Quy trình kỹ thuật canh tác giống mía mới

Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Viện Nghiên cứu Mía đường đã triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh mía trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở tỉnh Bến Tre với 02 giống mía mới là Suphanburi7 và K88-200. Sau hơn 02 năm triển khai mô hình thâm canh đúng quy trình kỹ thuật năng suất mía đạt trên 140 tấn/ha và chữ đường trên 10 CCS.
 

image


Để giúp bà con nông dân trồng mía thâm canh 02 giống mía mới là Suphanburi7 và K88-200 đạt năng suất và chất lượng cao, Phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác giống mía mới như sau:

I. Kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc mía tơ:

1. Thiết kế đồng ruộng:

1.1 Đất trồng mía:

Đất trồng mía phải nằm trong đê bao khép kín, phải đảm bảo có nước tưới trong mùa nắng và có hệ thống bơm điện để tiêu úng trong mùa mưa lũ.  
                                                               
1.2 Kỹ thuật làm đất và đào hộc mía:

- Đất phải bằng phẳng và được lên liếp, chiều rộng 6-8 m, cao từ 0,5-0,6 m, đất trồng mía phải giữ mực nước ổn định trong mương thấp hơn mặt liếp từ 50-60 cm để tránh xì phèn, ngập úng, chiều dài liếp theo đất canh tác (tốt nhất từ 100 m trở lên để cơ giới hóa khâu làm đất, đào hộc mía... giảm được chi phí), có hệ thống mương dẫn nước tưới tiêu.

- Đào hộc dọc theo mặt liếp với khoảng cách hàng từ 1,2-1,4 m tùy theo giống,  sâu 15 cm, rộng 30-35 cm, dưới đáy rãnh có lớp đất bột tơi xốp.

2. Thời vụ trồng mía:

- Đầu mùa mưa: tháng 04-05 hàng năm.

- Cuối mùa mưa:tháng 11-12 hàng năm.

3. Kỹ thuật trồng mía:

 - Mật độ hom trồng: 4-5 hom 3 mắt mầm/m dài, khoảng 35.000 hom/ha (tương đương 7,5 tấn giống/ha).

- Cách đặt hom: Đặt hom kiểu gối đầu hoặc nối đuôi, đặt hom bằng và thẳng hàng, cho mắt mầm hướng về hai bên, ấn chặt hom vào đất.

- Lấp hom: sử dụng đất tơi, tro trấu hoặc bã bùn phủ lên mặt hom.

4. Kỹ thuật bón phân và thuốc bảo vệ thực vật:

4.1 Số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: (tính cho 1 ha đông đặc)

+ Vôi: 2 tấn; Phân hữu cơ : 2,5 tấn

+ Urê: 550 kg; Super lân: 750 kg; KCl: 400 kg

+ Thuốc trừ sâu: 20 kg Basudin 10G

+ Thuốc trừ cỏ:3lít Gesapaax 500 FW.

4.2 Kỹ thuật chăm sóc và bón phân:

+ Bón lót: Rãi vôi (0,5 tấn) đều vào đáy hộc, sau đó lấp một lớp đất mỏng tiếp đó bón toàn bộ phân hữu cơ (2tấn); lân (750 kg); thuốc trừ sâu Basudin 10H (20 kg); 50 kg Ure, 50 kg Kali vào hàng hộc mía trước khi đặt hom.

+ Chăm sóc và bón thúc lần 1: Khi mía được 30-40 ngày tuổi tiến hành làm sạch cỏ trong gốc và trên hàng mía, sau đó bón 150 kg Ure;  50 kg  Kali, kết hợp xới xáo, vô chân để vùi lấp phân.

+ Chăm sóc và bón thúc lần 2: Khi mía được 60-70 ngày tuổi, tiến hành làm cỏ sạch trong gốc và trên hàng mía sau đó bón 200 kg Ure; 100 kg Kali kết hợp xới xáo, vô chân để vùi lấp phân.

