Công nghệ mới làm tăng tuổi thọ cà chua

image
Công nghệ súc rửa làm tăng thời gian bảo quản cà chua

Dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua lần đầu tiên được ứng dụng tại Lâm Đồng đã làm tăng thêm tuổi thọ của trái cà chua gấp 3 lần.

Các kỹ sư trẻ ở Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Viện CĐNN & CNSTH), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau hai năm miệt mài nghiên cứu đã chế tạo thành công dây chuyền sơ chế bảo quản rau quả (cà chua, cam quýt, chanh dây...) và chuyển giao cho Công ty TNHH nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (TP.HCM), có trang trại tại Đơn Dương (Lâm Đồng) ứng dụng.

Anh Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên cho biết: Nhiều năm qua công ty cung cấp rau sạch cho các siêu thị tại TP.HCM nhưng sau quá trình vận chuyển (trên 300 km) chất lượng cà chua giảm sút và bị hư hao nhiều, việc tiếp nhận dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua sẽ giúp nhà cung cấp rau quả  khắc phục những khó khăn bấy lâu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Kỹ sư trẻ Cao Đăng Minh - lắp ráp và điều khiển dây chuyền, cho biết: "Dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua có 5 công đoạn được điều khiển tự động gồm: súc khí cọ rửa đánh bóng cà chua, làm khô trái cà chua, phun chế phẩm BQE 625, làm khô màng dịch, phân loại quả và đóng thùng, mỗi giờ sơ chế 1 tấn cà chua". Còn thạc sĩ Đặng Thị Thanh Quyên (Viện CĐNN & CNSTH) cho biết với công nghệ này có thể sơ chế bảo quản cà chua trên 30 ngày (bình thường 10 ngày), nhờ có lớp màng BQE 625 sẽ ngăn được vi sinh vật xâm nhập vào quả, giữ được màu sắc và vỏ cà chua không bị nhăn, vận chuyển đường xa tỷ lệ hư hao sẽ giảm. Chất bảo quản này lại không gây hại cho sức khỏe, vì khi rửa lại bằng nước, màng bảo vệ sẽ hòa tan trong nước.

Trong khi dây chuyền vận hành thử, nhiều nông dân đã kéo nhau đến xem, họ tỏ ra phấn khởi. Vì theo họ những lúc cà chua rộ mùa thường bị rớt giá thê thảm, nếu được sơ chế bảo quản với dây chuyền thiết bị này sẽ cất giữ cà chua được lâu hơn. Biết được tâm tư của nông dân, anh Nguyễn Lam Sơn cho biết sẽ hợp tác với Phòng Nông nghiệp địa phương và bà con nông dân để sản xuất cà chua thành phẩm an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của các siêu thị và thị trường xuất khẩu.

Qua tìm hiểu, dây chuyền thiết bị này thuộc đề tài cấp Bộ, chi phí cho việc nghiên cứu chế tạo khoảng trên 600 triệu đồng, chế phẩm BQE 625 phải nhập từ Hoa Kỳ về với giá khá đắt, cho nên chi phí sơ chế bao màng khoảng 200 ngàn đồng/1 tấn cà chua (đã có chi phí điện nước), nếu cộng luôn chi phí bao bì khoảng 500 đồng/kg thì giá thành phẩm cà chua tăng thêm 700 đồng/kg, nhưng anh Sơn cho rằng: "Chi phí đó sẽ không đáng kể nếu chất lượng cà chua được nâng lên đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, vì họ chấp nhận trả giá cao hơn để có sản phẩm sạch và an toàn, chưa nói tỷ lệ hư hao trong quá trình vận chuyển sẽ giảm tối đa".

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022