Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre thúc đẩy chuyển đổi số

Ngày 26/12/2020, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre Lâm Văn Tân đã ký ban hành Kế hoạch số 1626/KH-SKHCN Thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ngành KH&CN. Có thể nói, Sở KH&CN là cơ quan đi đầu đến thời điểm này đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực do mình quản lý theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy Về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Nghị quyết) và Quyết định số 2581 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).

 

Số hóa


Xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR code cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển cho 16 doanh nghiệp, hợp tác xã thử nghiệm ứng dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc điện tử; Đồng thời  đào tạo chuyển giao quy trình quản lý, sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và xây dựng “Quy chế quản lý việc cung ứng và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre”.

 

Kết quả giải đoán ảnh viễn thám phục vụ công tác thống kê, kiểm kê đất đai và quản lý đất rừng đã xác định được 7.204,1 ha diện tích đất nằm trong ranh giới, mốc giới rừng phòng hộ và đặc dụng trong đó có 5.510,4 ha đất lâm nghiệp; 336,8 ha đất giao thông, thủy lợi; 1.356,9 ha đã được sử dụng vào các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, cây hàng năm. Kết quả giải đoán cũng đã xác định được 332,6 ha đất rừng nằm ngoài ranh giới, mốc giới phòng hộ và đặc dụng, nâng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5.843,0 ha. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng ảnh viễn thám phục vụ công tác thống kê, kiểm kê đất đai đã giúp phân tách được diện tích các loại đất khác nằm trong ranh giới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà từ trước đến nay điều được thống kê, kiểm kê vào diện tích đất lâm nghiệp. Ngoài việc cập nhật được hiện trạng rừng kết quả giải đoán đã cập nhật được dữ liệu nền địa lý trên khu vực rừng trong ranh giới quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng.

 

Xây dựng hệ thống thông tin thủy lợi phục vụ công tác quản lý, phân tích các dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin thủy lợi tỉnh Bến Tre; Ứng dụng khai thác và quản lý dữ liệu thủy lợi trên nền tảng WebGIS; Ứng dụng thu thập dữ liệu hiện trường trên thiết bị di động: số liệu mặn, số liệu mực nước, số liệu vị trí sạt lở, số liệu công trình thủy lợi.

 

Xây dựng hệ thống đo thân nhiệt và khai báo y tế tự động hiệu quả, giá thành thấp với quy trình công nghệ đơn giản, thiết bị dễ tìm gồm: Module rửa tay tự động, Module đo thân nhiệt tự động và Module khai báo y tế tự động. Việc tự động hóa đã giúp kiểm tra thân nhiệt tự động, tránh tiếp xúc gần với những người xung quanh, góp phần hạn chế sự lây nhiễm của Sars-Cov-2 trong cộng đồng.  

 

Xây dựng phần mềm ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý và cấp phép kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần mềm hỗ trợ công tác cập nhật, bổ sung hay kiểm tra cơ sở kinh doanh ngoài thực địa, cập nhật cơ sở kinh doanh đã được xây dựng với tiêu chí tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả trên thiết bị di động. Ngoài ra kết quả đề tài đã đề xuất Quy định khung liên quan đến cơ chế quản lý, vận hành hệ thống cũng như chia sẻ, cập nhật, tích hợp dữ liệu phù hợp với điều kiện về hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh Bến Tre và đảm bảo an ninh và an toàn dữ liệu của hệ thống.

 

Đang triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Xây dựng cơ sở dữ liệu đăng bạ sở hữu công nghiệp và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động ứng dụng tại tỉnh Bến Tre; Số hóa, ứng dụng công nghệ số để quản lý hệ thống kinh doanh (trong và ngoài khu, cụm công nghiệp) trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Thúc đẩy chuyển đổi số


Với kết quả của bước đầu số hóa, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã đề ra mục đích thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre cùng với yêu cầu: chủ động số hóa tất cả các hoạt động của ngành KH&CN theo lộ trình phù hợp; số hóa từ trong nội bộ trước, giao dịch bên ngoài số hóa sau; Đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ, kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương và ngược lại; Đảm bảo tính phổ cập, tiện ích, dễ sử dụng và tránh lãng phí. Kế hoạch Thực hiện Chuyển đổi số của Sở tập trung vào cá nhiệm vụ và giải pháp sau.

 

Nâng cao nhận thức


Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành KH&CN nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; tập trung thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh. Thông qua trang thông tin điện tử của Sở KH&CN, chuyên mục KH&CN trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, trên Báo Đồng Khởi và các ấn phẩm thông tin KH&CN, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chuyển đổi số. Tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản, chuyên sâu, hội thảo, hội nghị tọa đàm về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN, các tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN và cộng đồng.

 

Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số


Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phân tích để xem xét,bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số.Tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành tại các cơ quan hành chính nhà nước lĩnh vực KH&CN. Chuẩn hóa hồ sơ điện tử từ hệ thống quản lý văn bản, dịch vụ công và các hệ thống thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử thuộc lĩnh vực KH&CN. Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng cả hai loại nền tảng trí tuệ nhân tạo: các nền tảng giao dịch và các nền tảng đổi mới sáng tạo; tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng như chuỗi khối, định danh điện tử.

 

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội thảo, đào tạo về chuyển đổi số và định hướng xây dựng chính phủ số với các nước tiên tiến trên thế giới. Các tổ chức, doanh nghiệp tỉnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triến, chuyên giao công nghệ mới, mô hình mới. Tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về sử dụng các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ các mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước về KH&CN.

 

Phát triển Chính quyền số


Tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Đảm bảo 100% các thủ tục hành chính của Sở KH&CN hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Tạo lập dữ liệu thống kê phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, tổng hợp số liệu chỉ tiêu ngành KH&CN.

 

Phối hợp triển khai Hệ thống quản lý định danh và xác thực người dùng tập trung (SSO) phục vụ cung cấp dịch vụ công lĩnh vực KH&CN cho người Dân và doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre; Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tận dụng các kênh xã hội để tương tác và gia tăng sự tham gia của người dân. Xây dựng phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ do Sở KH&CN cung cấp, phục vụ. Ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy định; cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp; hỗ trợ ra quyết định nhanh, chính xác và tốt hơn. Xây dựng, hoàn thiện phần mềm ứng dụng tại đơn vị thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo liên kết, chia sẻ, kết nối với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tập trung số hóa tất cả các hoạt động của Sở KH&CN thành dữ liệu số; Triển khai hệ thống tự động phân tích văn bản báo cáo và đưa ra các nhận định, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời.

 

Phát triển kinh tế số


Nhận diện và xác định công nghệ số hay nền tảng chủ yếu của lĩnh vực hoạt động, mô hình hoạt động, kinh doanh mới như kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Tập trung xây dựng Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên lĩnh vực chuyển đổi số với mục tiêu hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo các mô hình, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chất lượng cao nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực; gắn với các hoạt động đào tạo chuyển đổi số của tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Phát triển xã hội số


Thúc đẩy phát triển không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc ứng dụng và sử dụng số phục vụ hoạt động hàng ngày của chính bản thân và gia đình mình và kể cả như của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước. Xây dựng các chương trình khuyến khích ứng dụng trong xã hội. Thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho khu dân cư nhằm tạo sự lan tỏa ra cộng đồng.

 

Chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên


Chú trọng nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ số nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên, môi trường và công nghiệp để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Phát triển quy trình chuẩn hóa và xác định nguồn gốc giống cây trồng bằng công nghệ sinh học kết hợp công nghệ 4.0 trong kỹ thuật mã hóa. Mở rộng và ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre trên cơ sở cổng thông tin truy xuất nguồn gốc đã xây dựng. Đơn giản và chuẩn hóa quy trình hoạt động của từng chuỗi sản xuất nông nghiệp cùng với việc liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước: số hóa, quản lý chuỗi nông nghiệp trồng trọt.

 

Tổ chức thực hiện


Kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Hàng năm các phòng, đơn vị trực thuộc Sở trên cơ sở nội dung Đề án chuyển đổi số của Tỉnh và Kế hoạch này chủ động xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số và khái toán kinh phí thực hiện của phòng, đơn vị để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số theo quy định hiện hành.

 

Thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN có trách nhiệm quán triệt nội dung các văn bản nói trên và Kế hoạch này cho tất cả các cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; Đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo việc chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ và phát huy hiệu quả cao đối với tất cả các hoạt động liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ do phòng, đơn vị phụ trách.

 

Các phòng, đơn vị theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung Kế hoạch này; đột xuất và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Phòng Kế hoạch – Tài chính tổng hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các phòng, đơn vị kịp thời phản hồi về Phòng Kế hoạch – Tài chính để tổng hợp trình Ban Giám đốc chỉ đạo giải quyết.

 

Sáu giải pháp cốt lõi, gồm: nâng cao nhận thức, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch này nếu được triển khai tốt, Sở KH&CN sẽ giữ vững vị trí đi đầu trong chuyển đổi số của ngành KH&CN tỉnh Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022