Kết quả thực hiện chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh sau 3 năm thực hiện

Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực tại Báo cáo số 537-TU/BC ngày 19/12/2023 cụ thể sau.

 

Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh thành phố Bến Tre.

 

 

Chuyển đổi số ngành y tế


Có 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện/thành phố triển khai giải pháp thanh toán viện phí, lệ phí không dùng tiền mặt; 100% cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến xã triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm xã hội; 100% cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe (18 cơ sở) đã triển khai liên thông dữ liệu kết quả Giấy khám sức khoẻ lái xe có ký số thông qua Cổng giám định bảo hiểm y tế của bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ nhóm dịch vụ công trực tuyến “cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe”. Có 100% cơ sở khám chữa bệnh toàn tỉnh (từ tỉnh đến trạm y tế) đã thực hiện liên thông kê đơn thuốc quốc gia - Bộ Y tế; trên 90% (hơn 1.700) cơ sở bán buôn, sản xuất thuốc, kinh doanh Dược thực hiện kết nối liên thông dữ liệu vào phần mềm quản lý Dược Quốc gia - Bộ Y tế.

 

Ngoài ra, Sở Y tế đã chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nội dung cụ thể như: cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng máy tính LAN tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; triển khai ứng dụng “Sổ Sức khỏe điện tử”; Triển khai ứng dụng Chăm sóc sức khỏe thông minh; triển khai phần mềm Quản lý các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; triển khai hệ thống Y tế từ xa (Telehealth).

 

Chuyển đổi số ngành giáo dục


Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và dạy học, cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành theo giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ ứng dụng nền tảng dạy học trực tuyến 100% góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cụ thể như sau:

 

Hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC giáo dục) và đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống IOC tỉnh; xây dựng thư viện số tập trung, kho tài liệu sách và các giải pháp phát triển học liệu điện tử (gọi tắt là thư viện số); trang bị 100% chữ ký số cán bộ, giáo viên cấp trung học phổ thông để ký học bạ, sổ điểm điện tử; nâng cấp Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục kết nối, liên thông đến các hệ thống thông tin khác của ngành giáo dục và đào tạo; trang bị phần mềm hỗ trợ xây dựng, quản lý kho tài nguyên học tập; triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bằng chứng chỉ; phần mềm hỗ trợ quản lý thi và tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, tiến đến xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) của ngành.

 

100% trường phổ thông hoàn thành mô hình ứng dụng công nghệ thông tin mức cơ bản; 100% các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 100% trường học triển khai tuyển sinh đầu cấp có nhận đơn trực tuyến, các nhà trường tăng cường thực hiện chuyển dữ liệu, hồ sơ học sinh từ cấp học dưới lên cấp học trên (lớp 1, lớp 6) đối với các học sinh đáp ứng quy định về yêu cầu tuyển sinh.

 

100% trường phổ thông đã triển khai dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và cung cấp bài dạy trực tuyến cho học sinh qua hệ thống phần mềm quản lý học tập của học (LMS); 98% đơn vị giáo dục đảm bảo hạ tầng máy tính, internet, wifi triển khai dạy học trực tuyến (2% số trường còn lại chưa có internet tại các điểm lẻ); 85% đơn vị đã tập huấn bổ sung cho giáo viên về dạy học trực tuyến; 100% trường đã rà soát học sinh khó khăn về thiết bị học trực tuyến và có biện pháp hỗ trợ hoặc đề nghị hỗ trợ.

 

Chuyển đổi số trong du lịch


Tỉnh đã hoàn thiện ứng dụng du lịch thông minh. Hệ thống du lịch thông minh được tích hợp các công nghệ mới hiện nay (như: thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo) hướng đến phục vụ du khách, là công cụ giúp du khách có thông tin về Bến Tre (hình ảnh người dân Bến Tre, lịch sử, văn hóa, các điểm đến, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, dịch vụ tiện ích....), du khách có thể tự tạo lịch trình riêng và đặt dịch vụ trực tiếp thông qua ứng dụng. Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre hỗ trợ trên thiết bị di động thông minh qua 02 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh. Đồng thời, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Đất và người Bến Tre trên cổng thông tin điện tử về du lịch (https://dulich.bentre.gov.vn và http://bentretourism.vn) và chuyên trang Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu chuyển đổi thành sách Ebook theo hình thức Flipbook.

 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp


Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh: Triển khai hệ thống giám sát và theo dõi sâu bệnh hại thông minh trên cây ăn trái tích hợp camera điện toán biên, hệ thống quan trắc chất lượng nước thông minh và hệ thống bơm nước thông minh đầu tư vùng thí điểm hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm; hệ thống tưới thông minh đầu tư 25 hộ nông dân và phân bón thông minh; triển khai mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị bưởi da xanh Bến Tre, quản lý sản phẩm nuôi cấy mô trong phòng nuôi cấy tế bào thực vật; triển khai nhật ký điện tử, ứng dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc tự động đối với cây trồng, máy cho tôm ăn tự động, ứng dụng tế bào quang điện (Solar cells) đối với thủy sản; một số trang trại chăn nuôi đã đầu tư công nghệ chuồng lạnh (Tế bào quang điện (Solar cells) để sử dụng hiệu quả không gian (phía trên lắp pin năng lượng, phía dưới nuôi tôm) giảm chi phí năng lượng các thiết bị trong doanh nghiệp nuôi tôm được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời, góp phần giảm chí phí đáng kể trong ngành tôm), mạch điều chỉnh ánh sáng tự động, nhiệt độ, ẩm độ. Đã đầu tư lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động thông minh đo từ 9 - 14 thông số môi trường nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Tri và Thạnh Phú; tất cả các dữ liệu quan trắc được chia sẻ cho các đơn vị, nông dân trên địa bàn huyện để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất.

 

Triển khai đưa vào sử dụng 23 phần mềm/cơ sở dữ liệu. Trong đó, các phần mềm/cơ sở dữ liệu do các đơn vị thuộc trung ương triển khai: 16 phần mềm/cơ sở dữ liệu và 7 phần mềm/cơ sở dữ liệu khác trên các lĩnh vực ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2023 sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành Phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; Triển khai thực hiện Kế hoạch thuê Phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y; Phối hợp triển khai thử nghiệm các Phân hệ phần mềm quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu, bản đồ chuyên ngành nông nghiệp, bản đồ thổ nhưỡng quản lý vùng canh tác; Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số.

 

Phát triển Fanpage “Nông nghiệp Bến Tre” trên mạng xã hội và “Không gian tri thức xanh” để tăng cường tuyên truyền, giới thiệu không gian đọc trực tuyến, vận động các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, hoạt động của ngành nông nghiệp; tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ kết quả, hình ảnh hoạt động của ngành nông nghiệp trong toàn hệ thống và nhân dân.

 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường


Cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành 30% cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (phần mềm quản lý dữ liệu đất đai - VBDLIS), cổng thông tin điện tử tra cứu thông tin quy hoạch; lắp đặt trạm quan trắc dự báo độ mặn và giám sát mực nước tự động (cống Tre Bông xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), các điểm quan trắc quản lý, giám sát môi trường (10 điểm lấy mẫu không khí và 19 điểm lấy mẫu nước); tích hợp, kết nối liên thông phần mềm VBDLIS với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá n, hân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics


Đã tập trung xây dựng và cơ bản hoàn thành các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành đường bộ gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tình trạng mặt đường PMS; Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cầu quốc lộ VBMS; Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cầu trên đường địa phương LBMS; Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải; Hệ thống cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

 

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp


Hoàn thành triển khai thực hiện Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021-2022. Cụ thể: Hơn 5.500 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực với khoảng 145 lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức; 1.031 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ nông dân được hỗ trợ chuyển đổi số thông qua các giải pháp công nghệ, mô hình thông minh, du lịch thông minh, thanh toán không tiền mặt, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng thương mại điện tử; 3.659 doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chữ ký số.

 

Chuyển đổi số trong quốc phòng, an ninh


Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai hệ thống camera giám sát, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của ngành; hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp và cổng thông tin điện tử công an tỉnh Bến Tre cũng được xây dựng, vận hành tạo môi trường thuận lợi cho việc giao tiếp trao đổi thông tin giữa các cá nhân, tổ chức và người dân đối với lực lượng Công an tỉnh.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh (ViPA)
• Công bố danh sách 103 nền tảng số quốc gia
• Phần mềm quản trị nội dung – CMS trên ứng dụng định danh điện tử VNeID
• Giới thiệu kênh Zalo OA của Bộ Nội vụ
• Sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
• 5 xung kích' và '6 khát vọng' của thanh niên trong thời đại số
• Giả mạo phần mềm của Chính phủ để lừa đảo
• Ứng dụng thiết bị bay không người lái cho sản xuất nông nghiệp
• Giồng Trôm với giải pháp thực hiện về chuyển đổi số trong thời gian tới
• Phiên họp thứ 7 toàn quốc tổng kết chuyển đổi số năm 2023
• Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ
• Bước đầu hình thành diện mạo xã hội số
• Tổng kết trao giải Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre
• Hội thi tìm hiểu kiến thức xây dựng nông thôn mới lĩnh vực chuyển đổi số và du lịch
• TP. Bến Tre tích cực hoàn thành chỉ tiêu thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử