Bảo đảm tốc độ đổi mới công nghệ với phát triển kinh tế

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định mục tiêu phấn đấu bảo đảm tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2015 đạt 10-15% và giai đoạn 2016-2020 đạt 20%. Mục tiêu này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre xác định: phấn đấu đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30%

 

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ: “Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị là tốc độ/tỷ lệ tăng trưởng đổi mới công nghệ, thiết bị bình quân theo chu kỳ năm xác định”. Như vậy, mức độ đổi mới công nghệ, thiết bị là thước đo tác động của KH&CN đối với phát triển kinh tế, là chỉ số đo nỗ lực đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế bền vững trên thị trường góp phần vào phát triển của ngành, địa phương và quốc gia.

 

Ở Bến Tre, đây là năm đầu tiên tính tốc độ đổi mới công nghệ cho giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, khó khăn thách thức đặt ra đối với phương pháp xác định là cách thức xây dựng phương án thu thập các tiêu chí, cách thức xử lý số liệu vì phần lớn số liệu thống kê gốc không sẵn có nên gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn số liệu và bóc tách các số liệu thứ cấp. Theo hướng dẫn của Bộ KH&CN, việc tính toán tốc độ đổi mới công nghệ chủ yếu vận dụng công thức tính tỷ lệ tăng trưởng đổi mới của Liên minh Châu Âu (IGR: Innovation Growth Rate) theo 05 chỉ tiêu đầu vào và 07 chỉ tiêu đầu ra.

 

Chỉ tiêu đầu vào:
- Tỷ lệ % kinh phí dành cho KH&CN từ Ngân sách nhà nước (NSNN) so với Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh;
- Số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển (NC&PT) trên 10.000 dân của tỉnh;
- Tỷ lệ % số lượng nhân lực có trình độ đại học và trên đại học so với tổng số nhân lực của doanh nghiệp trong tỉnh;
- Tổng số lượng đơn đăng ký sở hữu đối tượng quyền Sở hữu Công nghiệp (SHCN) và đơn yêu cầu công nhận sáng kiến so với GRDP của tỉnh (1.000 tỷ VNĐ);
- Tỷ lệ % tổng chi cho NC&PT và Đổi mới công nghệ (ĐMCN) trong khu vực doanh nghiệp so với GRDP của tỉnh.

 

Chỉ tiêu đầu ra:
- Tổng số lượng văn bằng bảo hộ đối tượng quyền SHCN và giấy chứng nhận sáng kiến được cấp so với GRDP của tỉnh (1.000 tỷ VNĐ);
- Tỷ lệ % chi nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng so với GRDP của tỉnh.
- Tỷ lệ % kinh phí mua công nghệ, thiết bị trong khu vực doanh nghiệp so với GRDP của tỉnh;
- Tỷ lệ % số lượng doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng so với tổng số doanh nghiệp của tỉnh;
- Tỷ lệ % của số lượng đối tượng quyền SHCN được chuyển giao và giấy chứng nhận sáng kiến được ứng dụng so với tổng số văn bằng và giấy chứng nhận sáng kiến được cấp;
- Tỷ lệ % giá trị các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị xuất khẩu;
- Tỷ lệ % giá trị giá trị, máy móc, phụ tùng xuất khẩu so với tổng giá trị xuất khẩu.

Áp dụng công thức:

 

 

Về xác định giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp hiện nay cũng đang gặp khó khăn do Bộ KH&CN chưa ban hành danh mục sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, việc xác định chủ yếu vận dụng và tham khảo Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển ban hành theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

 

Trong thực tế, việc xác định giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chủ yếu dựa vào hoạt động điều tra theo khuyến nghị của OECD, đồng thời đánh giá thuộc tính của sản phẩm như: sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao phải có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu; dây chuyền công nghệ phải đạt trình độ tiên tiến và được điều khiển theo chương trình; các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ được cập nhật các công nghệ mới trong lĩnh vực hoạt động cách thời điểm đầu tư không quá 05 năm; có áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và đảm bảo các điều kiện về môi trường.

 

Về cách thức xác định giá trị SPCNC&UDCNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp căn cứ vào danh mục sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao của Khu vực 2 (Công nghiệp và xây dựng) trong 04 nhóm ngành công nghiệp cấp I với 3.082 nhóm sản phẩm, từ đó xác định danh mục SPCNC&UDCNC phù hợp với điều kiện của địa phương để đưa vào tính toán.

 

Với cách thức tiếp cận như trên, sau quá trình điều tra, thu thập, xử lý, chỉnh lý số liệu, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015 đạt 10,73%; giá trị sản phẩm SPCNC&UDCNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2015 đạt 22,8%.  

 

Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011 – 2014 là 10,68%, tỷ trọng giá trị SPCNC&UDCNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong những năm qua, năm 2011 là 12,74%, năm 2012 là 17,22%, năm 2013 là 18,37% và khoảng 25% vào năm 2015. Điều này cho thấy, Bến Tre có tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị SPCNC&UDCNC sắp xỉ so với mặt bằng chung của cả nước. Điều này phản ánh tác động của KH&CN đối với phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều đối với sự nỗ lực đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh, tức là mức tiêu thụ nguyên liệu, nhân công và năng lượng sẽ tiêu tốn nhiều hơn cho một sản phẩm đầu ra tương ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

 

Trong thời gian tới, để đảm bảo các chỉ tiêu đề ra đến năm 2020, giá trị SPCNC&UDCNC đạt 30%, tốc độ đổi mới công nghệ đạt 20% thì tỉnh Bến Tre cần phải cố gằng đầu tư cho một số chỉ tiêu cụ thể để nâng cao giá trị 02 chỉ số trên. Kết hợp với việc tính toán các chỉ số, cần thiết phải quan tâm đến hoạt động đánh giá trình độ công nghệ một số ngành chủ lực của tỉnh làm cơ sở để cho các nhà quản lý xác định được trình độ công nghệ của tỉnh và đưa ra các mục tiêu cho việc định hướng đầu tư vào nội dung, lĩnh vực cụ thể, là một nhân tố quan trọng quá trình điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Cụ thể:

 

- Tạo lập cơ chế đặt hàng, khoán sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thường xuyên.
- Phát triển doanh nghiệp KH&CN và các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.
-  Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có được năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế

- Năm 2017, Sở KH&CN tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

Tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị SPCNC&UDCNC là một nhiệm vụ cấp thiết nhưng cũng đầy thách thức vì hệ thống chỉ tiêu thống kê, điều tra còn tương đối mới và cũng vừa được triển khai vào năm 2016. Để có được nguồn thông tin đầy đủ, chất lượng phục vụ cho tính và công bố hệ thống chỉ tiêu đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 cần tổ chức đánh giá thực trạng, chất lượng nguồn thông tin đầu vào. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch tổ chức cập nhật, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu nền sẵn có, tổ chức các cuộc điều tra mới để thu thập đầy đủ thông tin cần thiết.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022