Kinh nghiệm sản xuất cây bơ giống của anh Lý Quang Long

Hàng năm khi thời tiết chuyển mùa cũng là lúc thị trường cây giống ở huyện Chợ Lách trở nên sôi động, khách hàng ở các tỉnh miền Đông, miền Trung, kể cả miền Tây cũng đến đặt mua. Từ đó làm cho giá bán một số giống cây trồng có dao động, có loại cây giá tăng đột biến và cũng có cây giá giảm. Theo nhận xét của những hộ sản xuất cây giống trên địa bàn huyện Chợ Lách cho biết, so với các loại cây giống khác cây bơ là giống mới nhưng thời gian qua khá ổn định về giá bán. Trên thị trường hiện nay cây bơ sáp có giá dao động từ 10-12 ngàn đồng/cây và cây bơ hạt lép có giá dao động từ 20-23 ngàn đồng/cây.

Gia đình anh Lý Quang Long và chị Nguyễn Thị Trúc Đào ấp An Thạnh xã Long Thới được xem là người có kinh nghiệm gắn bó lâu năm với nghề sản xuất cây bơ giống và anh chị đã thành công với mô hình này. Mỗi năm gia đình sản xuất cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn cây bơ giống, năm đầu tiên sản xuất 5 ngàn cây và hiện tại tăng lên 35 ngàn cây, đã mang lại nguồn doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

 
 Vườn cây giống của anh Long chuẩn bị xuất ra thị trường

 

Chị Đào cho biết vợ chồng chị đến với mô hình sản xuất cây bơ giống vào năm 2008, lúc đầu chưa có kinh nghiệm sau thời gian học hỏi, tiếp cận thực tiễn, kỹ thuật tháp ghép cây bơ xem như đã thành công. Về khách hàng khá ổn định, phần lớn cây bơ sản xuất ra anh chị bán cho thị trường miền Đông là chính. Nhờ giữ chữ tín, chất lượng giống đặt lên hàng đầu tạo lòng tin nơi khách hàng thậm chí có lúc giá bán cây bơ giống tại vườn cây Long cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/cây nhưng khách hàng vẫn tìm đến đặt mua. Chị Đào quan niệm rằng đối với khách hàng khi đi mua cây giống về trồng việc chọn đúng giống, cây chất lượng là vấn đề quan trọng nhất. Vì thế đòi hỏi người sản xuất phải tạo được uy tín, thương hiệu mới giữ vững được lâu dài.

Cây bơ hạt lép và bơ sáp từ khi mua về trồng đến khi cây cho trái mất thời gian khoảng 2 năm, cây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông, thời gian qua những hộ sản xuất cây bơ giống ở huyện Chợ Lách cải tạo lại vườn trồng xen cây bơ cùng một số loại cây ăn trái khác để làm cây đầu dòng. Tại gia đình anh Long đã thí nghiệm trồng thử khoảng 500 cây bơ giống các loại, qua 2 năm chăm sóc cây phát triển tốt và cho trái nhưng so với điều kiện thổ nhưỡng ở các nơi khác cây bơ trồng trên đất Chợ Lách năng suất không cao, phần lớn người trồng để lấy bo tháp. Gia đình anh Long tận dụng ưu thế này để nhân giống cây bơ tuy nhiên do thị trường tiêu thụ với số lượng lớn hàng tháng anh Long phải mua thêm bo giống ở Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng về tháp.

 
 Cây bơ 3 năm tuổi của anh Long cho trái

 

Anh Long cho biết trước đây mỗi đọt bơ có giá bán 2 ngàn đồng, ghép được 2-3 cây. Hiện tại đọt bơ bán thành ký, mỗi ký lô gam đọt bơ sáp có giá 150 ngàn đồng và bơ hạt lép có giá 300 ngàn đồng tháp được 200 cây. Khi được hỏi vì sao gia đình anh chọn cây bơ để phát triển, anh Long cho biết : "Tìm hiểu thị trường tôi thấy cây bơ giống lúc đó rất hút hàng, có ít người sản xuất, giá cây giống khá cao, ..từ đó chọn cây bơ để đầu tư phát triển, buổi đầu số lượng cây sản xuất ra thị trường ít và tăng dần đến hôm nay khoảng 35 ngàn cây/năm. Từ đó đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động ở địa phương với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. "

Việc sản xuất cây bơ giống có nhiều giai đoạn ươm hột, cắt tháp,...xem ra quy trình thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên để có được cây bơ giống đạt chất lượng đáp ứng được yêu cầu khách hàng là đều không dễ đòi hỏi người sản xuất phải am hiểu về kỹ thuật tránh sự thất thoát. Với kinh nghiệm này chị Đào chia sẽ: “Trước tiên khi mua hột về ươm phải đãi hột cho sạch, ráo nước đem ươm xuống nền cát và phủ sơ dừa lên kín hột, xịt thuốc chống úng, 1 tháng sau hột nẩy mầm đem ra bịch nuôi thêm 3 tháng là có thể tháp. Khi tháp chọn cây phát triển tốt, chồi mập tháp trước. Kỹ thuật tháp bằng cách chẻ đầu vạt nêm bo gắn vào cây gốc, sau khi tháp xong để cây trong nhà lưới, 3-4 ngày tưới nước một lần,  khoảng 01 tháng sau bo dính tháo bịch ra để ngoài nắng. Lúc này khi cây đặt ngoài nắng thì nên tưới nước mỗi ngày, hàng tháng xịt ngừa sâu bệnh và tưới phân loại 30-30-0 một tháng hai lần. Điều quan trọng cây bơ thường dễ mắc bệnh thối rễ và thối thân vì thế cách phòng ngừa tốt nhất xịt ngừa vào thời điểm ươm hạt”.

Quy trình chăm sóc và kỹ thuật tháp ghép cây bơ đã giúp cho gia đình anh Lý Quang Long và chị Nguyễn Thị Trúc Đào thành công đối với mô hình sản xuất cây bơ giống, hàng năm có thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc