Thụ phấn cho cây sầu riêng, những điều cần nên biết

Hơn 5, 10 năm trở lại đây việc thụ phấn cho cây sầu riêng là một trong những giải pháp giúp tăng năng suất, chất lượng trái góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người làm vườn. Tuy nhiên, những năm gần đây với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự thích nghi của cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu… thì việc có nên thụ phấn cho cây sầu riêng nữa hay không đang được đặt ra với nhiều ý kiến trái chiều nhau và giải pháp thụ phấn đang có xu hướng bị lung lay.

Theo Câu lạc bộ sầu riêng Chợ Lách cho rằng việc thụ phấn chỉ là cách trấn an chứ gần như không có kết quả, đôi khi còn làm trái sầu riêng không được cân đối. Vấn đề này được nhiều nông dân lý giải như sau: Xưa kia có ai thụ phấn đâu hay những cây cao làm sao thụ phấn nhưng vẫn đậu trái, vườn có diện tích lớn hoa nở cùng lúc thì phải làm sao, cũng có ý kiến không thụ phấn để tự nhiên trái lại đẹp và đồng đều hơn…

Qua trao đổi kinh nghiệm với nông dân, khảo sát thực tế và tham khảo các tài liệu có được kết hợp với thực tiễn trong sản xuất, xin chia sẻ một số thông tin trao đổi để tìm ra giải pháp tốt nhất giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất trái sầu riêng.

Thứ nhất, theo các tài liệu ghi nhận được cho rằng hoa sầu riêng nở khoảng 15 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau, bao phấn nứt vào khoảng 19 giờ đến 23 giờ mới có thể thụ phấn tốt cho nhụy, nhưng lúc này nhụy đã tàn lụi, do đó hoa sầu riêng không có khả năng tự thụ được mà phải nhờ phấn của những cây khác. Trên một số giống sầu riêng của Thái Lan, hoa sầu riêng nở hoàn toàn vào khoảng 15 giờ cho đến 18-19 giờ nhưng hạt phấn bắt đầu phóng thích từ 20 giờ đến giữa đêm nên sự tự thụ phấn với tỉ lệ rất thấp. Riêng sầu riêng sữa Hạt Lép bao phấn bắt đầu nứt từ 15 giờ 35 và kết thúc lúc 18 giờ 45, trong khi nuốm nhụy cái nhô ra khỏi bao hoa từ ngày hôm trước và hơi khô vào 10 giờ sáng hôm sau.

Xét ở phương diện nào đó thì điều này chỉ đúng cho từng hoa đơn lẻ trong khi hoa sầu riêng mọc thành chùm, trung bình mỗi chùm hoa có từ 15-45 hoa và trên cành lại có rất nhiều chùm hoa và mỗi chùm hoa có thời gian nở kéo dài từ 2-3 ngày nên khả năng thụ phấn chéo trên mỗi chùm hoa là rất cao và giải pháp thụ phấn bổ sung bằng tay chỉ có tính chất hỗ trợ khi mà hạt phấn sầu riêng có hình cầu, dính và phóng thích thành từng khối nên rất ít di chuyển nhờ gió.

 Chùm hoa sầu riêng.

 

Thứ hai, thực tiễn cho thấy nhiều vườn sầu riêng có mật độ dày, cây khá cao nên hầu hết đều không được thụ phấn bổ sung nhưng vẫn đậu trái và đậu rất sai, trái lại tròn đẹp hơn.

 Trái sầu riêng trên cao, không được thụ phấn bổ sung.

Trong khi đó, xét về mặt thời gian hoa nở, lượng hoa trên cây, số cây trong vườn… việc thụ phấn bổ sung cho cả vườn trong cùng lúc ở một thời điểm lại thực hiện vào ban đêm là rất khó, nên việc thụ phấn chỉ mang tính chất an tâm cho người làm vườn mà thôi. Ngược lại, nếu thụ phấn không đúng kỹ thuật sẽ làm cho trái bị méo mó nhiều hơn.

Thứ ba, khả năng thích ứng của cây trồng ngày càng cao với những biến đổi của thời tiết để tồn tại và phát triển, cho nên về mặt cấu tạo, hình thể và tính năng của hoa sầu riêng khi nở cho thấy nuốm nhuỵ luôn ngoái vòi hướng lên để đón nhận hạt phấn, cho dù lệch pha trên cùng một hoa nhưng cả chùm hoa thì khả năng thụ phấn cũng sẽ rất cao. Và chỉ cần đậu 1-2 trái/chùm hoa là đạt yêu cầu.

 
 Đặc tính và cấu tạo hoa sầu riêng.

Thứ tư, trong xu thế khoa học công nghệ đang có những bước đột phá mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nên việc chăm sóc hoa và giúp tăng đậu quả sầu riêng giờ này không còn là điều khó đối với người làm vườn.

Từ những ý kiến trao đổi trên thì việc có nên thụ phấn cho cây sầu riêng hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của từng người và 3 giải pháp sau đây có thể được lựa chọn và áp dụng trong canh tác cây sầu riêng giai đoạn xử lý đậu trái.

- Một là. Nếu thực hiện thụ phấn bổ sung cần làm tốt những việc làm sau:
+ Lấy phấn hoa: Chọn và thu các hoa khỏe mạnh sắp nở, cắt chùm nhị đực cho vào chén và dùng vải màn trùm lại, để nơi khô ráo đến chiều bao phấn sẽ bắt đầu nở. Chờ đến tối gở bở cuống nhị lẫn bao phấn.
+ Thụ phấn: Khi các chùm hoa ngoài vườn nở rộ (khoảng lúc 20-22h đêm) dùng cọ mịn hoặc thanh tre có quấn bông gòn chấm nhẹ vào phấn rồi quét thật nhẹ lên khu vực muốm của nhụy và chùm hoa.
- Hai là. Cần chăm sóc cho hoa sầu riêng thật tốt ở ngay giai đoạn bắt đầu xử lý ra hoa, nuôi hoa và đậu trái. Và có thể không cần thụ phấn bổ sung.
+ Giai đoạn xử lý ra hoa: Ngoài các nguyên tố đa lượng cần phải bổ sung cho thật đầy đủ các nguyên tố trung và vi lượng ngay tại thời điểm bón gốc, phun qua lá để thúc tạo mầm hoa.
+ Giai đoạn nuôi hoa: Bổ sung thường xuyên các nguyên tố Canxi, Bo, Kẽm.
+ Giai đoạn đậu trái: Ngoài nguyên tố dinh dưỡng trên cần kết hợp thêm các chất điều hòa sinh trưởng như NAA, GA3, Paclobutazol…
- Ba là: Nếu muốn an tâm hơn thì kết hợp 2 giải pháp trên.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục