Ứng dụng thiết bị bay không người lái cho sản xuất nông nghiệp

BDK - Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội và có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có cả ngành nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những năm gần đây, việc ứng dụng thiết bị bay thông minh để phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được rất nhiều địa phương triển khai thực hiện.

 

Điều khiển thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây dừa. Ảnh: CTV

 

Điều khiển thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây dừa. Ảnh: CTV


Máy bay không người lái (MBKNL) hiện được sử dụng chủ yếu với mục đích phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên các loại cây trồng. Theo Giám đốc Phát triển thị trường Công ty cổ phần Thiết bị bay Agridrone Trần Hiếu Huy, MBKNL có một số ưu thế rất rõ rệt khi phun thuốc BVTV. Đó là thiết bị được điều khiển từ xa (1 - 3km) và được lập trình tự động. Vì vậy, hạn chế tối đa việc người nông dân tiếp xúc gần với thuốc BVTV, giữ an toàn về sức khỏe cho người sản xuất.

 

Bên cạnh đó, một ưu thế nữa của MBKNL là khả năng phun thuốc đồng đều giúp cho việc dập dịch nhanh chóng. Với công nghệ tự động lập tuyến đường bay, điều chỉnh tốc độ phun, tốc độ bay, MBKNL có thể phun đồng đều và chính xác dựa vào các thông số đã thiết lập trước đó. “Công suất của một MBKNL có thể thay thế cho 20 - 30 nhân công. Từ đó, có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực lao động. Việc phun thuốc đều, chính xác và nhanh chóng cũng sẽ giúp tối ưu hiệu quả của thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác”, ông Trần Hiếu Huy thông tin.

 

Đặt vấn đề về việc ứng dụng MBKNL khi phun thuốc trên cây dừa và cây ăn quả thì hiệu quả sẽ như thế nào, đơn vị vận hành thiết bị cho biết, đối với cây dừa hay các loài cây ăn quả, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ về sự khó khăn khi sử dụng các phương pháp phun truyền thống trên các đối tượng cây trồng này vì độ cao của cây hay độ dày của tán lá… Tuy nhiên, với MBKNL thì hoàn toàn có thể đáp ứng được các điều kiện trên. Vì MBKNL có thể bay với độ cao tối đa 30m tính từ bề mặt thảm thực vật nên có thể giải quyết tốt với đối tượng cây trồng này. Ngoài ra, với môi trường gió mạnh được đẩy xuống từ các cánh quạt, thì các hạt chất lỏng có thể xoáy sâu vào các tán lá dày, cũng như phủ đều 2 mặt lá giúp tối ưu được hiệu quả của thuốc BVTV. Hiện tại, các loại cây có đặc điểm tương tự như: quế, sầu riêng, cam, cao su, chuối… những năm vừa qua cũng đã cho thấy được hiệu quả cao khi áp dụng MBKNL vào trong quá trình canh tác, chăm sóc.

Đánh giá về việc sử dụng MBKNL cho sản xuất nông nghiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Thiết bị MBKNL hiện đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt, thiết bị được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vục nông nghiệp như: rải phân, gieo giống, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi sản xuất.

 

Tại tỉnh cũng đã từng sử dụng MBKNL trong chiến dịch phòng trừ sâu đầu đen trên dừa khá hiệu quả ở giai đoạn đầu. Tỉnh có đặc trưng sản xuất nông nghiệp là trồng nhiều dừa, cây ăn trái. Đây là những cây trồng lâu năm, có chiều cao vượt trội so với những cây nông nghiệp khác, nên việc sử dụng MBKNL để phun thuốc BVTV sẽ phù hợp và hiệu quả hơn cách làm thủ công hiện nay.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, việc sử dụng MBKNL sẽ giúp giải quyết một số thách thức còn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như: chi phí sản xuất cao, sản xuất không tập trung, đồng loạt. Bên cạnh phun thuốc BVTV, các ứng dụng của thiết bị MBKNL có thể dự kiến như: tham gia lập bản đồ sản xuất; kiểm tra và theo dõi mùa vụ, giám sát tưới tiêu, dự báo dịch hại, giám sát bảo vệ rừng, phòng chống xâm hại rừng, đất rừng.

 

“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị liên quan phối hợp đồng hành với doanh nghiệp triển khai thiết bị MBKNL để tiến hành thực hiện trên một số mô hình sản xuất đặc trưng của tỉnh. Qua đó, sẽ đánh giá cụ thể hơn về mặt hiệu quả, lợi ích, tạo cơ sở tiền đề cho việc khuyến cáo mở rộng áp dụng tại tỉnh”. (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

 

Nguồn: baodongkhoi.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
• Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre năm 2024
• Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh (ViPA)
• Công bố danh sách 103 nền tảng số quốc gia
• Phần mềm quản trị nội dung – CMS trên ứng dụng định danh điện tử VNeID
• Giới thiệu kênh Zalo OA của Bộ Nội vụ
• Sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
• 5 xung kích' và '6 khát vọng' của thanh niên trong thời đại số
• Giả mạo phần mềm của Chính phủ để lừa đảo
• Kết quả thực hiện chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh sau 3 năm thực hiện
• Giồng Trôm với giải pháp thực hiện về chuyển đổi số trong thời gian tới
• Phiên họp thứ 7 toàn quốc tổng kết chuyển đổi số năm 2023
• Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ
• Bước đầu hình thành diện mạo xã hội số
• Tổng kết trao giải Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre