Quốc hội đề nghị ưu đãi cho khoa học công nghệ cao

image"Chúng ta chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút chuyên gia nước ngoài, trí thức Việt kiều. Trong khi người Việt Nam đang tham gia các lĩnh vực công nghệ cao ở nước ngoài lại rất lớn", đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh thảo luận về Luật Công nghệ cao, ngày 18/10.

Đăng đàn đầu tiên trong phiên thảo luận, bà Phương Anh cho rằng, phát triển công nghệ cao là phương thức được nhiều quốc gia theo đuổi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Để phát triển công nghệ cao thì nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Các chuyên gia cần phải được quan tâm và có cơ chế thích đáng", bà Phương Anh nói.

Luật Công nghệ cao đã dành 1 chương đề cập đến nguồn nhân lực với nhiều chính sách ưu đãi như: đảm bảo tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm; ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân, bổ nhiệm vào vị trí chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ...

Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng, những ưu tiên này không phải là "ghê gớm" vì những người có khả năng sẽ tự tìm cho mình những điều kiện này. Trong khi, các nhà khoa học lại quan tâm đến những vấn đề như: không phân biệt đối xử về tuổi, giới tính, thậm chí về quốc tịch.

"Chúng ta đang ưu tiên cho chuyên gia nước ngoài, trong khi cán bộ khoa học người Việt có trình độ tương đương không được ưu tiên vì là "người nhà". Luật phải thể hiện bình đẳng, không phân biệt đối xử, ưu tiên theo cống hiến, tài năng", ông Nhã nêu quan điểm.

Theo đại biểu Đặng Huyền Thái, nhà nước nên kéo dài thời gian làm việc là 70 tuổi và không phân biệt nam, nữ đối với các nhà khoa học công nghệ cao đầu ngành. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học đi thỉnh giảng thực tập tiến sĩ ở các nước công nghiệp phát triển khi họ được mời.

Theo dự thảo luật, lĩnh vực công nghệ cao được tập trung đầu tư phát triển là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu xây dựng mới, công nghệ tự động hóa.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, bảo vệ môi trường đang là vấn đề bức xúc, lĩnh vực này cũng tạo ra sản phẩm cần thiết. Do đó cần phải bổ sung công nghệ bảo vệ môi trường vào danh sách tập trung phát triển. Đại biểu Hứa Chu Khem đề nghị bổ sung công nghệ năng lượng mới, ví dụ như điện hạt nhân, điện gió.

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề, khi ưu tiên phát triển công nghệ cao thì chọn ưu tiên đầu vào hay ưu tiên đầu ra.

"Tôi cho rằng chúng ta cần ưu tiên đầu ra, như vậy mới phù hợp với cơ chế thị trường bởi nghiên cứu công nghệ cao có nhiều rủi ro. Nhà nước có thể mua sản phẩm đầu ra với giá cao, như thế tốt hơn là dồn sức cho đầu vào", ông Thuyết nói.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, chính vì tính rủi ro nên nhà nước cần đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này, tạo niềm tin, dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia.

"Hiện nhiều tổ chức đầu tư vào quỹ mạo hiểm công nghệ cao nhưng chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ thông tin để thu lợi nhanh. Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển công nghệ cao, nhà nước cần có một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia đi tiên phong trong hoạt động này mới có khả năng tạo đột phá", đại biểu Vũ Thị Phương Anh nói.

Luật Công nghệ cao dự kiến được thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ 1/7/2009.

Theo Vnexpress.net

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022