Cán bộ Khoa học và công nghệ cấp cơ sở: Thế nào cho đủ?

image
Cán bộ KH&CN cấp huyện còn rất mỏng

Trong các cuộc làm việc của Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) với những sở trực thuộc, vấn đề nổi bật được quan tâm hàng đầu vẫn là bố trí cán bộ KH&CN ở cấp cơ sở. Có một thực tế cần nhận thấy rằng, nhân sự được bố trí phụ trách KH&CN ở các cấp quận, huyện của các tỉnh, thành hiện nay còn rất “khiêm tốn”, nếu không nói là quá ít. Theo đó, mỗi địa bàn cơ sở chỉ được bố trí một cán bộ chuyên trách về KH&CN, thậm chí nhiều nơi số cán bộ này phải kiêm nhiệm.

Ngay như Hà Nội, việc bố trí cán bộ cho KH&CN ở các quận, huyện cũng rất ít. Giám đốc Sở KH&CN  thành phố Hà Nội Lê Trần Lâm cho biết, các quận, huyện mới chỉ có một cán bộ chuyên trách về KH&CN. Việc bổ sung cán bộ chuyên trách về KH&CN gặp rất nhiều khó khăn, vì mới chỉ có một cán bộ biên chế chính thức. Hoạt động khoa học không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, mà vấn đề là trợ giúp cho các sáng chế và cải tiến kỹ thuật là rất quan trọng. Khai thác cái đó như thế nào, đầu tư cho nó ra sao? Làm tốt điều này cần có đầy đủ nhân lực, cán bộ phụ trách KH&CN. Nói cho đúng thì ngay cả Sở KH&CN Hà Nội, nhân lực vẫn không đủ vì khối lượng công việc rất lớn, chưa thể tách được một bộ phận riêng của sở để quản lý về KH&CN của các quận, huyện được. Tiến tới cần phải bố trí cán bộ ở những khu vực như thế, nếu không sẽ không khuyến khích và phát huy được hoạt động KH&CN.

Theo ông Lâm, cái khó là biên chế không được tăng lên, đồng thời tổ chức phòng, ban của các quận, huyện lại thu hẹp lại, chủ trương là từ một đến ba người. Hiện nay hai quận, huyện bố trí được hai cán bộ KH&CN chuyên trách là Từ Liêm và Hai Bà Trưng.

Riêng về cấp xã, phường, lâu nay hoàn toàn “trắng” về cán bộ KH&CN. Việc bố trí cán bộ KH&CN cấp phường, xã phải có kế hoạch ngay từ bây giờ.

Trưởng phòng Kế họach (Sở KH&CN Hà Tây) Lê Ngọc Anh cùng chung bức xúc như vậy. Số cán bộ KH&CN ở tỉnh Hà Tây đều nằm trong phòng công nghiệp - khoa học - thương mại. Riêng phòng này có sáu sở phụ trách. Bộ phận theo dõi về KH&CN nằm trong này và thường là một cán bộ. Hiện tại cán bộ đảm nhiệm lĩnh vực KH&CN ở cấp huyện còn nhiều bất cập. Nếu được bố trí thêm nhân lực, tối thiểu phải có hai người làm công tác KH&CN.

Ông Huỳnh Phước - Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, việc hình thành nên một phòng quản lý KH&CN ở cấp quận, huyện là rất khó thực hiện. Trao đổi với phóng viên về việc bố trí nhân lực KH&CN ở cấp cơ sở, ông cho biết:

Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/7/2003 của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ ra đời, Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng “Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn giúp UBND quận, huyện quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn quận, huyện” để trình UBND thành phố ban hành. Theo Thông tư 15, nhiệm vụ đặt ra cho bộ phận chuyên trách quản lý nhà nước về KH&CN địa bàn quận, huyện là khá lớn, nên sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có cán bộ kiêm nhiệm.

Năm 2006, Sở KH&CN cũng đã đề nghị thành lập Phòng Quản lý KH&CN thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, không có cơ sở để thành lập Phòng Quản lý KH&CN tại các quận, huyện. Do đó, theo đề xuất của Sở Nội vụ thành phố thì vào tháng 5 năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập bộ phận chuyên trách về KH&CN trực thuộc văn phòng UBND quận, huyện.

Y tế có các trạm y tế xã, phường; giáo dục có chân rết đến các thôn bản; có khuyến nông cấp cơ sở. Riêng cán bộ KH&CN ở cấp xã, phường hiện nay vẫn chưa được bố trí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cùng với giáo dục và đào tạo, KH&CN có vị trí là “quốc sách hàng đầu”, nói đến vai trò của khoa học trong việc phát huy tính tích cực của con người, không thể không đề cập đến vai trò của khoa học trong việc tìm kiếm và khai thác thị trường cho sản xuất. Khi nói đến vai trò của KH&CN trong việc phát huy tính tích cực của con người, cần phải chú ý tới vai trò của nó đối với việc phát hiện và dự báo các nhu cầu mới... Hơn nữa, như chúng ta đều biết, ngày nay khoa học có tác động mạnh mẽ đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thế nhưng tại sao hiện nay khoa học của ta chưa phát huy được vai trò động lực mạnh mẽ ấy tương xứng với tầm quan trọng vốn có của nó? Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa coi trọng vai trò của tổ chức KH&CN ở cơ sở, do đó chưa có sự đầu tư cả về cơ chế, chính sách đến con người.

Vì vậy, để triển khai có hiệu quả các hoạt động KH&CN đến tận cơ sở, cần thiết phải có cán bộ KH&CN cấp xã, phường.  Cán bộ KH&CN cấp xã, phường có thể là cán bộ kiêm nhiệm, nhưng phải được đào tạo cơ bản, thực sự có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ hợp lý để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ triển khai các thành tựu KH&CN đến tận các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình; nắm bắt nhu cầu ứng dụng KH&CN từ cơ sở để phản ánh lên các cơ quan quản lý nhằm đưa KH&CN phục vụ những nhu cầu thiết thực của sản xuất và đời sống.

Việc thiếu cán bộ KH&CN cấp huyện ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học đến đời sống? Có phải đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều đề tài KH&CN được nghiệm thu nhưng vẫn không tìm được địa chỉ ứng dụng?

Việc thiếu cán bộ KH&CN cấp quận, huyện cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống. Sự chưa gặp nhau giữa nhu cầu thực tế và kết quả nghiên cứu làm cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ rất khó khăn. Chúng ta cần có kênh phát hiện những nhu cầu của sản xuất và đời sống, cần có bộ phận tiếp nhận và ứng dụng thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất ở địa phương; hơn nữa cấp quận, huyện còn tham gia quản lý nhà nước về KH&CN trên các lĩnh vực như tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Vì vậy, lực lượng cán bộ phụ trách KH&CN cấp quận, huyện nếu được đầu tư tốt sẽ là một cầu nối quan trọng để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên.

Trong bối cảnh hiện nay, việc không tổ chức được một phòng KH&CN cấp huyện chuyên biệt có phải là một bất cập?

Việc không tổ chức được một phòng KH&CN cấp quận, huyện chuyên biệt là một khó khăn lớn để triển khai đầy đủ các hoạt động KH&CN đến cấp quận, huyện.

Tình hình nêu trên do nhiều nguyên nhân, trước hết, Thông tư 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV không qui định rõ về tổ chức và biên chế của cơ quan này chuyên môn giúp UBND quận, huyện quản lý nhà nước về KH&CN trong khi nhiệm vụ của cơ quan này là khá lớn và chưa được cụ thể hoá. Mặt khác, theo qui định tại Điều 7 Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được tổ chức thống nhất gồm có 12 phòng, không có Phòng KH&CN. Đây thực sự là một vướng mắc lớn để thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện lộ trình đến năm 2010 để có Phòng Quản lý KH&CN cấp quận, huyện như định hướng tại “Chiến lược phát triển KH&CN của thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và 2015”.

Ông có giải pháp nào tháo gỡ cho vấn đề này?

Thực hiện việc tuyển dụng lực lượng sinh viên khá, giỏi sau khi tốt nghiệp các trường đại học để đưa các em về cơ sở trực tiếp phụ trách công tác KH&CN. Lực lượng này không bị ràng buộc về chỉ tiêu biên chế, lại có kiến thức cơ bản, nhanh nhạy, dễ tiếp thu và triển khai các hoạt động KH&CN cấp cơ sở.

Theo báo Khoa học & phát triển

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022