Cầu Cổ Chiên-Dự án của nội lực, đẹp như dãi lụa mềm

Sáng ngày 07/3/2011, hàng vạn trái tim của quân và dân hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh cùng hướng về cầu Dừa Đỏ, thuộc ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh), chứng kiến sự kiện quan trọng, nơi diễn ra lễ khởi công Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng UBND hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre tổ chức); Cây cầu mơ ước quan trọng thứ ba nằm trên trục Quốc lộ 60 đang trở thành hiện thực. Đến dự lễ có ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Trần Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đại diện các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, các sở ngành và đông đảo nhân dân hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre.


 
ptt Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (người thứ nhất từ phải sang) phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên.

Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 7 đại diện chủ đầu tư, nhà đầu tư B.O.T là Công ty TNHH B.O.T cầu Rạch Miễu và nhà thầu thi công gồm các Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5 và 8. Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Cổ Chiên tại khu vực cách phà Cổ Chiên hiện hữu 3,6 km về phía hạ lưu, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 do Công ty TNHH B.O.T cầu Rạch Miễu làm chủ đầu tư, phần cầu Cổ Chiên có tổng chiều dài 1,599 km; điểm đầu từ lý trình km 9+695,4 đến điểm cuối lý trình km 11+294,6. Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 7 thực hiện quản lý dự án, gồm đường dẫn phía Bến Tre, Trà Vinh và các cầu trên đường dẫn có tổng chiều dài 14,161 km, điểm đầu từ lý trình km 0 + 000 là điểm giao giữa tuyến tránh thị trấn Mỏ Cày Nam với Quốc lộ 60 hiện tại và điểm cuối từ km 15+758 là điểm kết nối với Quốc lộ 60 phía sau cầu Dừa Đỏ. Theo thiết kế được phê duyệt: Dự án thành phần 1 là cầu chính dạng dây văng, 2 mặt phẳng dây cầu dẫn nhịp giản đơn dầm super T, mặt cắt ngang, 4 làn xe, bề rộng cầu Bc=16m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cầu vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, với tải trọng thiết kế: hoạt tải HL-93, tĩnh không thông thuyền cầu Cổ Chiên: chiều cao lớn hơn hoặc bằng 25m, chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 120 m. Dự án thành phần 2 gồm cầu Tân Điền và đoạn tuyến nằm giữa cầu Tân Điền và cầu Cổ Chiên: quy mô cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang cầu Bc=16m, bề rộng nền đường Bn=20,5m; đường dẫn hai cầu và các cầu (12 cầu) trên tuyến quy mô cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h được phân kỳ đầu tư: giai đoạn trước mắt  xây dựng với quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt cầu và nền đường B =12m, giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt cầu và nền đường B=20,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 3.798,440 tỷ đồng, trong đó dự án thành phần 1 là 2.210,179 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư BOT) và dự án thành phần 2 là 1.588,261 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước).

Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên hoàn thành nối thông tuyến Quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ thành phố Hồ Chí Minh đến Trà Vinh khoảng 70 km. Đây là một dự án quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hóa-hiện đại hóa của đất nước, nằm trong chiến lược, phát triển tuyến hành lang ven biển, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tăng cường an ninh quốc phòng cho khu vực.

Theo báo cáo của các đơn vị thi công, phía Trà Vinh đã giải tỏa đền bù và bàn giao xong mặt bằng, phía Bến Tre bàn giao một phần và đến cuối tháng 4-2011 sẽ bàn giao toàn bộ. Các đơn vị thi công đã tập trung máy móc thiết bị trên công trường và sau lễ khởi công tiến hành thi công các hạng mục đầu tiên. Và hạ quyết tâm hoàn thành Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên đúng tiến độ.

Trước khi chính thức phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, bày tỏ niềm vui được cùng quý đại biểu, lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh chứng kiến lễ khởi công, một sự kiện đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh hoàn thành, kết nối mạng lưới giao thông đồng bằng, Quốc lộ 60 dọc trục chiến lược ven biển hình thành. Bản thân của giao thông là điều kiện đi lại nhưng ý nghĩa chính trị rất quan trọng, kết nối phát triển, kinh tế hàng hóa từng vùng, nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre; nối liền với vùng, với thành phố Hồ Chí Minh-Trung tâm kinh tế lớn của cả nước và quốc tế, tạo điều kiện giáo dục, đào tạo phát triển, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn, giao lưu văn hóa truyền thống cách mạng của Trà Vinh-Bến Tre và văn hóa chung của đồng bằng phát triển lên một bước, thu hút nhà đầu tư… Đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm phối hợp cùng Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre triển khai thực hiện dự án. Nếu như buổi lễ khởi công gặp nhau tại Trà Vinh thì lễ khánh thành sẽ gặp nhau tại Bến Tre.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên đã khẳng định tính tự lực, tự cường, tự chủ của Việt Nam. Cầu Cổ Chiên là một trong mười cây cầu lớn nhất của Việt Nam, dấu ấn chứng chỉ nâng cao năng lực của ngành giao thông vận tải. Từ thiết kế, tổ chức thi công, quản lý dự án đến phương thức đầu tư vốn thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Dự án hoàn toàn do đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức và công nhân lao động trong ngành giao thông thiết kế thi công, không phải thuê chuyên gia quốc tế như một số dự án trước đây. Phương thức đầu tư vốn được thực hiện theo mô hình công tư, hoàn toàn sử dụng đồng tiền Việt, không phải vay mượn hoặc nhận viện trợ. Lãnh đạo hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh tập trung công tác tuyên truyền và nhận sự đồng tình cao của nhân dân; đồng thời sử dụng ngân sách địa phương đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng. Nhân dân hai tỉnh nằm trong vùng dự án sẵn sàng hy sinh đất đai, cây trồng, nhà cửa, khẩn trương bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đáng được biểu dương. Lực lượng quản lý, thiết kế, giám sát, thi công không ngừng nổ lực, lãnh đạo hai tỉnh quan tâm tái định cư cho các hộ dân bị giải toả để đáp lại sự tin tưởng của nhân dân. Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên hoàn thành sẽ có cây cầu đẹp như dãy lụa mềm vắt qua vùng đệm Bến Tre-Trà Vinh và có giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của đồng bằng được lưu lại cho nhiều thế hệ. 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đơn vị thi công đảm bảo “An toàn-Chất lượng-Tiến độ” để có hiệu quả tốt nhất. Chính phủ cùng các Bộ, Ngành, Trung ương sẽ theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh để tạo điều kiện cho công nhân lao động trên công trường hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Trần Quốc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022
• Thạnh Phú phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022