Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre gặp khó khăn nhất định như thời tiết cực đoan, triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giá một số nông sản chủ yếu của tỉnh có thời điểm giảm ở mức thấp như dừa khô, tôm nguyên liệu, làm hạn chế nguồn lực đầu tư ứng dụng KH&CN. Tuy nhiên, với tinh thần năm “tăng tốc”, KH&CN đã có bước chuyển biến và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

Sở KH&CN đã tập trung tham mưu cho tỉnh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên cơ sở gắn sát nhu cầu thị trường, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo mô hình hợp tác, hợp tác xã kiểm mới. Trong đó, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh trên cơ sở xác lập chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản của tỉnh, từng bước tham gia và khẳng định vị trí sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phát huy tốt vai trò đóng góp của KH&CN trong sản xuất, chú trọng thực hiện các dự án giải quyết một số vấn đề cấp thiết của địa phương, nổi bật như: sản xuất thành công các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất cây có múi (bưởi, cam) sạch bệnh. Hỗ trợ tư vấn các dịch vụ KH&CN trong các lĩnh vực khoa học cây trồng, an toàn bức xạ, công nghệ thực phẩm, công nghệ vi sinh và môi trường. Nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre. Các hoạt động hợp tác, nghiên cứu triển khai, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh, các hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm, thực hiện tốt.

Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm và các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,… giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của địa phương được Bộ KH&CN cấp chứng nhận bảo hộ, gồm 17 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý, 620 nhãn hiệu thông thường, 46 kiểu dáng công nghiệp và 01 giải pháp hữu ích, hiện tại đang trình Bộ KH&CN xem xét cấp chứng nhận cho 05 nhãn hiệu tập thể. Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể của tỉnh đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương tăng cường ứng dụng KH&CN hiện đại, ưu tiên sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm thiểu chi phí đầu vào và chi phí trung gian để tăng khả năng cạnh trang của sản phẩm nông sản trên thị trường. Hoạt động KH&CN đã đến được với doanh nghiệp, đến với cơ sở, đặc biệt luôn xem doanh nghiệp là trung tâm để đầu tư phát triển và ứng dụng KH&CN, huy động và tập trung tốt các nguồn lực để tiến hành xã hội hóa hoạt động KH&CN, đưa KH&CN đến được với thực tiễn sản xuất và đời sống. Tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước so với ngoài ngân sách nhà nước đạt 1,00:5,90.

Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nghề mới phù hợp với điều kiện địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa và hình thành được doanh nghiệp KH&CN. Hiện nay, toàn tỉnh có 06 doanh nghiệp KH&CN được thành lập và hoạt động đạt hiệu quả cao, tỷ trọng doanh thu của các sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu đạt yêu cầu, được hưởng các ưu đãi, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của 03 doanh nghiệp KH&CN được miễn, giảm trong năm 2017 – 2018 là 9.299,4 triệu đồng. Doanh nghiệp đã sử dụng phần thuế được miễn, giảm để đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trong doanh nghiệp. Có 04 hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 02 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước được ký kết, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao (tổng giá trị các hợp đồng là 253.756 triệu đồng). Ngoài ra, doanh nghiệp KH&CN còn được ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, tham gia các chương trình phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước, giải thưởng chất lượng quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương.

 

    
Mặc dù kinh phí dành cho KH&CN chưa nhiều nhưng tỉnh vẫn quan tâm, đầu tư cho phát triển KH&CN, thực hiện thành công nhiều dự án với sự hỗ trợ của Trung ương, của Bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đem lại nhiều kết quả thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ đổi mới thiết bị, công nghệ giai đoạn 2015 – 2018 đạt 18,1%/năm; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng lên qua các năm, cụ thể năm 2016 là 22,8%, năm 2017 là 26,2% và năm 2018 đạt 27%, tỉ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài kỹ thuật vào sản xuất đạt trên 85%. Kỳ vọng tốc độ đổi mới thiết bị, công nghệ đạt 20%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 30% vào năm 2020 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn tồn tại một số khó khăn nhất định, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn có khoảng cách, vẫn còn mang tính dàn trải, chưa có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN quy mô liên ngành, liên vùng, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao liên kết giữa các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, hàm lượng KH&CN nói chung thể hiện trên các sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy KH&CN cho phát triển KT-XH.

Năm 2019 được xác định là năm “tiếp tục tăng tốc – tạo bức phá”, ngành KH&CN tỉnh Bến Tre sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất theo hướng bền vững để có thể tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

Một là, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt là từ doanh nghiệp, trong đó, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Hai là, triển khai những giải pháp tiếp thu và làm chủ công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng thế mạnh, cạnh tranh cao, chú trọng đưa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất.

Ba là, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.

Bốn là, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, đưa khởi nghiệp sáng tạo trở thành một trong những động lực cho đổi mới và tăng trưởng.

Năm là, tiến hành rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm để đầu tư, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tham mưu cụ thể hóa chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN.

Sáu là, ưu tiên hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, triển khai, áp dụng, quản lý tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh từng bước hoàn thiện chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để khai thác, phát triển tài nguyên bản địa, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022