+ Chăm sóc và bón thúc lần 3: Khi mía được 90-100 ngày tuổi, tiến hành làm sạch cỏ, bóc các lá già khô dưới gốc mía sau đó bón 150 kg Ure; 200 kali kết hợp xới xáo, vô chân để vùi lấp phân và đạp gốc tránh đỗ ngã.                                  

5.  Phòng trừ một số loài sâu bệnh hại mía chủ yếu:

5.1 Sâu đục thân:

- Dùng thuốc Basudin 10G hoặc Diaphos 10H hoặc Padan 4G với liều dùng 20 kg/ha, rải vào rãnh mía trước khi đặt hom.

- Khi ruộng bị sâu nhiều, dùng thuốc Ofatox 400 EC với liều dùng 1-1,5 lít/ha, pha với nước để phun lúc sâu non mới phát sinh.

5.2 Bọ hung đục gốc:

Khi có nhiều bọ hung xuất hiện,  rải thêm 25-30 kg thuốc Sago Super 3 G vào gốc mía trước khi xuống hàng hoặc vô chân.

5.3 Bệnh rỉ sắt:

 Dùng thuốc Tilt Super 250 EC với lượng từ 1-1,5 lít/ha phun cho mía khi thấy bệnh xuất hiện. Hạn chế phát tán bệnh bằng cách cuốc, cắt bỏ cây bị bệnh và không lấy giống từ ruộng nhiễm bệnh.

5.4 Bệnh thối ngọn:

Cắt lá bệnh và tiêu hủy, dùng thuốc boóc-đô hoặc sun-phát đồng trộn với vôi bột và đất bột theo tỷ lệ: 10: 40: 50, rắc vào ngọn mía. 

6. Thu hoạch mía:

6.1 Xác định thời gian thu hoạch:

- Theo độ tuổi: từ 11-12 tháng tuổi (Tùy theo giống mía)

- Theo cảm quan: Lá sít lại, ngả màu hơi vàng nhạt, các đốt phần ngọn ngắn lại.

- Theo loại giống: Giống chín sớm thu hoạch trước, rồi đến giống chín trung bình và cuối cùng là giống chín muộn.

- Đo độ Brix xác định khi mía đạt CCS ³ 9,5 hoặc chênh lệch độ Brix ngọn và Brix gốc thấp mới thu hoạch. 

6.2 Yêu cầu kỹ thuật khi thu hoạch:

-  Phải chặt sát gốc, không dập gốc, chặt ngọn ló “mặt trăng”, róc sạch rễ lá.

- Mía được xếp thành từng bó từ 10-15 kg đưa xuống ghe vận chuyển ngay về nhà máy trong vòng 48 giờ.

II. Kỹ thuật chăm sóc và bón phân mía gốc:

1. Xử lý gốc:

- Chỉ lưu gốc ruộng mía có năng suất cao, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ mất khoảng  thấp.

- Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay. Dùng dao để bạt những gốc cao, cây mầm, cây bị sâu bệnh hay cỏ dại sót lại từ vụ trước.

2. Số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: (tính cho 1 ha)

+ Vôi: 500 kg; Urê: 500 kg; Super lân: 500 kg; KCl: 350 kg

+ Thuốc trừ sâu: 20 kg Basudin10G

+ Thuốc trừ cỏ: 3lít Glyphoxim 41SL 

3. Kỹ thuật chăm sóc và bón phân:

- Chăm sóc và bón thúc lần 1: Khi xử lý gốc xong, bón vôi 500kg; Lân 500 kg; thuốc trừ sâu Basudin 10G 20 kg; 100kg Ure; 100kg  Kali, kết hợp vô chân để vùi lấp phân.

- Chăm sóc và bón thúc lần 2: Khi mía được 60-70 ngày tuổi, tiến hành làm cỏ, sau đó bón 200kg Ure; 100kg Kali kết hợp xới xáo, vô chân để vùi lấp phân.

- Chăm sóc và bón thúc lần 3: Khi mía được 90-100 ngày tuổi, tiến hành làm cỏ, đánh lá sau đó bón 200kg Ure; 150 kali kết hợp xới xáo, vô chân vùi lấp phân và đạp gốc tránh đỗ ngã.

4. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch: tương tự như vụ mía tơ

Phòng Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc