Mô hình nuôi ong mật trong vườn dừa đạt hiệu quả cao

Những người nông dân trồng dừa ở Bến Tre đang làm cho thu nhập của mình tăng lên từng ngày bằng cách thêm vào việc nuôi ong lấy mật dưới tán vườn dừa xen cây ăn trái.

 

Nhiều năm qua, nhờ nghề nuôi ong mật mà gia đình anh Nguyễn Văn Út (ở ấp 2, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) có cuộc sống ổn định. Anh Út cho biết, anh bắt đầu nuôi ong mật từ năm 2000. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh nuôi với quy mô nhỏ chỉ 5 thùng ong, sau đó anh dần phát triển và tự nhân đàn thêm ra.

 

Thấy hiệu quả từ nghề nuôi ong đem lại cao, hàng năm anh Út luôn duy trì đều đặn 50 thùng ong trong vườn. Nhiều năm liền nuôi ong mật đem lại lợi nhuận khá, anh Út tự tin khoe rằng, có thể xem nghề nuôi ong mật bỏ một vốn không phải thu bốn lời mà thu được từ 7-10 lời, bởi mật ong hiện có giá trị kinh tế khá cao mà vốn và công bỏ ra không đáng bao nhiêu.

 
 Anh Nguyễn Văn Út nuôi ong mật trong vườn dừa xen cây ăn trái

 

Ong thiên nhiên, thức ăn chủ yếu cũng từ thiên nhiên, người nuôi chỉ tốn chi phí mua thùng gỗ và ra công. Mùa nắng cây ra hoa nhiều, ong cũng có được nguồn thức ăn phong phú nên sinh mật dồi dào. Với 50 thùng ong, mùa nắng xoay vòng cứ cách 10-15 ngày, anh Út thu hoạch đều đặn lượng mật từ 25-30 lít. Còn mùa mưa ong sinh mật thấp nên vào những tháng mùa này, theo kinh nghiệm, anh Út tạm ngưng thu hoạch mật hoặc có khi 1-2 tháng mới thu hoạch mật một lần. Vì theo anh Út, mùa mưa nguồn thức ăn cho ong khang hiếm nên rất cần để mật lại cho ong duy trì sự sống và duy trì đàn.

 

Giá mật nguyên chất hiện tại anh Út bán tại vườn với giá 120.000 đồng/ lít. Nếu tính bình quân lượng mật thu hoạch đều đặn như vậy thì mỗi tháng mùa nắng anh Út  thu lợi từ  6-7 triệu đồng là chuyện không khó. Ở xã Nhơn Thạnh, anh Út là một trong những người nuôi ong thành đạt, với sản lượng mật hàng năm đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã giúp kinh tế gia đình anh Út trở nên khá hơn. Nghề  nuôi ong không cần nhiều diện tích đất, không tốn nhiều công, chi phí đầu tư ít mà mang lại thu nhập cao. Anh Út còn cho biết thêm: “Đây là nghề bỏ công làm lời nên phải chịu khó, thường xuyên chăm sóc ong, vệ sinh thùng sạch sẽ để ong không bỏ đàn mà đi, đồng thời phải tìm cho con ong có nguồn thức ăn dồi dào thì ong sẽ cho mật cao”.

 

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa, cây ăn trái lớn đầy tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong mật bởi thức ăn chính của ong là mật và phấn hoa tự nhiên. Nhờ siêng năng, chịu khó mà nhiều năm nay anh Út nuôi ong rất thành công. Mặt khác, lợi ích của ong trong vườn cây còn giúp cho vườn cây ăn trái cho hiệu quả cao nhờ ong thụ phấn cho bông đậu trái, còn người nuôi ong được lợi thu được mật ngọt từ thiên nhiên. Do đó, nhiều hộ dân làm giàu nhờ biết kết hợp nuôi ong với trồng trọt để được lợi cả hai.  

 

Nghề nuôi ong mật không phải là nghề mới, ngoài hộ anh Út, hiện trên địa bàn xã Nhơn Thạnh có khoảng 15 hộ theo nghề nuôi ong mật đa phần nuôi trong vườn dừa. Anh Lê Trung Tín-Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Thạnh cho biết: “Nghề nuôi ong mật đang là một hướng phát triển kinh tế cần phổ biến và nhân rộng cho các hộ nghèo ở địa phương. Thời gian qua, xã đã thành lập được tổ liên kết nuôi ong mật để các hộ học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật lẫn nhau cùng làm giàu. Trong thời gian tới, Hội nông dân xã cũng sẽ tiếp tục khuyến khích vận động nông dân nuôi ong, đồng thời cần phối hợp với ngành khuyến nông tổ chức nhiều lớp tấp huấn để người dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi ong mật đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc