Lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm từ mô hình trồng cam dây xen bưởi da xanh, nhãn và dừa

Với diện tích 25.000m2 vườn tạp, bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, đã trồng thành công cây cam dây xen với bưởi da xanh, nhãn tiêu quế, dừa dứa, dừa xiêm xanh, mỗi năm lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Năm 1993, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ và phá thế độc canh cây lúa của Đảng và Nhà nước, bà Hồng đã chuyển đổi 25.000m2 vườn tạp đào mương lên bờ trồng long nhãn. Năm 1995, cây long nhãn cho hiệu quả kinh tế thấp, bà Hồng lại chuyển sang trồng cây nhãn tiêu quế, nhãn xuồng cơm vàng nhưng hiệu quả vẫn không cao.

image
Bà Hồng bên vườn Cam dây trồng xen chanh


Giai đoạn 2004-2005, thông qua Hội nông dân xã, sau khi tham quan học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, qua tìm hiểu nhận thấy cam dây có tán hẹp, tuổi thọ cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là thích hợp trong việc trồng xen, nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái quanh năm, nước cam ngọt chứa nhiều chất bổ, bà Hồng đã quyết định trồng cam dây xen trong vườn bưởi da xanh, dừa xiêm xanh và nhãn tiêu quế.

Để có giống cam dây ngon, chất lượng, bà Hồng đã đến tận huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang tìm hiểu quy trình chăm bón và mua 300 gốc cam dây về trồng. Sau 8 tháng trồng, cam dây cho thu hoạch mỗi ngày 60kg đến 70kg trái, bán giá 25.000 đồng/kg. Từ đó, mỗi năm bà chủ động bó nhánh cam để nhân rộng.

Năm 2008, bà tham gia dự án trồng dừa dứa xen trong vườn cam dây, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh với diện tích 14.000m2. Đến năm 2011, khu vườn nhà bà cơ bản hoàn chỉnh với các loại cây như: cam dây, bưởi da xanh, nhãn tiêu quế, dừa xiêm xanh, dừa dứa. Trong đó, trái cam dây của bà đã giành được giải III tại Hội thi cây trái ngon an toàn huyện Chợ Lách năm 2011.

Bà Hồng cho biết: “Để các loại cây trồng trên cùng mảnh vườn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là cây cam dây, bà thường xuyên chăm sóc và bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây. Cam dây trong giai đoạn thu hoạch trái cần bón phân NPK 20-20-15 cho cây nuôi trái, tùy theo cây lớn, nhỏ và số trái trên cây mà điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, đồng thời sử dụng 1 nắm tay phân đơn kali giúp cho nước cam tơi với ngọt hơn. Đồng thời, mỗi năm nên bồi bùn phủ lên gốc và bón phân hữu cơ cho các loại cây trồng vào mùa khô để tăng độ phì nhiêu tơi xốp của đất và để đảm bảo cho cây phát triển liên tục, bà chủ động đầu tư xây dựng hệ thống đê bao hoàn chỉnh ngăn mặn trữ ngọt tưới vườn vào mùa nắng”.

Theo kinh nghiệm của mình, bà Hồng cho biết thêm: “Trước khi cho cây ra hoa thì tiến hành cắt nước, xới đất xung quanh gốc rồi bón phân cho cây phát triển đâm cơi ra hoa, như vậy cơi sẽ mập, hoa khỏe, trái nhiều và lớn nhanh”.

Hiện tại trung bình mỗi năm, bà Hồng thu hoạch được 5 tấn cam dây, 2 tấn bưởi da xanh, 8.000 trái dừa và 12 tấn nhãn tiêu quế, sau khi trừ các khoản chi phí, bà còn lãi trên 150 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, hiện nay bà còn đang áp dụng quy trình kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm bào ngư để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình. Mô hình xen canh đa cây của bà Nguyễn Thị Hồng đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nhãn rỗi tại địa phương./.


Thanh Hương
Đài truyền thanh Bình Đại

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc