Cơ hội cho Bến Tre khi triển khai dự án chuyển dịch năng lượng bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/5/2020, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang bàn kế hoạch phối hợp triển khai dự án Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại buổi làm việc, ông Cao Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cho biết: trong năm 2020 với nguồn kinh phí tài trợ từ Quỹ khí hậu châu Âu, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh sẽ  tiếp tục triển khai dự án “Hỗ trợ chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long” sau khi tình hình đại dịch covid-19 cơ bản được kiểm soát. Theo đó, đến nay Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh tiến hành thành lập nhóm đối tác xây dựng 3 kịch bản về phát triển năng lượng ở ĐBSCL gồm: Kịch bản cơ sở (Quy hoạch Chiến lược phát triển điện lực lần thứ VII điều chỉnh), có tổng công suất lắp đặt được dự báo tăng lên 60.000 MW vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030; Kịch bản năng lượng tái tạo (B&RE) có tổng công suất dự kiến sẽ tăng từ 38.900 MW vào năm 2015 lên 123.480 MW vào năm 2030, tức tăng 84.580 MW trong 15 năm, tương đương 5.640 MW mỗi năm và Kịch bản kết hợp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE), đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 21% lên 30%, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên khoảng 22,8% và giảm nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn 24,4%.

 

Quá trình triển khai dự án, sau khi tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương và người dân trong vùng, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh sẽ hoàn chỉnh kịch bản, đề nghị Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch điện 8. Sắp tới, vào tháng 8/2020 Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh sẽ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học về chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong khuôn khổ dự án, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh hỗ trợ tỉnh Tiền Giang triển khai các dự án điện mặt trời giúp các xã đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt gia đình…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Tiền Giang (trái) trong buổi làm việc với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh. Ảnh: TL.

 

Theo ThS Phạm Văn Luân, Phòng NCKHG-QHQT, Trường Cao đẳng Bến Tre, sau gần 1 năm tích cực chuẩn bị, kể từ sau Hội thảo Chuyển dịch năng lượng công bằng: Từ nghiên cứu tới thực tiễn diễn ra ngày 28/6/2019, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, Chương trình Biến đổi khí hậu và Năng lượng Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức, đến nay Dự án đã có những động thái tích cực dù bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Bến Tre có lợi thế lớn để tham gia dự án Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long khi tham dự Hội thảo Bến Tre có ông Nguyễn Huy Phục, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bến Tre và đại diện Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre, đây là sự chuẩn bị tư thế tốt nhất để với vị trí địa lý giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, Bến Tre sẽ nhanh chóng tiếp cận và triển khai tốt dự án. Đối với Bến Tre việc tham gia dự án sẽ tạo ra những chuyển biến quan trọng nhằm cải thiện môi trường không khí và nguồn nước, giảm thiểu rủi ro sức sức khỏe cho cộng đồng khi tổng phát thải các loại bụi (TSP, PM10 và PM2.5) vào năm 2030 ước tính giảm đến 48% so với hiện tại. Ngoài ra, khi tham gia dự án Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển sang năng lượng sạch sẽ giúp tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách thành thị, trung tâm và vùng sâu, xa; tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ còn hạn chế trong sử dụng điện ở các vùng sâu, xa và hẻo lánh.

 

Mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học đầu tiên do Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre thực hiện tại Tam Hiệp. Ảnh: TL.


Cũng theo ThS Luân, tỉnh Bến Tre hiện nay duy nhất có xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại được trang bị hệ thống đèn thắp sáng công cộng trên các trục đường chính của xã sử dụng năng lượng mặt trời – một dự án tài trợ từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới – Ngân hàng SHBC và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), xã có 2 mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học do Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre thực hiện và đang có kế hoạch nghiên cứu kết nối sử dụng năng lượng mặt trời thay cho việc sử dụng điện cho máy bơm hiện nay. Ngoài ra, cũng như Tiền Giang với việc triển khai Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long Bến Tre đang rất cần có các hoạt động mang tính thí điểm, nòng cốt ở các xã Nông thôn mới trong quá trình thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch bằng các dự án điện mặt trời trong chiếu sáng công cộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt gia đình nhất là ở các khu vực cù lao, cồn, vùng xa lưới điện quốc gia còn hạn chế trong việc cung cấp cho người tiêu dùng.

 

Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre khảo sát hệ thống đèn thắp sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời tại xã Tam Hiệp. Ảnh: TL.

 

Triển khai dự án Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh là một bước giúp Bến Tre tiếp cận chuyển dịch sang năng lượng sạch và mang lại nhiều cơ hội cho Bến Tre cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên để giải quyết một vấn đề nan giải đặt ra khi chuyển dịch năng lượng bền vững là sự đồng thuận giữa việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, hoạch định chính sách về năng lượng và việc thực thi từ cấp địa phương, cơ sở mà mấu chốt là nhận thức của các cấp quản lý và nguồn ngân sách đầu tư cho chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm đảm bảo chuyển dịch năng lượng gắn với công bằng xã hội, không bỏ lại ai ở phía sau bởi bên cạnh lợi ích sản xuất năng lượng một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Năng lượng tái tạo sẽ đem đến cơ hội tốt để Bến Tre tạo ra những tác động tích cực hơn nữa cho công cuộc phát triển bền vững quê hương. Do đó, đã đến lúc rất cần những biện pháp cụ thể, thiết thực phát triển năng lượng sạch thông qua đẩy mạnh truyền thông sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả với sự tham gia của các cơ quan chức năng, nòng cốt lả hai ngành Công thương và Khoa học và Công nghệ, với sự tham gia của các đoàn thể xã hội và doanh nghiệp trong tỉnh hướng tới mục tiêu giúp người dân các vùng nông thôn, vùng xa khó khăn được tiếp cận năng lượng tái tạo, từ đó có điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng…

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022