Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch

Hiện nay, nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi vì không chỉ được mùa mà còn trúng giá, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại rất cao. Tuy nhiên, qua một vụ mang trái, nhất là những cây quá sai trái, nông dân cần phải quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng cho cây đủ sức tiếp tục cho trái vụ sau, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cây bị suy kiệt. Để vườn sầu riêng sinh trưởng và phát triển một cách bền vững nông dân nên chú ý một số biện pháp:

* Tỉa cành
Tỉa cành sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu, không chỉ tạo thông thoáng vườn cây, hạn chế sâu bệnh phát triển mà còn giúp cây nhanh phục hồi sức khỏe để tiếp tục hình thành mầm hoa cho vụ trái năm sau. Tiến hành cắt tỉa bỏ những cuống trái còn sót lại trên thân, tỉa bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, cành ốm yếu, cành vượt che khuất ánh sáng và những cành mọc thấp hơn 1m kể từ mặt đất (để hạn chế bệnh nứt thân xì mủ).
 
* Bón phân
Đây là biện pháp rất quan trọng giúp cây hồi phục khả năng sinh trưởng sau thời gian mang trái cây thiếu dinh dưỡng trầm trọng, đồng thời cung cấp dinh dưỡng đầy đủ giúp cho cây ra đọt mới. Ngoài ra, đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, dẫn đến hiện tượng đất thiếu một số nguyên tố vi lượng mà nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến năng suất giảm rõ rệt.

Giai đoạn này cần bón nhiều đạm và lân, có thể bón phân theo công thức: 1/2 lượng Urea + 1/2 super lân + 1/4 lượng Kali (bón vùi phân trong phạm vi tán). Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm mục đích cải tạo đất và tăng số lượng vi sinh vật có lợi trong đất giúp đất được tơi xốp và thông thoáng, sử dụng phân chuồng hoai mục với số lượng từ 10-12 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh, đồng thời kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma nhằm bảo vệ bộ rễ cây. Ngoài ra, bón vôi (CaO) để làm giảm độ chua, cải thiện kết cấu của đất nhất là những vườn đã bị nhiễm mặn. Tùy theo độ PH của đất có thể bón vôi với liều lượng 0,5 tấn – 1 tấn/ha.

* Quản lý nước
Cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa vì trong điều kiện ngập úng các nấm có hại trong đất phát triển và tấn công bộ rễ sầu riêng làm rễ dễ bị thối. Tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn cho cây. Tủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60-80cm từ mặt líp trong suốt năm.

* Xử lý ra hoa
Nông dân chú ý khi cho vụ trái năm sau chỉ kích thích ra hoa khi cây sầu riêng khỏe  mạnh, cây có khả năng mang trái, có đủ đọt. Chỉ nên phun hóa chất xử lý ra hoa lúc thật sự cần thiết kết hợp với đậy gốc bằng nilon cho cây ra hoa tập trung và mở nylon khi hoa sắp nở. Nên để trái với số lượng vừa phải tùy theo giống, kích thước tán cây và tình trạng sinh trưởng của cây.

* Quản lý sâu bệnh
Trong mùa mưa cây thường ra đọt non nên thường xuyên  thăm vườn nhằm sớm phát hiện các loại bệnh hại như bệnh thán thư, bệnh thối gốc chảy nhựa,… và côn trùng gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

 Triệu chứng bệnh thán thư trên lá sầu riêng.   
 
 
 Bệnh nặng lá bị cháy khô.


- Bệnh thán thư là bệnh rất phổ biến trên sầu riêng. Bệnh do nấm Colletotrichum  zibethinum gây ra,  nấm bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Vết bệnh bắt đầu từ rìa lá hay chót lá lan dần vào trong phiến lá, tạo thành những mãng cháy màu nâu đỏ, trên đó có những đường gợn sóng màu nâu thẫm, đặc trưng là những vòng đồng tâm. Giữa vết bệnh và phần xanh còn lại của lá có đường ranh giới rỏ rệt màu nâu. Bề mặt vết bệnh có những hạt nhỏ màu đen li ti là các ổ bào tử. Bệnh thường phát sinh trên lá già và lá bánh tẻ. Bệnh nặng cháy tòan bộ lá và rụng sớm, cây kém phát triển, nhất là khi cây còn nhỏ. Nấm tồn tại trên lá bệnh ở dạng sợi và bào tử. Bệnh gây hại quanh năm nhưng thường nặng trong mùa mưa, nhất là những ngày mưa dầm, ẩm độ không khí cao. Vườn trồng dày, thiếu chăm sóc cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

- Bệnh thối gốc chảy nhựa: thường phát sinh gây hại trên cây giai đoạn sau thu hoạch và thời điểm mưa nhiều. Bệnh do nấm Phytophthora  palmivora gây ra. Bệnh hại trên sầu riêng từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành. Trên thân, thấy có nhựa chảy ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt một vùng như bị thấm nước và có màu nâu, nấm thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây sầu riêng. Lá chuyển màu vàng, rụng theo từng cành hay một phía của cây, bộ rễ bị thối. Khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra thấy phần gỗ có màu nâu sẫm chạy dọc theo thân và cành. Nguồn bệnh có trong đất khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ phát triển và tấn công cây. Phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao, vườn khó thoát nước. Nấm bệnh lây lan qua côn trùng, con người, mưa gió.

 Vết bệnh đã được cạo và quét thuốc vào


- Bệnh đốm rong: Bệnh gây hại phổ biến trên sầu riêng nhất là trong mùa mưa. Bệnh do một loại tảo gây ra có tên là Cephaleuros virescenns. Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá. Trên lá, vết bệnh là những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, vết bệnh củ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của đốm bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu.  Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành.

 Bệnh đốm rong trên lá


Trên thân, cành, vết bệnh là những đốm nhỏ màu xanh, hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, có lớp tơ mịn màu xanh rêu. Bệnh gây hại trên lá, làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng rất nhiều đến  khả năng quang hợp, cây còi cọc, sinh trưởng kém, gây hại trên thân, cành làm vỏ cây bị nứt và khô. Đây là loại đa ký chủ, ký sinh trên nhiều loại cây trồng. Bệnh phát triển mạnh ở những vườn trồng dày không thông thoáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi. Trong mùa mưa, nhất là trong những tháng mưa bão liên tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm rong phát triển.

Biện pháp quản lý bệnh

Để quản lý các bệnh trên, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp phòng là chính.

* Biện pháp canh tác
Nên chăm sóc cho cây phát triển khỏe mạnh, tưới nước đầy đủ trong mùa khộ và thoát nước tốt trong mùa mưa.

Hàng năm sau thu hoạch nên vệ sinh vườn, cắt bỏ và tiêu hủy những cành già, lá già nhiễm bệnh, cành không có khả năng cho trái, để tạo thông thoáng vườn cây.

Trồng sầu riêng với mật độ vừa phải, hợp lý, không trồng quá dày.

Bón phân đầy đủ và cân đối, tránh bón thừa đạm và nhất là không phun phân bón lá định kỳ. Tăng cường bón phân hữu cơ để cải thiện đất, hạn chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của cây. Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma bổ sung vi sinh vật có lợi trong đất.

* Biện pháp hóa học
Để phòng trừ bệnh thán thư sử dụng nhóm thuốc trừ bệnh có hoạt chất Propineb, Difenoconazole, Azoxystrobin,… Đối với bệnh thối gốc chảy nhựa, nếu phát hiện thân, cành có nhựa ứ ra, dùng dao cạo sạch vết bệnh và quét thuốc vào, thực hiện vài lần cách nhau 10-15 ngày. Sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium , Metalaxyl,... Riêng bệnh đốm rong, khi bệnh phát triển dày đặc trên lá có thể phun thuốc gốc Đồng (Coc 85, Champion, Norshield,…) hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…). Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành. Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong có thể dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.

Ngoài bệnh hại phát triển trong mùa mưa, giai đoạn sau thu hoạch sầu riêng thường bị  sâu đục vỏ thân phá hại. Loài côn trùng này gây hại chủ yếu trên thân sầu riêng. Trưởng thành là loài xén tóc (thuộc Bộ Cánh cứng, họ Xén tóc). Ấu trùng làm nhộng ngay trên vỏ cây. Xén tóc đẻ trứng lên vỏ cây sầu riêng, khi nở, ấu trùng chui qua vết nứt của vỏ cây và ăn lớp lype (ở giữa vỏ và gỗ), làm suy yếu và chết cây. Lúc đầu sâu ăn lớp vỏ bên ngoài, sau đó đục vào thân làm cây khô có thể đưa đến chết cây.

 Ấu trùng xén tóc đục vỏ thân.   
 
 
 Xén tóc đục vỏ thân sầu riêng.


Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn tạo thông thoáng, tiêu hủy các cành bị nhiễm xén tóc để loại bỏ trứng, ấu trùng và nhộng của xén tóc. Thăm vườn thường xuyên khi thấy cây có triệu chứng bị xén tóc gây hại phải có biện pháp xử lý kịp thời. Dùng bả chua ngọt dẫn dụ và tiêu diệt xén tóc trưởng thành. Áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ mũi nhọn khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt ấu trùng và nhộng tiêu diệt hoặc dùng các nhóm thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi thấm bông gòn, nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại, sau đó quét thuốc gốc Đồng để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục. Nếu cây tơ, thấp có thể đào chung quanh gốc rãi thuốc trừ sâu lưu dẫn, sau đó lấp đất và tưới nước cho thuốc hòa tan. Không nên chặt lột vỏ để kích thích cây ra quả sẽ tạo điều kiện để xén tóc đẻ trứng.

Sầu riêng là cây ăn trái khó tính, kén đất nhưng có hiệu quả kinh tế cao song để vườn sầu riêng phát triển bền vững, năng suất ổn định, tuổi thọ kéo dài đòi hỏi nhà vườn phải có sự đầu tư, chăm sóc tỉ mỉ, bảo vệ cây trước những bất lợi tác động của con người và thời tiết cực đoan như hiện nay.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng