Hiệu quả từ mô hình ươm cá nước ngọt trên đất ruộng

Là nông dân ở một địa phương mà người dân chủ yếu làm kinh tế vườn, ruộng, nhưng ông Nghiêm Ngọc Tươi, ngụ Khu phố I, thị trấn Giồng Trôm lại chọn nghề ươm giống làm chủ lực để phát triển kinh tế. Hơn 7 năm qua, mô hình ươm cá giống của ông Tươi đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

 
 Ông Tươi cho cá ăn.

 

Gắn bó với nghề bán cá giống từ năm 1992, lúc đó bên cạnh canh tác 4 công ruộng nhà thì ông Tươi lấy cá từ Thị xã Bến Tre về chở đi bán dạo. Sau khoảng thời gian tích góp, đến năm 2006, ông mở trại bán cá giống tại nhà mình. Nguồn cá giống ông lấy từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm cùng với việc tham gia lớp tập huấn của hội nông dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt, ông Tươi mạnh dạn thử nghiệm đào ao trên 2 công ruộng nhà mình để tự ươm cá giống. Ông chọn ươm cá phi là chủ yếu vì loại cá này có sức khỏe tốt, đầu ra mạnh quanh năm, rủi ro thấp. Nhận thấy việc ươm cá khá thuận lợi và đạt hiệu quả, ông dần mở rộng diện tích, đến nay, ông Tươi đã có gần 1 ha ươm cá giống với bốn ao, các ao có diện tích từ 2 công đến 2,8 công đất. Trung bình mỗi ao ông thả khoảng 1 triệu 800 ngàn con cá, chủ yếu là cá phi.

 

Ông Tươi cho biết để chuẩn bị ươm cá thì quy trình xử lý ao là rất quan trọng vì nó có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho cả vụ cá. Đầu tiên, ao được rút cạn nước, vệ sinh sạch rồi đánh vôi diệt cá tạp sau đó bơm nước vô rồi mới thả cá bột. Cá bột cho ăn bằng thức ăn bột, sau khoảng 10 ngày thì bắt đầu cho ăn thức ăn mảnh, khi cá được 1 cm thì cho ăn thức ăn viên. Thức ăn cho cá ông đến tận đại lý cấp 1 ở Ba Tri để lấy được loại thức ăn đảm bảo chất lượng. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào lúc 9 giờ sáng và 16 giờ chiều. Khi thời tiết xấu thì có thể cho cá ăn thêm thuốc kháng sinh với liều lượng ít để cá tăng sức đề kháng. Trong thời gian ươm cá, thường xuyên bơm nước vào ao để giữ mực nước được ổn định. Khi cá đạt kích cỡ từ 1,2 đến 1,4 cm là có thể thu hoạch, tùy theo nhu cầu bạn hàng. Mỗi vụ cá kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng. Trung bình mỗi vụ ông thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá, trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng. Mỗi năm có thể ươm từ 3-4 vụ, tùy theo nhu cầu thị trường. Cá giống ở trại ông Tươi giao cho các trại cá ở Ba Tri, thành phố Bến Tre và Giồng Trôm. Hiện tại, ông Tươi bắt đầu thử nghiệm ươm thêm giống cá tai tượng. Ông cho biết, cá tai tượng thì khó ươm hơn, nhưng nếu thuận lợi thì cho hiệu quả kinh tế rất cao. Cá giống ở trại ông Tươi bán quanh năm, vào mùa mưa thì số lượng nhiều hơn mùa khô. Bên cạnh cá giống ươm tại nhà, ông Tươi đi lấy thêm cá giống trắm cỏ, mè trắng, cá chép, cá tra… từ các tỉnh lân cận để tạo sự phong phú trong mặt hàng, nhờ đó, thu hút được nhiều bạn hàng hơn.

Ông Tươi cho biết, làm nghề gì cũng vậy, quan trọng là lòng yêu nghề, vì công việc nào cũng có khó khăn, phải yêu nghề mới vượt qua được. Ông Tươi chia sẻ: “Trước kia tôi có 4 công đất ruộng, ngoài làm ruộng thì tôi đi bán cá giống dạo. Nguồn cá giống lấy từ Thị xã Bến Tre. Qua thời gian bán như vậy thì thu nhập gia đình cũng còn khó khăn. Thời gian sau, tôi được Hội Nông dân tập huấn nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt. Từ đó, tôi nắm được một số căn bản về con cá giống. Lúc đó đồng vốn còn hạn hẹp nên tôi chỉ làm thử trên 2 công đất nhà. Qua thời gian thử nghiệm thấy con cá giống cá phi cho lợi nhuận khá. Sau đó tôi mở rộng thêm 2 công đất còn lại để ươm cá giống. Sau nữa tôi có mướn thêm đất, đến nay diện tích ươm tương đương 1 ha. Nhờ ươm cá thì thu nhập gia đình khá hơn trước. Từ đó, gia đình tôi nuôi mấy đứa nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Yên tâm về kinh tế gia đình. Đầu tư cho nghề ươm cá thì diện tích đất là chủ yếu, đồng vốn cũng không cần lớn lắm. Lợi thế nữa là ở địa phương mình con cá phi đầu ra dễ, tuy rằng lợi nhuận không cao nhưng ăn chắc so với các loại cá khác. Khó khăn là khu vực này nguồn nước vào mùa khô và hạn mặn thì nguồn nước bị khó, nếu lấy nước sông vô thì bị nhiễm mặn, còn nếu ngăn chặn nước sông vô thì nước cũng bị ô nhiễm, bơm lên ươm cá dễ sinh bệnh. Về thuốc men bên con cá phi thì không đáng kể”.

Xung quanh các ao cá, ông Tươi tận dụng diện tích đất trồng hơn 40 gốc dừa xiêm lấy giống. Với giá bao tiêu khoảng 7-8 nghìn một trái mỗi năm ông thu nhập thêm gần hai mươi triệu đồng. Như vậy, chỉ từ một xe cá giống bán dạo, hiện tại ông Nghiêm Ngọc Tươi đã có trong tay gần 1 ha ao ươm cá giống với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với tính cần cù, chịu khó cùng với niềm đam mê con cá giống, ông Tươi đã tạo dựng một hướng đi riêng phát triển kinh tế hiệu quả.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc