Gáo dừa ốp lát tường-sản phẩm mới của Bến Tre

Hiện nay các nước văn minh như Nhật, Nga, Mỹ… sản phẩm trang trí nội thất bằng gáo dừa để ốp lát tường đang rất được ưa chuộng. Ngoài tính thẩm mỹ, lạ mắt, thời trang độc đáo, nó còn có đặc tính lâu bền. Đặc biệt hơn, loại sản phẩm này có khả năng lọc ẩm, lọc khí độc rất cao. Anh kỹ sư Nguyễn Nhật Luân chủ Cơ sở Thủ công mỹ nghệ Mộc Lan ở ấp 1, xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) nắm bắt được những yếu tố ưu việt đó nên đã quyết định mở cơ sở sản xuất loại sản phẩm này.

Kỹ sư điện đam mê sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới.

Sau thời gian phụ trách mảng tiểu thủ công nghiệp của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Giồng Trôm, anh học hỏi được nghề này. Đồng thời anh say sưa tìm hiểu thêm trên mạng Internet và những lần đi thực tế, tham quan. Những dịp đó, anh biết được nhu cầu rất lớn của khách hàng trong nước cũng như nước ngoài về loại sản phẩm từ chất liệu không hề thiếu ở Bến Tre. Vợ chồng đều là công chức, không có đồng vốn lớn, nên khi có ý tưởng đến lúc mở cơ sở, anh loay hoay thời gian khá lâu, đến đầu năm 2016 mới thực hiện được. Tuy nhiên anh biết tận dụng thế mạnh từ “cái đầu” cũng như yếu tố khách quan về thông tin, cơ hội… Anh huy động nhiều nguồn vốn nên hiện nay cơ sở anh dần ăn nên làm ra. Dự án của anh đã được Hội đồng Khoa học huyện, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương tỉnh thẩm định, phê duyệt. Vậy nên anh được hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công của tỉnh cũng như sự khuyến khích, hỗ trợ tham gia vào “Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp” chủ trương của tỉnh đưa ra. Đồng thời anh được Cục Sở hữu trí tuệ tỉnh đề nghị đăng ký thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp nhằm hợp thức hóa sản phẩm của mình theo qui định.

 


Ban đầu anh dành dụm tiền mua sắm dần moteur, máy tiện, máy cưa, máy lộng (nhiều cỡ)… Anh tự mày mò, say sưa sáng tạo mẫu mã. Đồng thời đến nay đã có bảy công nhân, thợ lành nghề được anh đào tạo, phục vụ rất nhiệt tình cho cơ sở. Ngoài nhận thi công ở địa phương, gần đây anh từng sang Tiền Giang để nhận dán nhà, dán phòng cho nhiều khách hàng. Cơ sở anh đang phát triển dần lên, bởi ngoài nhờ bàn tay khéo léo của thợ nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, anh còn mang sản phẩm đi tiếp thị khắp nơi. Như nhờ các thầu xây dựng quảng bá, gửi sản phẩm cho những cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Anh không ngần ngại mang hàng đi giới thiệu ở các hội thảo hàng thủ công mỹ nghệ, hay giới thiệu qua phương tiện Internet…

Những công đoạn đi đến thành phẩm

Nguyên lý hoạt động sản xuất gáo dừa ốp lát tường được anh lên kế hoạch rất tỉ mỉ, khoa học. Gáo dừa khô, công nhân chà bằng moteur quay, nhằm làm sạch phấn bụi, mùn bên ngoài. Có hai cách chà, chà bóng và chà thô, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Sau đó đưa vào bồn đánh bóng từ mảnh giấy nhám được cắt nhỏ, ma sát mạnh đến những bốn giờ mới xong công đoạn. Người thợ phải rất công phu trong việc cắt, tiện, lộng, rồi dán từng mảnh gáo dừa vào mảnh lưới nilon bằng keo chuyên dụng (pha chế bằng bí quyết riêng). Qua nhiều công đoạn như vậy rồi mới định hình nhiều kích cỡ, kiểu dáng để hấp dẫn khách hàng một cách hiệu quả nhất. Theo anh Luân, có nhiều cơ sở trước đó sản xuất mặt hàng này không thành công là vì không hiểu rõ những nguyên lý và bí quyết pha trộn keo dán.

Tính khả thi của sản phẩm

Bến Tre với bạt ngàn rừng dừa trên ba dãy cù cao, sản lượng hàng mấy triệu trái/năm. Đây là thế mạnh, tiềm năng cho sản phẩm này phát triển. Mặt khác, hiện nay loại gỗ quí đang khan hiếm, mặt hàng này thay thế nên rất đắc dụng. Lại có tính vượt trội hơn gỗ tự nhiên, cũng như giá thành không cao. Bên cạnh, sản phẩm có độ cứng rất cao, không bị mối, mọt gặm nhấm, phân hủy ở bất cứ hoàn cảnh hay môi trường nào. Nên việc anh đưa vào ứng dụng, quảng bá nhiều mặt hàng có hoa văn bắt mắt này trên thị trường là điều không khó để đi đến thành công. Nếu so sánh với đá ốp lát granite thì giá thành tương đương. Mỗi m2 gáo dừa ốp lát giá chỉ 550.000đ. Và tiền công dán là 50.000đ/m2. Ngoài nhận thi công công trình, anh còn bán sản phẩm cho khách hàng mang về tự ốp dán ở nhiều thị trường trong nước.

Hiện nay những bí quyết cũng như kỹ thuật, mỹ thuật làm ra sản phẩm anh và nhóm thợ đã thuần thục. Đến nhu cầu của thị trường… anh cũng am tường. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn đó là đồng vốn hoạt động để khuếch trương cơ sở phát triển. Hy vọng “Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp” liên kết tốt với ngành ngân hàng để cho anh vay vốn với lãi xuất thấp, anh sẽ đầu tư vào một cách qui mô hơn. Đồng thời qua đó sẽ giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên nhàn rỗi ở địa phương mà anh rất bức xúc – Anh Nguyễn Nhật Luân chia sẻ.

Nghề đang “hot” là thế mạnh, nghề sẽ “hot” còn lợi thế hơn. Cộng với yếu tố đam mê, giỏi tay nghề và quản lý tốt đó là nguyên nhân đưa nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn Nhật Luân đi đến thành công trong tương lai là điều rất có thể.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc