Di sản văn hóa Bến Tre được giới học giả quan tâm tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển doanh nghiệp bền vững trong kỷ nguyên kết nối”

Một sự kiện học thuật quốc tế quan trọng ở các tỉnh phía Nam vừa diễn ra trong tháng 11/2019 tại Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh là Hội thảo khoa học quốc tế về kinh doanh lần thứ 3 năm 2019 (International Conference on Business - ICB 2019). Hội thảo có chủ đề “Phát triển doanh nghiệp bền vững trong kỷ nguyên kết nối” đã thu hút sự tham dự của trên 100 nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên của các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế và trong nước uy tín như: Trường Kinh tế và Luật Berlin (Đức), Trường Đại học Rouen (Pháp), Trường Đại học Paris 13 (Pháp), Hiệp hội quản lý du lịch bền vững quốc tế (AIMTD), Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Bền vững (Pháp), Trường Kinh tế và Quản trị Solvay Brussels (Bỉ), Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Rome (Ý), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, Hội Doanh nhân nữ Tp. Hồ Chí Minh (HAWEE), và Hội đồng Tư vấn hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, các Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học RMIT, Trường Đại học FPT, Trường Cao đẳng Bến Tre…

 

image
Đại diện Trường Cao đẳng Bến Tre (thứ 3 từ trái, hàng đầu tiên) và các diễn giả Hội thảo ICB 2019. Ảnh:NKK.


Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngày nay khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta không chỉ nói về tăng trưởng kinh tế mà còn đề cập đến phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Các tiểu chủ đề của Hội thảo xoay quanh vấn đề phát triển doanh nghiệp bền vững. Làm thế nào để phát triển bền vững doanh nghiệp? Nhà lãnh đạo đóng vai trò gì và định hướng sự phát triển như thế nào? Các giải pháp marketing, thương hiệu, các chiến lược nhân sự, các mô hình và giải pháp kinh doanh đóng góp gì trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp? Một doanh nghiệp nên khởi nghiệp như thế nào để đảm bảo sự phát triển bền vững? Trên tinh thần đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận, giới thiệu các nghiên cứu thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, doanh nhân về kinh doanh bền vững, lãnh đạo doanh nghiệp phải có ý thức về phát triển bền vững, đồng thời định hướng cho người tiêu dùng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Hội thảo cũng đã chỉ rõ để phát triển bền vững không chỉ có cơ quan nhà nước mà phải có sự tham gia của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân, người tiêu dùng và cả cộng đồng.  

 

Ông Florian J. Beranek, Chuyên gia trưởng về trách nhiệm xã hội đến từ Chương trình Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng, chỉ khi người tiêu dùng được trao quyền hợp pháp mới tạo ra nhân tố thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của cả doanh nghiệp và các bên liên quan hướng đến thiết lập một cơ chế kiểm soát theo hướng tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững trong tất cả doanh nghiệp cũng như cộng đồng vì mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc một cách đích thực.

 

Trường Cao đẳng Bến Tre tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo với Đề tài đề cập đến vấn đề gia tăng hàm lượng văn hóa và khoa học trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc ở Bến Tre: - “Tìm kiếm giải pháp quản lý di sản văn hóa vùng biển từ mô hình Đồng quản lý nghề cá Bến Tre để phát triển du lịch”; Báo cáo do ThS Phạm Văn Luân, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học – Quan hệ Quốc tế, Trường Cao đẳng Bến Tre thực hiện đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế. Báo cáo khoa học của Bến Tre đã bám sát định hướng của Hội thảo là kết hợp hai lĩnh vực: học thuật và thực tiễn hướng đến giải quyết vấn đề phát triển doanh nghiệp và cộng đồng bền vững từ nền tảng văn hóa; giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp cũng như vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững từ nguồn lực văn hóa là một trong các giải pháp mang tính chiến lược, mô hình đồng quản lý nghề cá đã có từ trước đây ở Bến Tre được tiếp cận và khai thác như một giải pháp mới gắn kết di sản văn hóa vùng biển với phát triển du lịch, tìm kiếm và khơi dậy giá trị kinh tế của di sản văn hóa vùng biển qua kênh du lịch để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp đồng quản lý di sản văn hóa đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo ThS Phạm Văn Luân, Bến Tre là 1 trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có một kho tàng di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể phong phú và quí giá với 72 di sản văn hóa từ cấp tỉnh trở lên (trong đó có 15 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 52 di tích cấp tỉnh). Thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ khóa VIII, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Bến Tre được thực hiện với nhiều kết quả, đã có những chuyển biến rõ rệt trong đầu tư, tùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là ở các di tích cấp quốc gia với 13/15 di tích cấp quốc gia được trùng tu, tôn tạo. Nhiều di tích cấp quốc gia ở vùng biển được được đầu tư hàng chục tỷ đồng, cùng với giá trị của di sản văn hóa ở từng di tích đã đóng vai trò quan trọng vun đắp nền tảng tinh thần xã hội, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch. Bến Tre có 65 km bờ biển, văn hóa biển là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Bến Tre với 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Hát sắc bùa Phú Lễ, huyện Ba Tri, mô hình Đồng quản lý nghề cá ở Bến Tre gắn với cộng đồng tự quản vùng biển đã hé mở những cánh cửa kỳ diệu có thể tìm ra những nét tương đồng chuyển giao cùng củng cố phát triển tính cộng đồng bền vững từ 2 gọng kềm: - kinh tế thủy sản và du lịch - văn hóa biển đem lại sự phát triển bền vững cho Bến Tre.

 

Theo TS. Cao Minh Trí, Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, sáng kiến đồng quản lý di sản văn hóa vùng biển Bến Tre đã hội đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho phép các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long áp dụng, việc gắn kết với văn hóa sẽ giúp doanh nhân khởi nghiệp, đưa ý tưởng kinh doanh mới vào cuộc sống, mở rộng quy mô kinh doanh theo chiến lược hướng về biển, lấy văn hóa biển làm nền tảng để đảm bảo phát triển bền vững.

 

Nhấn mạnh yếu tố quản lý thương hiệu mới, GSTS. Carsten Baugmath, Trường Kinh tế & Luật (Đức), cho rằng thương hiệu là một trong những tài sản quý giá nhất của các công ty, thành phố, trường đại học… Trước đây, việc quản lý thương hiệu dựa trên một số luật thương hiệu đơn giản. Tuy nhiên, các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học truyền thông (Social Media), robotics… cũng như việc gia tăng sự cạnh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nhân viên… đã tạo ra các thách thức trong quản lý thương hiệu. Từ thực tế này, giáo sư Carsten Baugmath đã nêu ra các vấn đề còn tồn tại về quản lý thương hiệu cần chú ý đó là kiến thức dữ liệu, công nghệ mới để đo lường sự hài lòng của khách hàng và điểm tiếp xúc thương hiệu; thương hiệu có ý thức, tận dụng thương hiệu và đồng sáng tạo thương hiệu với sự tham gia của cộng đồng và các giá trị văn hóa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tiềm năng, quy mô và triển vọng thị trường Halal
• Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế huyện Thạnh Phú
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị