Bước đầu hình thành diện mạo xã hội số
Ngày đăng: 18-12-2023 | Chuyên mục: Chuyển đổi số | Tác giả: Administrator
BDK - Đánh giá chung về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh bước đầu đã hoàn thành được một số chỉ tiêu cơ bản, thay đổi diện mạo đời sống xã hội.
Quét mã QR để đọc sách điện tử.
Kết quả bước đầu
Đến nay, bình diện chung toàn tỉnh đã bước đầu tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống. Người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số. Từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90,1%, 73,1% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang, 82% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, 66% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản, 20% dân số sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
UBND tỉnh đã triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Đây là nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung, kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực tại địa phương. Trung tâm Giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đi vào hoạt động, kết nối với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh trực tiếp giám sát an toàn thông tin, cảnh báo, khắc phục các lỗ hổng gây mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Công tác chuyển đổi số (CĐS) ở các ngành quan trọng như: y tế, giáo dục, du lịch đạt nhiều kết quả đáng chú ý cũng đã phản ánh rõ những chuyển biến rõ nét của trụ cột xã hội số. Đến nay, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, thành phố triển khai giải pháp thanh toán viện phí, lệ phí không dùng tiền mặt; 100% cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến xã triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm xã hội; 100% cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe đã triển khai liên thông dữ liệu kết quả giấy khám sức khỏe lái xe có ký số thông qua Cổng giám định bảo hiểm y tế của bảo hiểm xã hội Việt Nam; 100% các cơ sở khám chữa bệnh toàn tỉnh (từ tỉnh đến trạm y tế) đã thực hiện liên thông kê đơn thuốc quốc gia - Bộ Y tế.
Ngành giáo dục đã trang bị 100% chữ ký số cán bộ, giáo viên cấp THPT để ký học bạ, sổ điểm điện tử. 100% trường phổ thông hoàn thành mô hình ứng dụng công nghệ thông tin mức cơ bản. 100% các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt. 100% trường học triển khai tuyển sinh đầu cấp có nhận đơn trực tuyến. 100% trường phổ thông đã triển khai dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và cung cấp bài dạy trực tuyến cho học sinh qua hệ thống phần mềm quản lý học tập của học (LMS).
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Tỉnh quan tâm triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số, đảm bảo chỉ tiêu mỗi người dân trưởng thành có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, sử dụng các thiết bị công nghệ phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nên sự chuyển đổi rõ nét trong mọi mặt đời sống xã hội.
Công tác truyền thông, tuyên truyền cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa số sâu rộng trong tầng lớp nhân dân. Bên cạnh những nỗ lực từ phía chính quyền, cơ quan chức năng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người dân về CĐS cũng rất được chú trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CĐS được triển khai rộng, đến từng đối tượng cụ thể với nội dung phù hợp như: bồi dưỡng kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn, các đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên; tập huấn kiến thức, kỹ năng trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân; nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng số và an toàn thông tin cho lãnh đạo, cán bộ cấp xã; tập huấn đội ngũ chuyên gia về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin hoặc phụ trách kế hoạch, tổng hợp, Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, Tổ Công tác Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, công chức quản trị mạng của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và tổ ứng cứu sự cố an toàn thông thông tin mạng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã cũng đặc biệt được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, Tổ CĐS cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc CĐS tại địa phương. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Anh Đặng Văn Pháp - công chức UBND thị trấn Bình Đại nhận xét: “Qua 1 năm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ CĐS trên địa bàn thị trấn Bình Đại nói riêng và cả tỉnh nói chung, cá nhân tôi nhận thấy có sự chuyển biến rõ nét trong xã hội. Cụ thể, người dân đã tận dụng được mạng xã hội để buôn bán những mặt hàng thiết yếu, kể cả nông sản của địa phương mình; hình thành thói quen đọc báo, xem tin tức, quan tâm cuộc sống và phản ánh hiện thực đời sống xã hội thông qua app IOC của tỉnh. Bên cạnh đó, người dân còn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nộp hồ sơ trực tuyến trên chiếc smartphone của mình. Không chỉ dừng lại đó, CĐS còn làm “tình làng, nghĩa xóm” thêm gắn kết thông các hoạt động cộng đồng như chỉ nhau kích hoạt VNeID, cách nộp hồ sơ trực tuyến, tập dần thói quen chuyển khoản khi mua sắm...”.
Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án CĐS trong toàn xã hội, thúc đẩy CĐS xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các dịch vụ giáo dục đại trà trực tuyến mở để phục vụ xã hội học tập. Trong đó, CĐS ngành thư viện là một trong các lĩnh vực có những chuyển đổi bước đầu đầy năng động.
Phó giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Hồ Duy Khánh cho biết: Đến nay, nhắc đến Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, bạn đọc sẽ nhớ đến hình ảnh của các quyển sách Ebook, sách nói, các mã QR, các hoạt động tương tác, truyền thông trực tuyến trên môi trường mạng, thống kê số liệu bạn đọc theo dõi trang Fanpage và Zalo OA của thư viện có hơn 2 ngàn tài khoản. Nhu cầu làm thẻ bạn đọc online, mượn sách online, đặt câu hỏi trực tuyến cho thư viện cũng được bạn đọc ứng dụng nhiều hơn. Điều đó cũng thúc đẩy các hoạt động phong trào, phát triển văn hóa đọc của đơn vị cũng ngày một đa dạng, phong phú, tạo dựng môi trường đọc xanh, sạch, thông minh, hiện đại.
Để thúc đẩy phát triển công dân số, văn hóa số, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân như: hỗ trợ giảm giá điện thoại thông minh cho người dân; hỗ trợ chữ ký số, tạo tài khoản giao dịch điện tử miễn phí cho người dân; mô hình “Camera an ninh”, hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống y tế từ xa (Telehealth), hệ thống K12 Online phục vụ họp trực tuyến; lắp đặt mạng không dây (Wifi) tại các điểm công cộng phục vụ người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số…
Nguồn: baodongkhoi.vn |