Hiệu quả từ mô hình Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Long Hòa

Thời gian qua, nghề trồng rau màu đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập tương đối cao cho bà con nông dân vùng nông thôn. Đã có nhiều địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau màu để đẩy mạnh sản xuất, cung cấp cho thị trường và làm giàu cho gia đình. Điển hình có tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại xã Long Hòa, huyện Bình Đại.

Qua hơn 01 năm thực hiện, đến nay mô hình trồng rau an toàn tại xã Long Hòa, luôn duy trì hoạt động tốt, không những đem lại lợi nhuận cao cho nhiều nông dân, mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Thành Trung – tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Long Hòa cho biết: “Trước đây, đa số nông dân đều sản xuất theo phương pháp truyền thồng, manh mún, nhỏ lẻ, không có sự gắn kết nên việc cung cấp ra thị trường gặp nhiều bất lợi. Việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nông hộ còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức trao đổi gia đình, kỹ thuật mới không được tiếp cận. Xuất phát từ khó khăn trên, năm 2013, để tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ trồng màu, chính quyền địa phương đã vận động các hộ trồng màu ở 2 ấp Long An và Long Hưng tham gia vào mô hình tổ hợp tác và sản xuất theo hướng an toàn dưới sự hỗ trợ của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre. Kết quả, tổ hợp tác trồng rau an toàn xã ra đời với sự gắn kết giữa 27 nông dân, cùng nhau sản xuất trên diện tích 6,6ha”. 

 
 Mô hình trồng dưa leo trong THT trồng rau an toàn xã
Long Hòa cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng/1 công đất

 

Bước đầu thành lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho các thành viên trong tổ về giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nấm trichoderma, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cách trồng, chăm sóc rau màu cho các thành viên, tổng kinh phí trên 23 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cung cấp giống rau trồng gồm: ớt, khổ qua, dưa leo, bầu, mướp, bắp, tổng kinh phí gần 27 triệu đồng.

 
 Mô hình ớt chỉ thiên cho lợi nhuận 12 triệu đồng

 

Đặc điểm của các loại rau trồng là thời gian sinh trưởng ngắn, sản xuất tập trung theo mùa vụ, mỗi năm canh tác được 3 vụ, mỗi vụ kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận mang lại cao.

Để sản xuất rau vừa đạt số lượng, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các thành viên trong Tổ sản xuất theo kinh nghiệm và tuân thủ bắt buộc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, đặc biệt là thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất.

Tham gia vào Tổ hợp tác, các hộ dân còn được học tập và trao đổi kinh nghiệm hàng tháng, đặc biệt tìm đầu ra ổn định tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, tránh được tình trạng bị thương lai ép giá, nên giá cả rau của nông dân làm ra luôn dao động ở mức tương đối cao, trung bình mỗi năm mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng đến 36 triệu đồng/1 công đất trồng, cao gấp nhiều lần so với trước đây, tùy vào mỗi loại cây rau màu canh tác.

Ông Phạm Thành Trung – tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Long Hòa cho biết thêm: “tương ứng với 1 đồng đầu tư trồng rau an toàn sẽ mang lại từ 1,45 – 1,5 đồng lợi nhuận. Cụ thể, đối với các loại cây ngắn ngày như: dưa leo, bắp, khổ qua, mướp… với 1 công đất trồng thì chi phí đầu tư ban đầu khoảng 2,5 triệu đồng, sau thời gian chăm sóc, tổ viên có lãi ròng 3,5 triệu đồng. Đối với cây dài ngày như: ớt thì với 1 công đất trồng, chi phí đầu tư ban đầu là 8 triệu đồng, sau thu hoạch có lợi nhuận 12 triệu đồng”.  

Mô hình hợp tác trồng rau an toàn xã Long Hòa đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong nhận thức lẫn cách làm của nông dân nơi đây. Hiện các ngành chức năng huyện đang khuyến khích các địa phương học tập và nhân rộng mô hình đến các hộ nông dân còn canh tác theo phương thức truyền thống trong toàn huyện./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc