần nổi bật của Luật Bảo vệ Môi trường (năm 2005) vừa được Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2006.

 Luật Bảo vệ Môi trường 2005 có nhiều điểm mới. Trong Luật 2005 quy định có hệ thống các hoạt động bảo vệ môi trường, chính sách, biện pháp và nguồn lực cho bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân. Luật 2005 cũng đã giảm thiểu các quy phạm giao cho Chính phủ quy định chi tiết hoặc hướng dẫn. Trong Luật 2005, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, DN, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền và việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực môi trường đã rõ ràng hơn. Luật 2005 cũng cho phép áp dụng nhiều công cụ, biện pháp chế tài mạnh, đồng bộ, có tính răn đe cao hơn như: áp dụng tiêu chuẩn môi trường, sử dụng các công cụ kinh tế, thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường...

Trách nhiệm DN cao hơn

Trong quá trình đầu tư, hoạt động, DN tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất của Dự án mà phải thực hiện việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc chỉ cần lập bản cam kết bảo vệ môi trường. DN phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường là chủ các dự án (DA): DA công trình quan trọng quốc gia; DA có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; DA có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ; DA xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề; DA xây dựng mới khu đô thị, khu dân cư tập trung; DA khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn...

Đối với các cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, các hình thức xử lý được áp dụng tuỳ theo vi phạm thực tế là: phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; xử lý theo các quy định về xử phạt hành chính. Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người... do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý về hình sự. Đối với DN khi vi phạm thì ngoài việc phải chịu các hình thức xử phạt như trên còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau: buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với mức chịu tải của môi trường; cấm mọi hoạt động của DN vi phạm.

Cụ thể và công khai

Rạch ròi trong quy định, Luật 2005 đã phân chia tương đối cụ thể các quy định về bảo vệ môi trường đối với từng ngành, từng lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, NK phế liệu...); từng địa bàn cụ thể (đô thị, khu dân cư tập trung, nơi công cộng, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình thuỷ lợi...). Cụ thể hơn, luật quy định trách nhiệm phân loại từ nguồn của từng đối tượng trong việc thu gom chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; trách nhiệm xử lý nước thải, khí thải trước khi đưa vào hệ thống thải công cộng... hoặc các quy định về xử lý tiếng ồn, độ rung...

Nhằm nâng cao tính công khai của các hoạt động bảo vệ môi trường, luật quy định quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho UBND cấp huyện, xã nơi có cơ sở gây ô nhiễm môi trường và công khai cho nhân dân biết để kiểm tra, giám sát.

Với các quy định chi tiết, bao quát và có tính khả thi cao, giới chuyên môn nhận định rằng Luật Bảo vệ Môi trường 2005 là cơ sở pháp lý vững vàng thúc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