Nghề sản xuất cây giống của gia đình ông Nguyễn Văn Hai

Sản xuất kinh doanh cây giống được xem là nghề truyền thống của địa phương huyện Chợ Lách, phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua. Mỗi năm địa phương đã cung ứng ra thị trường hơn 15 triệu sản phẩm cây giống các loại. Chính nghề truyền thống này đã giúp cho nhiều nông dân vươn lên khấm khá, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Hai, ấp Tân Phú, xã Sơn Định.
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Hai đến với nghề làm cây giống cách nay hơn 10 năm, một số giống cây được ông lựa chọn để trồng và chiết nhánh là cây bưởi da xanh, chanh không hạt, tắc,… Nguyên nhân ông lựa chọn nhóm hàng cây có múi để trồng là do thị trường những năm đó hút hàng và các loại cây này vốn chăm sóc đơn giản, thời gian nuôi trồng và chiết nhánh khá nhanh. Đối với cây bưởi da xanh từ khi trồng đến chiết khoảng 6-7 tháng và chanh-tắc khoảng 3-4 tháng.

 
tc                                      Ông Nguyễn Văn Hai phấn khởi với giá cây giống tăng mạnh.

Ông Hai cho biết, trước khi đến với mô hình làm cây giống, gia đình có 2 công đất vườn trồng nhãn tiêu quế nhưng qua nhiều năm chăm sóc cây cho năng suất, hiệu quả không cao lại mắc bệnh đầu lân. Trong khi đó, kinh tế gia đình cũng khó khăn để vươn lên có nguồn thu nhập ổn định, gia đình đã đốn phá vườn nhãn lựa chọn nghề sản xuất cây giống để phát triển. Với nghề này, tôi đã thành công, mỗi năm gia đình sản xuất và bán ra thị trường hơn 10 ngàn cây giống các loại, mang lại nguồn doanh thu khoảng 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Tiếp tục với nghề làm cây giống, ông Nguyễn Văn Hai luôn nghiên cứu thị trường tìm những giống cây mới, dễ trồng dễ chăm sóc và hút hàng để sản xuất. Hiện tại cây ổi Đài Loan đang chiếm lĩnh thị trường được gia đình lựa chọn đầu tư và phát triển. Tính riêng trong 2 năm 2012 đến nay, gia đình sản xuất bán ra thị trường khoảng 5 ngàn nhánh ổi Đài Loan với giá dao động từ 11-15 ngàn đồng/nhánh đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình hàng chục triệu đồng.

Ông Hai chia sẻ “so với các nghề khác, nghề làm cây giống xem ra ổn định hơn nhiều, nguồn vốn ít, dễ đầu tư, dễ chăm sóc, không tốn nhiều diện tích nhưng hiệu quả kinh tế thì lại khá cao. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề này và sẽ luôn tìm tòi nhiều giống mới để đầu tư sản xuất và điều quan trọng là không quên chú trọng về mẫu mã, chất lượng. Muốn phát triển dài lâu, chữ tín phải đặt lên hàng đầu”.

Nghề làm cây giống xem ra không khó đối với nhiều nông dân, riêng với ông Nguyễn Văn Hai để có được kết quả như hôm nay một phần nhờ vào học hỏi kinh nghiệm của bà con trong xóm, một phần bản thân phải tự tìm tòi và nghiên cứu dần dần sẽ có thêm kinh nghiệm.

Sau thời gian dài đến với mô hình làm cây giống, bản thân Ông Hai đã tích lũy được một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chiết nhánh các loại cây giống, ông Hai cho biết: “Đối với các loại cây trồng dùng để chiết nhánh ngoài sử dụng lượng phân bón phù hợp định kỳ hàng tháng (Lân+ DAP) vấn đề nước tưới cũng rất quan trọng. Riêng đối với cây chanh không hạt, kinh nghiệm chiết nhánh của tôi là: khi cây chanh trồng được khoảng 3-4 tháng là tôi bắt đầu chiết nhánh nhưng số lượng 2-3 nhánh/cây, mục đích của việc chiết nhánh này nhằm giúp cây đâm chồi. Cũng như các loại cây giống khác, tôi chiết nhánh theo cách khất vỏ- quấn cốt-bó xơ dừa. Trong thời gian khoảng 25 ngày cây ra rễ, tôi cắt xuống nhúng với bùn non được trộn sẵn với phân dơi và phân lân, sau đó vô bầu lớn nuôi cây. Mục đích của việc nhúng bùn và trộn phân lân, phân dơi nhằm tạo cho cây có màu xanh giữ được tươi lâu và kích thích rễ phát triển mạnh, tiếp đó mang cây để trong mùng kín, hàng ngày mở mùng và tưới nước phun sương giúp cho cây bắt nhịp với ánh sáng sau này cây phát triển tốt và dễ chăm sóc hơn. Khoảng 7-8 ngày sau tháo mùng và bán ra thị trường. Với kỹ thuật này, tôi thấy cây chanh phát triển rất tốt, cây khỏe mạnh tỷ lệ đạt khá cao.

Sự thành công trong kỹ thuật chiết nhánh cây giống, theo ông Hai là chưa đủ mà đòi hỏi người làm cây giống phải biết nắm bắt thị trường trong việc sưu tầm giống mới và chọn thời điểm thích hợp để chiết nhánh. Thông thường vào những tháng cận và sau Tết hoặc những tháng chuẩn bị vào mùa mưa, nhu cầu mua cây giống để trồng của bà con sẽ gia tăng, lúc đó giá sẽ tăng 4-8 ngàn đồng/cây so các tháng trước. Vì thế, gia đình ông Nguyễn Văn Hai chọn thời điểm khoảng tháng 8 tháng 9 âm lịch mới bắt đầu chiết nhánh. Với sự lựa chọn này nên số lượng cây giống làm ra tại gia đình ông Hai luôn hút hàng bán được giá cao, từ đó gia đình có nguồn thu ổn định. 

Sản xuất kinh doanh cây giống đang phát triển mạnh tại huyện Chợ Lách, được nhiều nông dân lựa chọn để tham gia. Bởi lẽ với họ đây là nghề có thể giúp cho nhiều gia đình kinh tế khó khăn, ít đất sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Trúc Ly

Đài Truyền thanh Chợ Lách

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc