Nhà vườn Chợ Lách xử lý sầu riêng nghịch vụ đạt thu nhập cao

Chợ Lách được mệnh danh quê hương cây lành-trái ngọt. Niềm đam mê kinh tế vườn giúp nông anh Lê Văn Hiền và nhiều nông dân Chợ Lách đạt thu nhập khá, thoát nghèo, vươn lên làm giàu và trở thành nhà khoa học hay chuyên gia miệt vườn.

Đến vườn của anh Lê Văn Hiền, ở ấp Sơn Lân, xã Sơn Định, mọi người đều trầm trồ về sự xanh tốt của 2,5 công đất trồng sầu riêng, với 60% là giống sầu riêng Ri6, còn lại là giống Mon-thong và cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa. Trong đó, diện tích cây 14 năm tuổi và có khả năng mang trái là khoảng 1,5 công. Năm 2013, anh Hiền thu hoạch trên 5 tấn sầu riêng, với giá bán từ 24 đến 38.000 đồng/kg.

Anh Lê Văn Hiền tâm sự: Trước đây, gia đình gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn do ít đất sản xuất, 2 con còn nhỏ. Ban ngày, vợ chồng anh đi làm thuê kiếm sống; chiều về, tranh thủ chăm sóc vườn cho đến khuya. Vườn lúc đó trồng lần lượt các loại cây như: chanh, nhãn, chôm chôm. Trong thời gian làm thuê cho một nhà vườn trồng sầu riêng tại địa phương, anh Hiền thấy giống cây này có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp điều kiện gia đình ít đất sản xuất nên chuyển sang trồng chuyên canh cây sầu riêng.

Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, kết hợp kinh nghiệm bản thân và học hỏi nhà vườn khác mà anh Hiền nắm được đặc điểm sinh lý của cây sầu riêng để chăm sóc cho cây xanh tốt, tuổi thọ cao, cho thu hoạch lâu dài. Đã 7 năm liền, anh Hiền xử lý thành công để cây sầu riêng ra hoa, đậu trái vụ nghịch và cho thu nhập cao. Khoảng tháng 8 âm lịch, anh Hiền xử lý cho sầu riêng ra hoa để thu hoạch vào tháng giêng hoặc tháng 2 năm sau. Hiện nay, anh đã xây được nhà kiên cố, diện tích trên 100m2, kinh phí trên 100 triệu đồng, tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ, cuộc sống gia đình ổn định.

Anh Lê Văn Hiền cho biết thêm: Yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo cây sầu riêng không bị côn trùng chích hút khi cây ra đọt non, nếu không cây sẽ suy kiệt, giảm năng suất và tuổi thọ, thậm chí chết cây. Nhà vườn có thể tìm các loại thuốc phòng-trừ côn trùng chích hút ở các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Để xử lý sầu riêng cho trái vụ nghịch, nhà vườn phải thực hiện tốt việc quản lý nước mương vườn, phủ bạc ny-lon trên mặt liếp để tạo hạn và đặc biệt là chăm sóc đúng cách để cây thật sung mãn.

Theo kinh nghiệm của anh Hiền thì việc chăm sóc cây sầu riêng chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn phục hồi sau thu hoạch, anh cung cấp phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, phân lân, phun thuốc ngừa bệnh và bón 2 lần phân NPK, mỗi lần cách nhau 0,5 tháng. Sau thu hoạch khoảng 3 tháng, anh bón phân NPK với tỷ lệ đạm cao, giúp cây phát triển và sử dụng thêm phân bón lá. Bốn tháng sau thu hoạch, anh bón phân super lân, khoảng 5kg/cây khoảng 10 năm tuổi, sau khi bón super lân khoảng 1 tháng thì xử lý cho cây ra hoa.

Giai đoạn xử lý cây ra hoa, anh Hiền bón phân NPK có tỷ lệ lân cao, lượng kali phù hợp, ít đạm cho cây, đồng thời, bổ sung canxi cho cây; tùy tình trạng cây, đất, thời tiết… để kết hợp phân bón lá NPK 10-60-10, MKP, phat-loa, F-bo phù hợp, giúp là cây mau thuần thục. Sau đó, anh tiến hành xiết nước mương vườn và đậy bạc ny-lon để cây ra hoa.

Sau phun Phát-loa khoảng 3 tuần, khi thấy cây sầu riêng có trạng thái ngủ, cành có mầm hoa (mắc cua), anh Hiền phun thuốc kích thích ra hoa cây ăn trái Mai Xuân C.A.T để cây ra hoa. Khi thấy mô sầu riêng khô, mầm hoa khoảng 30% thì giở bạc ny-lon, tưới nước, sau đó đậy bạc trở lại, đến khi mầm hoa khoảng 50% thì giở bạc hoàn toàn, bón phân Nitrat-Bo cho cây, định kỳ cung cấp nước cho cây.

Giai đoạn dưỡng bông, anh Hiền bón 2 lần phân NPK 12-11-18 hoặc NPK 15-15-15 cho cây, mỗi lần từ 1,5 đến 2 kg/cây 10 năm tuổi, đồng thời, phun thuốc Antracol phòng bệnh trên bông. Khi bông sầu riêng sắp xổ nhụy, anh Hiền bón khoảng 500g phân Kali trắng cho cây, sau đó tưới nhiều nước trong 5 ngày.

Trong giai đoạn nuôi trái, sau khi cây Sầu riêng xổ nhụy khoảng 5 ngày, anh Hiền phun phân bón lá để cây dễ đậu trái. Sau đó, để trái phát triển tốt, cứ cách 10 ngày, anh bón khoảng 0,5kg phân NPK 15-15-15 cho cây 10 năm tuổi, kết hợp bón nhiều phân hữu cơ, nhất là phân hữu cơ vi sinh cho cây.

Nếu phát hiện trái non và cây Sầu riêng kém phát triển, anh Hiền cung cấp thêm phân DAP và phân bón có chứa canxi để cây phát triển tốt. Trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày, anh Hiền bón 1 lần phân NPK 12-12-17 hoặc 12-11-18 giúp trái đạt chất lượng ngon. Anh Hiền cho biết thêm, trong giai đoạn nuôi trái, nhà vườn lưu ý phòng-trừ sâu-bệnh trên cây và trái, nhất là bệnh úng trái và sâu ăn trái.

Không chỉ xử lý thành công để vườn sầu riêng của gia đình cho trái nghịch vụ, anh Hiền chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhiều hộ gia đình xử lý thành công cho cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Ngọc Lãm

Đài Truyền thanh Chợ Lách

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc