Những công bố về dừa Bến Tre từ hội thảo khoa học quốc tề về tranh dân gian đông hồ

Nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề tranh dân gian Đông Hồ”. Trong 3 ngày từ 31/10 đến 2/11 tại Hà Nội và Bắc Ninh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” và Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại”.

 

Về dự Triển lãm và Hội thảo có trên 200 chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể quốc tế đến từ các nước Hoa Kỳ, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân, đại diện cộng đồng am hiểu về nghệ thuật tranh dân gian truyền thống nói chung và tranh dân gian Đông Hồ trong cả nước nói riêng. Các đại biểu về dự Hội thảo đã trình bày, thảo luận các vấn đề khoa học và thực tiễn nhằm đúc kết công tác quản lý, bảo vệ nghề làm tranh, tranh dân gian và đề xuất các giải pháp về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

 

image

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh:TL.

 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “… cần có những biện pháp gần gũi, cấp bách để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong tranh Đông Hồ, đặc biệt coi trọng việc truyền nghề cho giới trẻ đi đôi với duy trì được số nghệ nhân làm tranh còn ít ỏi hiện nay bởi đây là lực lượng nòng cốt phục hồi và làm sống dậy dòng tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, để thu hút người mua tranh, việc đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu chơi tranh của người dân là một giải pháp cần được tính tới”.

 

Hai công bố mới liên quan đến dừa Bến Tre tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” là kết quả của đề tài nghiên cứu “Từ xứ dừa – Bến Tre nghĩ về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tranh dân gian Đông Hồ trong phát triển du lịch” của Thạc sĩ Phạm Văn Luân, Trường Cao đẳng Bến Tre đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu dự hội thảo. Nghiên cứu này cho biết, Bến Tre là một điểm đến của dòng tranh dân gian Đông Hồ trên đường Nam tiến: Xứ Dừa - Bến Tre có một khoảng cách khá xa cả trong không gian và thời gian đối với dòng tranh dân gian Đông Hồ, tuy nhiên do là dòng tranh dân gian gắn bó và thể hiện sinh động đời sống lao động nông nghiệp của người nông dân Việt Nam, tranh Đông Hồ đã sớm có những dấu ấn độc đáo như bức tranh “Hứng dừa” nổi tiếng mà người Bến Tre nào cũng nhận ra bóng dáng cây dừa quê hương với nét chân quê, chân chất, phản ảnh sinh động phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân xứ dừa. Sức sống của tranh Đông Hồ thể hiện qua một bức tranh nhỏ nhưng hiệu ứng lớn, những nét vẽ độc đáo trên nền giấy dó truyền thống có quét điệp và màu sử dụng có nguồn gốc tự nhiên tạo ra mỹ cảm dung dị, giá trị độc đáo bừng sáng khi kết nối với những giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch ở xứ dừa Bến Tre. Theo Thạc sĩ Phạm Văn Luân qua khảo cứu đã có cơ sở khẳng định, tranh dân gian Đông Hồ đã hiện diện ở Bến Tre cách nay ít nhất trên 1 trăm năm theo dòng lưu dân Ngũ Quảng, cũng như trường hợp Hát sắc bùa khi đến vùng đất mới - tranh dân gian Đông Hồ đã được các lưu dân Ngũ Quảng lúc bấy giờ với tư cách là người dân xứ dừa tiếp biến sáng tạo, trân trọng để lại bằng dấu ấn bức tranh “Hứng dừa” trên 1 tấm phù điêu khắc đá ở ngôi mộ cổ của ông Huyện Hồ, ấp Phước Thành, xã Tam Phước, huyện Châu Thành - Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Bến Tre xác nhận  là “Mộ cổ họ Hồ” trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Ban hành theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh Bến Tre).

 

 image

 Nhà nghiên cứu Hán – Nôm Đỗ Văn Tâm (Tục Tâm) đang giải mã về cây dừa và mâm ngũ quả tại mộ cổ họ Hồ. - Ảnh:TL.


 Tranh dân gian Đông Hồ hiện diện ở Bến Tre cách nay hàng thế kỷ trên phù điêu khắc đá đã cho thấy sức sống và sự dịch chuyển của tranh Đông Hồ khi đến Bến Tre theo nguyên tắc sáng tạo trên nền truyền thống là một trong những cách tiếp cận phù hợp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của tranh Đông Hồ ở phương Nam. Điều đó đã chỉ ra những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc nhằm biến tiềm năng bảo vệ và phát triển tranh Đông Hồ ở Bến Tre trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa thành khả năng to lớn để phát triển du lịch.

 

Đó không chỉ là cách ứng dụng họa tiết, hoa văn, màu sắc tranh Đông Hồ trong nghệ thuật tạo hình từ lá dừa, gáo dừa, gỗ dừa khi trang trí nội thất, tạo ra sản phẩm du lịch, mà còn là sự kỳ công nghiên cứu ứng dụng, chế tác từ tri thức bản địa cho ra đời giấy dừa có thể chuyển tải trên đó phong cách, dấu ấn của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Những ý tưởng, hành động này có giá trị cộng hưởng hướng đến tôn vinh và bảo vệ, phát huy giá trị của tranh Đông Hồ ở xứ dừa Bến Tre trong cuộc sống đương đại - đây là việc làm thiết thực thể hiện đóng góp của Bến Tre vào quá trình xây dựng Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề tranh dân gian Đông Hồ”.

 

 image

 Giới thiệu giấy dừa Bến Tre tại Hội thảo quốc tế ở làng tranh Đông Hồ. Ảnh: TL.


 Đặc biệt, tại Hội thảo Thạc sĩ Phạm Văn Luân đã giới thiệu giấy dừa của doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ Bến Tre - Cty ESCOCO VIETNAM (dự án đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ năm 2019”, sản phẩm mới từ giấy dừa Bến Tre sẽ chính thức ra mắt trong dịp Lễ hội dừa lần V – 2019) đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước. Với sự tư vấn của các chuyên gia, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, làng tranh dân gian Đông Hồ đã thể hiện được 1 bức tranh “Hứng dừa” đầu tiên trên giấy dừa Bến Tre.

 

 image

 Lần đầu tiên trong lịch sử tranh dân gian Đông Hồ bức tranh “Hứng dừa” được thể hiện trên giấy Dừa Bến Tre - Ảnh: TL.


Bà Clamilla Rossing, Chuyên gia đến từ Viện Trang phục dân gian Na Uy, sau khi xem tranh cho biết: “Từ cảm quan của mình tranh Đông Hồ đã được thể hiện khá chăm chút trên giấy dừa Bến Tre và gần như không có sự khác biệt nào lớn, tôi đặc biệt ấn tượng về loại giấy này ngay lần tiếp xúc đầu tiên, biết đâu đây sẽ là một nguyên liệu tốt cho Viện Trang phục dân gian Na Uy chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng”.

 

 image

 Bà Clamilla Rossing, Viện Trang phục dân gian Na Uy nhận tranh “Hứng dừa” trên giấy Dừa Bến Tre -  Ảnh: TL.

 

Thạc sĩ Phạm Văn Luân cho biết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đánh gia cao giấy dừa Bến Tre những đặc tính thân thiện môi trường, độ dai và có tính thẩm thấu ánh sáng, đặc biệt là sản phẩm được chế tác từ lá dừa vốn có nguồn nguyên liệu dồi dào ở Bến Tre… đây như là một tác nhân mới cho các dòng tranh dân gian của Việt Nam, trong đó có tranh Đông Hồ sẽ bừng sáng và thăng hoa những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, trở thành những sản phẩm nghệ thuật và văn hóa tinh thần của các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế, tạo ra những hiệu ứng tích cực cho quá trình đề nghị UNESCO đưa “Nghề tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ bền vững
• Ưu tiên phát triển công nghệ viễn thông 4G và 5G trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng công nghiệp 4.0
• Công nghệ lượng tử
• Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
• Tiềm năng, quy mô và triển vọng thị trường Halal
• Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế huyện Thạnh Phú
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi