Tự chế cây bao trái-một sáng kiến của nông dân

Trong thời gian gần đây, sâu đục trái bưởi là loại sâu hại khá phổ biến trên các vườn bưởi da xanh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và phẩm chất trái. Một trong những biện pháp hiệu quả trong phòng trừ sâu đục trái bưởi là biện pháp bao trái. Tuy nhiên, đối với những trái nằm trên cao, những trái phía ngoài mương thì khó khăn để bao. Vì thế, anh Đỗ Quốc Hùng, một nông dân ở ấp Phú Hội, xã Phú Đức đã nghĩ ra việc chế tạo cây bao trái để giúp nông dân dễ dàng hơn trong công việc bao trái và giảm được chi phí.
 
    cay

 

cay                                              Anh Quốc Hùng sử dụng cây bao trái.

Cây bao trái được anh Hùng cải tiến từ dụng cụ bao trái vú sữa của nông dân Tiền Giang cho phù hợp với việc bao trái bưởi. Việc tự chế tạo cây bao trái rất đơn giản, chỉ dùng các vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền, khoảng 20 ngàn đồng có thể làm được.

* Các vật liệu cần thiết để làm cây bao trái:

- Cây Trúc dùng làm cán sào có đường kính khoảng 2 cm, độ dài tùy theo chiều cao cây bưởi trong vườn.

- Dây kẽm loại lớn (cỡ dây căng ăngten) dùng làm vòng vợt và cần kéo để rút dây miệng túi.

- Vỏ viết bíc cũ.

- Băng keo vải.

- Keo nhám (phụ kiện đồ may) để cố định miệng túi.

- Một miếng nhựa cứng khoảng 2cm x 15cm dùng làm miếng chận dây miệng túi.

 * Cách làm:

- Bẻ vòng khung hình tròn có đường kính khoảng 28-30cm (tương đương với miệng bao trái).

- Dùng miếng nhựa cứng (2cm x 15cm), uốn thành chữ L (hơ qua ngọn lửa cho mềm dễ uốn). Phía cạnh ngắn chữ L xẻ một rãnh nhỏ vừa với chỉ rút miệng bao.

- Dùng vỏ viết bíc cũ, cắt đoạn khoảng 5cm (số đoạn nhiều hay ít tùy thuộc vào cây sào dài hay ngắn).

- Keo nhám cắt thành đoạn khoảng 1cm, kết dính vào 3 điểm của vòng khung, phần nhám đưa ra phía ngoài của vòng khung (có tác dụng để giữ miệng bao túi).

- Dùng dây kẽm (cỡ kẽm làm vòng khung) được uốn thẳng để làm cần kéo lúc bao trái, chiều dài tương đương với cán sào. Đầu trên, phía khung vợt được bẻ thành một cái móc ngang 90 độ (dùng để móc vào dây miệng túi bao khi rút). Sau đó, luồn sợi kẽm vào các đoạn viết bíc, tiếp theo đầu dưới sợi kẽm được uốn thành vòng tròn để tạo điểm tựa dễ dàng lúc rút dây bao trái.

- Dùng băng keo vải để cố định vòng khung và miếng nhựa cứng có xẻ rãnh vào đầu sào (chú ý phần có xẻ rãnh nằm ngang với khung kẽm và hướng phần rãnh được hướng ra ngoài).

- Cố định các đoạn vỏ viết bíc khoảng cách đều nhau vào cán sào bằng băng keo vải, như thế ta có cây sào hoàn chỉnh.

*Cách bao:

- Tra miệng bao trái vào khung kẽm được giữ lại bởi 3 miếng keo nhám.

- Tra dây rút miệng túi vào rãnh miếng nhựa cứng, để miếng cao su giữ miệng túi phía trên miếng nhựa và phần dây còn lại được tra vào móc kẽm cần kéo.

- Khi bao cho trái bưởi vào bao trái đã chuẩn bị như trên, chỉ cần rút cần kéo dây, miệng bao sẽ rút chặt vào cuống trái bưởi và dây được giữ lại bởi miếng cao su có sẵn trên bao. Sau đó, hạ cây cây sào xuống và tiếp tục các thao tác như trên để bao các trái khác.

Qua việc anh Quốc Hùng tự chế ra cây bao trái nói trên, sử dụng bao trái bưởi với chi phí thấp, phù hợp với túi tiền của nông dân và bao trái nhanh, giảm được công lao động. Trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả cây bao trái, anh Quốc Hùng đã phổ biến cho nhiều người cùng áp dụng, thông qua các cuộc họp sinh hoạt câu lạc bộ nông dân trong xã và hiện nay được nhiều nông dân ứng dụng rộng rãi.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc