Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân Nguyễn Văn Sua

Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Sua - ngụ ấp Lương Thuận đã thành công với mô hình này.

Len lỏi theo những con đường bê tông uốn lượn, rộng chưa đến 1 mét, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy một vườn bưởi trái xum xuê, nặng trĩu đang vào độ thu hoạch. Đó là vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Sua, ngụ ấp Lương Thuận được trồng cách đây 13 năm. Ông Sua kể lại, trước đây khu vườn rộng gần 8.000m2 của gia đình ông chủ yếu trồng dừa xen với ca cao nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống không ổn định, vả lại cứ đến mùa thu hoạch dừa hoặc ca cao thì điệp khúc “được mùa - rớt giá” cứ tái diễn. Thời gian đó, thấy một số hộ dân trên địa bàn trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng trên 4.100 m2 bưởi da xanh. Đến nay vườn bưởi của ông có 100 gốc đang cho trái, theo đó hàng năm trừ đi chi phí ông thu về hơn 160 triệu đồng.

Vườn bưởi nhà ông Sua đang chuẩn bị thu hoạch trong dịp tết


Ông Nguyễn Văn Sua - ấp Lương Thuận chia sẻ: “Muốn cho cây tốt và trái sai thì cây phải khỏe, muốn cây khỏe chúng ta phải đảm bảo nước tưới vào mùa nắng, thoát úng vào mùa mưa, chăm sóc đúng kỹ thuật, không lạm dụng phân. Đặc biệt tôi khuyên bà con nên sử dụng nhiều phân chuồng kết hợp tricoderma tạo nền đất và độ mùn cho cây phát triển tốt. Đồng thời bón phân hóa học phải cân đối lượng NPK giữa các nhu cầu dinh dưỡng của cây thì sẻ đạt được hiệu quả cao”.

Tới mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi đến tận vườn của ông Sua thu mua và tự cắt trái vận chuyển bưởi đi tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước. Năm nay trái tương đối nhiều và đẹp hơn, giá bưởi loại 1 hiện tại đã hơn 45.000 đồng/kg.

Hiện tại, ông Sua đang là tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh ấp Lương Thuận. Tổ có 31 thành viên, được thành lập với mục đích chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc vườn bưởi, thông báo tình hình sâu bệnh, giá cả,.. Đồng thời ông cũng là người mạnh dạn vận động bà con nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh và nhiệt tình chia sẻ kiến thức trong việc trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, xử lý trái mùa nghịch đối với cây bưởi để bà con nông dân học hỏi, góp phần ổn định kinh tế gia đình.

Ông Phạm Văn Bé - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Quới cho biết: “Tổ hợp tác bưởi da xanh ấp Lương Thuận được Hội Nông dân xã vận động thành lập từ đầu năm 2016 đến nay. Tổ hợp tác sinh hoạt vào ngày 10 hàng tháng. Trong tổ hợp tác có 31 tổ viên với diện tích 11 héc ta. Hiện tại do tổ hợp tác mới thành lập cho nên chưa có sự hộ trợ của Nhà nước. Hướng tới UBND xã có làm một dự án đề nghị Chi cục phát triển nông thôn của tỉnh hỗ trợ cho tổ khoảng 200 triệu đầu tư về kỹ thuật, phân bón,… để tổ duy trì hoạt động trong năm 2016. Do vậy, UBND xã và Hội Nông dân xã đang tích cực vận động nhân dân tích cực duy trì và tham gia vào tổ hợp tác, tạo điều kiện tăng thu nhập cho bà con trong ấp và nhân rộng mô hình này ra toàn xã”.

 Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, đến nay kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Sua đi vào ổn định. Nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp. Mô hình trồng bưởi da xanh như ông Sua cần được nhân rộng nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong quá trình hội nhập hiện nay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chung tay góp sức vào quá trình xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trên địa bàn./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc