Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn

Hạn hán kéo dài, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn càng sâu làm cho cây trồng nói chung cũng như sầu riêng nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước tưới nhiễm mặn từ 0,5‰ đã báo động đến sự sinh trưởng của cây sầu riêng. Trong đợt xâm nhập mặn 2019-2020 vừa qua, độ mặn xâm nhập lên đến 10‰ tại Vàm Mơn. Với độ mặn này đã làm ảnh hưởng hơn 50% diện tích trồng sầu riêng của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

 

Khi mặn xâm nhập xung quanh vùng đất trồng, áp suất thẩm thấu của dung dịch đất gia tăng nên cây không thể hút được nước nếu cây trồng không có cơ chế thích nghi, từ đó gây nên hiện tượng hạn sinh lý làm cho lông hút và hệ thống rễ cây bị hư dẫn đến cây không hấp thu được các chất dinh dưỡng, làm cây cháy lá và suy kiệt dần, trường hợp kéo dài cây sẽ chết.

 

 

Cây sầu riêng bị rụng lá (trái), khô cành (phải) do ảnh hưởng mặn.

 

Trên thực tế, tại huyện Chợ Lách, rất nhiều vườn sầu riêng cũng bị ảnh hưởng sau đợt hạn mặn vừa qua, tỉ lệ thiệt hại tùy thuộc vào điều kiện quản lý của từng vườn. Đối với những cây sầu riêng có tỉ lệ thiệt hại dưới 50%, chúng ta có thể phục hồi lại như sau:

 

Sau khi đợt mặn đi qua, tiến hành cắt tỉa cành khô chết, tỉa bỏ trái (nếu có). Sau đó sử dụng nước ngọt để tưới và rửa mặn cho đất và cây. Trong thời gian rửa mặn, nên bơm hết nước từ trong vườn ra ngoài để tránh được hàm lượng muối NaCl tích lũy trong mương vườn.

 

Kiểm tra pH đất và độ mặn của đất thông qua việc kiểm tra Ec của đất.

 

Kiểm tra pH đất.

 

Sử dụng vôi có hàm lượng canxi (CaO) cao bón vào đất để xử lý phèn và mặn trong đất. Lượng vôi từ 100-200 kg/1.000 m2 tùy vào độ pH và độ Ec của đất. Sau khi bón vôi, cần tưới nước mỗi ngày để vôi thấm vào đất xảy ra phản ứng hóa học và rửa mặn cho đất.

 

Cây sầu riêng bắt đầu phục hồi.

 

Sau khi bón vôi 2 tuần, tiến hành kiểm tra pH và độ mặn của đất, nếu đạt yêu cầu, (pH > 5 và Ec > 1,2), tiến hành bón phân hữu cơ. Trường hợp chưa đạt yêu cầu, tiếp tục bón vôi và tưới nước rửa mặn lần 2 (tuy nhiên lượng vôi bón lần 2 giảm một nữa so với lần 1).

 

Nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong giai đoạn này, vì sau thời gian hạn mặn, các vi sinh vật có lợi trong đất đã bị chết đi. Do đó việc bổ sung vi sinh cho đất và rất cần thiết. Trong quy trình này đã sử dụng phân hữu cơ sinh học kết hợp với phân vi sinh tưới định kỳ 10 ngày/lần (mỗi lần tưới 10 kg phân hữu cơ sinh học kết hợp với 0,5 kg phân vi sinh pha với lượng nước vừa đủ để tưới cho 40 gốc sầu riêng khoảng 2 năm tuổi. 

 

Trên lá, sử dụng các loại phân bón lá có chứa canxi, silic và các acid amin để phun cho cây theo liều lượng khuyến cáo. Phun định kỳ và xuyên suốt trong quá trình phục hồi cây.

 

Cây sầu riêng đã phục hồi.

 

Với cách thực hiện này, vườn sầu riêng 1,5-2 năm tuổi của anh Nguyễn Minh Đăng ngụ tại ấp Sơn Long, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách bước đầu đã có những khởi sắc và có dấu hiệu phục hồi, đối với những cây sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ đến nay đã phục hồi.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng