Nông dân trẻ thành công với ý tưởng chế tạo thành công máy sấy bánh phồng

Bánh phồng Sơn Đốc là đặc sản của xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Bánh rất thơm ngon dùng làm quà biếu. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, những người làm bánh nơi đây đã tạo ra nhiều loại bánh mang hương vị khác nhau. Bánh ngày càng được thị trường ưa chuộng, sản lượng cung ứng ngày càng nhiều, đặc biệt là bánh phồng mì dán chuối. Tuy nhiên, việc làm bánh phải phụ thuộc vào thời tiết, phải có nắng mới phơi được bánh, nên sản phẩm làm ra không nhiều. Thấy được cái khó của nghề làm bánh, anh Cao Minh Tấn-một cơ sở làm bánh nơi đây đã mài mò học hỏi, nghiên cứu và thực hiện thành công ý tưởng làm máy sấy bánh phồng, mỗi ngày sấy hàng ngàn chiếc bánh giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

 Anh Lê Quang Rực bên chiếc máy sấy bánh phồng được anh Tấn chuyển giao kỹ thuật.


Anh Cao Minh Tấn, sinh năm 1980, quê ấp Hưng Bình, xã Hưng Nhượng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thâm niên làm nghề bánh phồng truyền thống, cũng không ít lần anh chứng kiến cảnh thời tiết mưa, nắng bất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Lớn lên, khi học hết chương trình Trung học phổ thông, anh theo học nghề sửa điện tử và mở một tiệm nhỏ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngoài thời gian rảnh, anh thường phụ giúp gia đình công việc sản xuất bánh phồng. Dần dần đúc kết trong anh một số kiến thức cơ bản chung về nghề làm bánh phồng. Sau một thời gian, anh lập gia đình và sinh được một bé trai, cuộc sống lại khó khăn hơn. Nhất là khi công nghệ điện tử phát triển mạnh, người dân dần loại bỏ những thiết bị cũ thay vào đó là hàng chính hãng, chất lượng cao. Nghề đồng hành của anh ngày mai một theo thời gian. Năm 2011 anh bàn với vợ chuyển sang nghề sản xuất bánh phồng, nhưng không phải là bánh phồng nếp truyền thống mà là bánh phồng mì dán chuối.

Ban đầu khởi nghiệp, anh gặp không ít khó khăn, chỉ làm số lượng ít, bán lẻ cùng với sản phẩm truyền thống của gia đình. Với tâm huyết tìm hướng đi mới cho bản thân nhằm phục vụ tốt nhu cầu thị hiếu của khách hàng, anh kiên trì quyết tâm mở rộng cơ sở sản xuất bánh phồng mì dán chuối. Cũng từ đó, cơ sở mang thương hiệu bánh phồng mì dán chuối Hai Sậm ra đời, chất lượng thơm ngon, ngày càng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày số lượng khách hàng của anh ngày càng tăng nhanh và lan ra các tỉnh như: Đồng Tháp, Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Số lượng đặt hàng ngày càng cao từ vài trăm đến vài ngàn cái mỗi ngày nên cơ sở anh không đủ cung ứng, anh phải thuê thêm 5 đến 10 người thợ mỗi ngày để làm gia công. Cũng từ đó, một số cơ sở khác trên địa bàn hình thành ngày một nhiều hơn.

Nhưng nghề bánh phồng mì dán chuối này luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu thiên nhiên. Bởi lẻ bánh phồng nếp hay bánh phồng mì dán chuối đều phải được phơi dưới ánh nắng chói chang khoảng 35-36 độ C mới khô cho ra sản phẩm bóng và sáng đẹp hơn. Ngược lại, những khi thời tiết mưa, bão dài ngày sẽ không sản xuất được, một số nguyên liệu như chuối để lâu bị đen không làm được phải loại bỏ cho gia súc ăn. Nhưng đó chỉ là con số thất thoát nhỏ, bởi lẽ, vào mỗi ngày sáng nắng, chiều mưa, khi sản phẩm đã làm xong không phơi được là phải loại bỏ hoàn toàn, coi như mất trắng, thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Sau nhiều lần đắn đo tìm hiểu anh quyết định đưa ra ý tưởng chế tạo một lò sấy bánh phồng. Nghĩ là làm, mỗi đêm anh dành một ít thời gian lên mạng tìm hiểu một số quy trình, công thức hóa học chung về các phản ứng tự nhiên của nhiệt độ, khí đốt, chất thải… Năm 2014, sau khi nắm vững kiến thức, anh liên hệ thợ mua những vật dụng cần thiết, rồi cùng thợ gia công cửa sắt thực hành ráp máy. Sau hơn một tuần lễ mài mò, máy sấy bánh phồng đã hoàn tất theo đúng yêu cầu của anh Cao Minh Tấn. Máy sấy có dạng hình chữ nhật, một hầm chứa than, 2 quạt máy có công dụng điều hòa, tỏa nhiệt, vĩ phơi, giá đỡ. Tuy nhìn rất đơn giản nhưng hiệu quả rất cao chỉ sau 4-5 giờ đồng hồ là có thể cho ra 500 cái bánh chất lượng đáp ứng được yêu cầu thị trường mà không phải trông chờ thời tiết lo sợ phập phồng.

Lúc ấy vợ chồng anh mừng rỡ, nhất là bản thân anh đã thở phào sau những ngày khổ cực dành hết thời gian cho ý tưởng của mình vì sợ thất bại theo những lời chỉ trích của những người xung quanh. Không dừng lại đó, do số lượng đặt hàng ngày một nhiều, mà mỗi mẻ bánh sấy ra lò chỉ có 500 cái bánh là không đủ, lại tốn nhiều thời gian. Một lần nữa, anh lại đắn đo và quyết tâm nâng công suất máy từ 500 cái lên 1.000 cái và hiện nay là 1.800 cái sau mỗi mẽ ra và thời gian cũng giảm hẳn xuống còn 2-3 giờ đồng hồ so với ban đầu.

Máy sấy bánh phồng có chiều dài 4,5m; rộng 1m, cao 1,2m, với chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Nói về cấu tạo máy hiện tại và nguyên tắc hoạt động, anh Tấn cho biết: “Cấu tạo gồm có: 6 cái quạt, 4 điện trở đốt nóng, 1 rờle cảm biến, 1 rờle ngắt, vỏ thùng, 42 vĩ sấy, 1 lò đốt than, mỗi vĩ lớn thì 40 cái, vĩ nhỏ thì 30 cái. Thời gian sấy khô từ ướt tới khô khoảng 2 tiếng rưỡi. Nguyên tắc hoạt động của máy là khi nào than cháy thì điện tự ngắt, khi nào than hết thì máy hoạt động bằng điện, làm cho nhiệt độ ổn định”.

 Có được thành quả như vậy, là nhờ anh chịu khó nghiên cứu, bằng cách nâng số vĩ, gắn thêm hệ thống điện, đặt biệt là anh thiết kế thêm hệ thống theo dõi nhiệt độ mà hiện nay các cơ sở khác chưa áp dụng được. Với tư duy sáng kiến của anh, mỗi ngày cơ sở anh cung cấp cho ra thị trường khoảng 5 đến 6 ngàn cái mà không lo cung thiếu cầu, cũng như thời tiết mưa, nắng bất thường. Từ đó, cơ sở anh mạnh dạn ký hợp đồng với nhiều thương lái xa, số lượng lớn.

Ngoài ra, anh còn đăng tải bán hàng qua mạng xã hội: Facebook, Zalo với thương hiệu bánh phồng nếp, bánh phồng chuối Hai Sậm, Ấp 1 xã Hưng Nhượng. Và đặc biệt hơn, hiện nay anh đang chuẩn bị xây dựng Website bán hàng qua mạng. Đây cũng là dịp để quảng bá sản phẩm bánh phồng chuối của cơ sở mình một cách rộng rãi hơn cũng như đưa thương hiệu làng nghề bánh phồng Sơn Đốc ngày càng bay xa. Song song đó, anh Cao Minh Tấn còn thiết kế xây thêm một lò nướng bánh phục vụ khách dùng tại chỗ hoặc làm quà biếu tặng mang về rất thuận lợi. Anh cho biết: Có lúc cao điểm mỗi ngày anh nướng cung cấp cho thị trường khoảng 2 ngàn cái mang lại kinh tế gia đình ổn định.

Với sự thành công của máy sấy bánh phồng, các cơ sở sản xuất bánh trong ấp tìm đến anh tham quan, học hỏi cách làm máy sấy bánh phồng. Anh Tấn vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn cách làm máy sấy với đúng quy trình anh tạo ra. Hiện nay, trên địa bàn ấp có hơn 10 sản phẩm “độc quyền” của anh lần lượt ra đời và lan rộng ra các xã lân cận. Anh Lê Quang Rực, một cơ sở làm bánh phồng mì dán chuối tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Nhượng nhờ được anh Tấn chuyển giao kỹ thuật làm máy sấy mà cơ sở sản xuất bánh của anh tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Nói về lợi ích của máy sấy bánh phồng, anh Rực cho biết: “So ra nhiệt độ ngoài trời thì không lệ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, mình chủ động bất cứ thời gian lúc nào làm cũng được, sấy sáng chiều bất kể giờ giấc. Ngoài ra, đối với lò sấy thì nhiệt độ tương đối ổn định không do thời tiết mưa nắng nên bánh của mình nhiệt độ sấy điều hòa hơn đảm bảo thời gian rút ngắn hơn so phơi ngoài nắng. Trong lò sấy mình bảo vệ yếu tố môi trường trong sản phẩm của mình. Theo tôi mô hình này có thể phát huy nhiều hơn nữa. Mình có thể cải tiến thêm cho nhiệt độ đều hơn trong chu kỳ của nó”.

Ý tưởng sáng tạo làm mấy sấy bánh phồng của anh Cao Minh Tấn đã giúp nhiều cơ sở của làng nghề bánh phồng Sơn Đốc giải quyết được bài toán khó về thời tiết. Với mong muốn nâng cao, cải tiến chất lượng máy sấy, thời gian tới anh Tấn sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chiếc máy sấy bánh một cách chất lượng và hiệu quả hơn, nhất là chú trọng nhiệt độ để đảm bảo bánh luôn được sấy một cách đều nhất. Là người tiên phong trong sản xuất bánh phồng mì dán chuối và chế tạo máy sấy bánh, anh Tấn thật đáng biểu dương. Đây cũng là một mô hình khởi nghiệp có hiệu quả, hưởng ứng chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp do Tỉnh ủy phát động.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc