Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre

Trang Thông tin điện tử-Sở Khoa học và Công nghệ xin giới thiệu kết quả nghiên cứu đề tài: “Đánh giá thực trạng và nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre. Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp” để bạn đọc tham khảo. Đề tài do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trường Đại học Cần Thơ và nhóm nghiên cứu thực hiện, đã được Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu ngày 16 tháng 6 năm 2020.

 

Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, cần thực hiện những giải pháp sau:

 

1. Giải pháp tuyên truyền

 

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

- Xác định nông dân là chủ thể và doaah nghiệp là hạt nhân có vai trò quyết định trong việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm, là chìa khóa góp phần cho sự thành công trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

 

- Nội dung tuyên truyền phải cụ thể rõ ràng phù hợp với từng địa phương. Trong đó, xác định sản phẩm chủ lực và quy hoạch vùng sản xuất, để từ đó đề xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp; tuyên truyền thực hiện đề án, kết hợp lòng ghép yếu tố tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và xâm nhập mặn đối với dân sinh, sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế; đặc biệt quan tâm nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt và sử dụng tiết kiệm nước của cộng đồng.

 

2. Giải pháp về tổ chức sản xuất

 

+ Mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng liên kết 4 nhà

 

- Nghiên cứu chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của Bến Tre. Xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, bao gồm: cây ăn trái, hoa màu, lúa gạo, thủy sản,… nhằm triển khai đồng bộ giữa các huyện và thành phố, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách hỗ trợ như vốn vay, giống, cơ giới hóa,...

 

- Nghiên cứu, đề xuất quy trình, thủ tục và các quy định trong việc thực hiện hợp đồng giữa nhà nông với các nhà, trong đó quy định rõ quyền lợi vật chất của các bên tham gia hợp đồng; tổ chức nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả.

 

- Tăng cường liên kết với các viện, trường trong vùng (Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả, Trường đại học Cần Thơ) và cả nước, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông, thủy sản.

 

- Thực hiện liên kết giữa Doanh nghiệp-Tổ chức tín dụng-Nông dân trong việc vay vốn sản xuất để giảm bớt các thủ tục vay vốn hiện còn đang bất cập hoặc liên kết giữa Doanh nghiệp-Nhà khoa học-Nông dân trong việc hỗ trợ đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây con, quy trình sản xuất và chế biến.

 

- Đảm bảo cho nông dân chuyển đổi mà không làm ảnh hưởng nhiều đến giá sản phẩm và cũng như đến lợi ích của người dân. Xong bên cạnh đó địa phương cần phối hợp để quy hoạch vùng sản xuất quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp. Tránh trường hợp nông dân sản xuất nhỏ lẻ đại trà, tự phát dẫn đến được mùa mà mất giá hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Việc quy hoạch còn có ý nghĩa rất quan trọng trong phân vùng tạo lợi thế sản phẩm, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

 

- Đẩy mạnh phát triển các mối liên kết trực tiếp trong chuỗi sản xuất giữa nông dân và nông dân, giữa nông dân sản xuất và các dịch vụ, giữa doanh nghiệp và nhóm nông dân; giữa doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra.

 

- Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của hộ nông dân trong việc thực thi hợp đồng kinh tế; củng cố và phát triển mạnh kinh tế tập thể để có thể đại diện hộ xã viên đứng ra ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng.

 

+ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể


- Chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Thông qua việc tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân,... Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia; Đẩy mạnh chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, gia trại, trang trại, doanh nghiệp tư nhân.

 

- Tổ chức nông dân tham quan, học tập mô hình đạt hiệu quả.

 

3. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm


- Củng cố, sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản; tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào một phần hay toàn bộ các khâu tiêu thụ một sản phẩm.

 

- Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩn đối với các cơ sở chế biến và xuất khẩu nông thủy sản.

 

- Tăng năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo liên kết bền vững giữa người sản xuất với người chế biến.

 

- Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách điều tiết lợi ích hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi đối với nông sản hàng hóa.

 

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, tổ chức các sự kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

 

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá hàng hóa, trước hết là phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.

 

- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác có hiệu quả thị trường nội địa.

 

- Phát huy cao hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trên diện rộng đối với các loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực này.

 

- Tổ chức dự báo thông tin thị trường. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản của tỉnh, kể cả sản phẩm đã qua chế biến; đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, đi đôi với quy hoạch sản xuất phải thực hiện thật tốt, thật cụ thể về thông tin thị trường. Muốn tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, không có cách nào khác là phải gắn với nhu cầu thị trường.

 

4. Lồng ghép BĐKH vào các chính sách


- Chính quyền và cộng đồng dân cư của tỉnh sẽ cần phải thường xuyên cập nhật và xây dựng các kế hoạch, hành động thích ứng để bảo vệ chính con người và các hoạt động sinh kế, phát triển của con người. Đã có nhiều giải pháp về thích ứng với BĐKH được đề ra trong Khung Kế hoạch Hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2011-2015) tầm nhìn năm 2020. Một số trong các giải pháp về thích ứng dựa trên hệ sinh thái được đưa ra (như duy trì mở rộng các diện tích rừng ngập mặn hay quản lý nguồn tài nguyên nước), các giải pháp phi công trình vẫn được ưu tiên và áp dụng rộng hơn.

 

- Hiện tại, đang có một số các chính sách quan trọng về BĐKH tại tỉnh Bến Tre. Mỗi một chính sách đều chỉ ra những mục tiêu ưu tiên trong khoảng thời gian 5 năm tới. Các giải pháp thích ứng được đưa ra từ mỗi chính sách, chiến lược còn khá là manh mún và độc lập.

 

- Việc lồng ghép các chiến lược, giải pháp thích ứng với BĐKH cần phải song song với các kế hoạch phát triển về kinh tế-xã hội và phát triển sinh kế của tỉnh Bến Tre. Các kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH nên được kế thừa dựa trên các giải pháp đã và đang được thực thi. Tuy nhiên, đối với các giải pháp này, việc theo dõi và đánh giá tính hiệu quả, khả thi trước các tác động của BĐKH là cần thiết.

 

5. Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu


- Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, người dân ứng dụng đưa vào sản xuất giống lúa chịu mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được xác định có khả năng kháng mặn khá cao như OM6976, OM677, OM5464, OM5629, OM 5166 đã được khảo nghiệm và gieo trồng tại nhiều tỉnh có sự xâm nhập mặn cao là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu. Nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, ngập lụt và nghiên cứu bố trí lại cơ cấu và hệ thống cây trồng phù hợp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường đất, nước, không khí và kiểm soát rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu từng bước được thực hiện.

 

- Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, nhập khẩu các giống vật nuôi mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Đặc biệt phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn-ao-chuồng, mô hình sản xuất lương thực và năng lượng từ chăn nuôi, mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái; nghiên cứu, cải tiến công nghệ nuôi và đối tượng nuôi mới đối với thủy sản có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu trong môi trường biến đổi khí hậu.

 

6. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới


Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện đồng bộ các nội dung về kinh tế và xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị. Chú trọng thực hiện các nội dung chính là phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chú ý việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất.

 

7. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất


- Chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với thông tin thị trường, giá cả sản phâtn nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phâm và đẩy mạnh áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu một số nông sản chủ lực của tỉnh, nâng cao hiệu quả sử dựng đất trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác.

 

- Chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có khả năng thích ứng với nước lợ và nước mặn; nghiên cứu thực nghiệm, thử nghiệm và chuyên giao thực hiện chương trình cải tạo các giông cây trông, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với BĐKH và hạn mặn phục vụ tái cơ cấu và chuyên dịch cơ câu kinh tê nông nghiệp theo từng vùng sinh thái.

 

- Phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thích ứng với BĐKH, phát huy thế mạnh làng nghề, các loại cây giống, hoa kiểng mới có giá trị kinh tế.

 

- Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; chú trọng công tác đào tạo cán bộ có năng lực, trình độ về hỗ trợ địa phương thực hiện Đề án.

 

8. Nhóm giải pháp về chính sách


- Triển khai thực hiện đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triên kinh tê nông nghiệp, nông thôn theo các Quyêt định 68/2013/QD-TTg,Quyết định 62/2013/QD-TTg, Quyết định 50/2014/QĐ-TTg, các Nghị định số 67/2014/NĐ- CP, Nghị định 57/2018/ND-CP và các chính sách liên quan để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vôn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh; cần có cơ chế tích tụ ruộng đất để tạo vùng sản xuất tập trung; liên kết sản xuất tạo sản phẩm sạch, an toàn, nông dân liên kết với nhau và cơ chế đàu tư, hỗ trợ nguồn lực cho nông dân.

 

- Khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Đổi mới cơ chế và cơ cấu đầu tư công nhằm ưu tiên tập trung vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách, các công trình phục vụ tái cơ cấu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình dở dang, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường quản lý đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; rà soát, cắt giảm và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư. Triển khai thực hiện các chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân.

 

9. Giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực chủ yếu của TCCNN


Giải pháp phát triển ngành trồng trọt


- Rà soát quy hoạch ở từng địa phương gắn với quy hoạch sản xuất vùng, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới, trên cơ sở lợi thế so sánh của mỗi vùng, từng bước thay đổi công thức luân canh theo hướng giảm số lượng sản phẩm hiệu quả thấp, khó tiêu thụ sang sản xuất những nông sản có hiệu quả cao, thị trường yêu cầu.

 

- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, đảm bảo ổn định sản xuất, nông sản được tiêu thụ thông suốt, giá cả ổn định, đảm bảo nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.Tổ chức, sắp xếp lại các mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất liênkết tiêu thụ tập trung có quy mô ngày càng mở rộng hơn như các tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, mô hình cánh đồng lớn, kinh tế trang trại, hợp tác xã, làng nghề và doanh nghiệp nông nghiệp theo chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư của Chính phủ; thựchiện đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản và xúc tiếnthương mại sản phẩm.

 

- Ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Tăng cường đầu tư công tác sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống địa phương. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng.

 

- Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; các chính sách phát triển kinh tế trang trại, nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã; Các chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất sạch, tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp và các chính sách về tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Giải pháp phát triển ngành chăn nuôi


- Rà soát, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi heo gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường. Cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, bảo đảm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và môi trường. Vận động phát triển các trang trại với quy mô vừa và lớn; từng bước chuyển đổi, giảm dần các cơ sở chăn nuôi nông hộ. Có chính sách khuyến khích chăn nuôi theo quy hoạch và hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến các khu quy hoạch được phép chăn nuôi. Đa dạng các hình thức và phương thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

 

- Tập trung chuyển đổi, nâng cao chất lượng con giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến cho nông hộ, trang trại. Quản lý tốt giống vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, quan tâm phát triển các giống bản địa có chất lượng tốt và ít bị cạnh tranh trên thị trường.

 

- Tập trung khuyến khích liên kết, bao tiêu sản phẩm đối với hình thức chăn nuôi theo chuỗi. Ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, có chỉ dẫn địa lý và đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ các thị trường tiềm năng.

 

- Tỉnh cần có quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực: giết mổ chế biến, trại giống, xử lý môi trường,… Kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh nguy hiểm ở gia súc-gia cầm, bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người.

 

- Xây dựng và chỉ đạo có hiệu quả mạng lưới thú y cộng đồng. Xây dựng các vùng chăn nuôi heo và gia cầm an toàn dịch bệnh. Đồng thời kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến.

 

- Đẩy mạnh các hoạt động triển khai, hướng dẫn, vận động tham gia thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

 

- Hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro, đồng thời còn giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Liên kết chuỗi sẽ tránh được trường hợp sản phẩm chăn nuôi mất giá, tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi. Trong đó, doanh nghiệp đảm bảo vai trò chủ đạo từ nguồn thức ăn, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi trang trại đáp ứng được những yêu cầu về môi trường, hỗ trợ bà con về kỹ thuật lẫn đầu ra cho sản phẩm...

 

Giải pháp phát triển ngành thủy sản


- Đối với vùng nước ngọt, ổn định diện tích nuôi cá tra thâm canh, các loài cá truyền thống để tăng nguồn thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Không ngừng đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng các đối tượng nuôi, các giống thủy đặc sản (lươn, ếch, baba, tôm càng xanh, chạch lấu, rô phi,…) phục vụ xuất khẩu, du lịch và thị trường nội địa. Tập trung triển khai áp dụng các tiêu chuẩn GAP, ASC, BAP,... đối với sản xuất cá tra thâm canh đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

 

- Đối với vùng nước lợ, mặn, tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu) và các đối tượng cá nước lợ phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái phục vụ xuất khẩu. Hình thành các vùng nuôi chuyên canh, tập trung, có quy mô lớn theo tiêu chuẩn GAP phù hợp với từng thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gắn với truy xuất nguồn gốc. Xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao; cải tiến quy trình nuôi quảng canh, tôm rừng, tôm lúa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vừa tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Rà soát hoàn chỉnh quy hoạch, công bố quy hoạch đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển nhanh, mạnh các đối tượng có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mạnh mẽ nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo tổng kết đề tài: “Đánh giá thực trạng và nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre. Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý