2006 năm khởi sắc hoạt động hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đã góp phần đáng kể vào việc tiếp thu các tri thức mới của thế giới, tăng cường tiềm lực KH&CN, nâng cao trình độ nghiên cứu, hiện đại hoá trang thiết bị nghiên cứu, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và đặc biệt là góp phần giải quyết các vấn đề KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Kết quả nổi bật nhất là năm 2006, sở KH&CN đã và đang trực tiếp tiếp nhận hoặc tư vấn và thu hút các hoạt động tài trợ của 03 tổ chức quốc tế, gồm: Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (gọi tắt là GEF SGP) thuộc Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác phát triển nông nghiệp quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do tổ chức ACDI/VOCA làm đại diện và Bộ Nông nghiệp-Thủy sản Quenland Australia và dự án Successalliance cùng tài trợ. Các lĩnh vực tài trợ chủ yếu về biến đổi khí hậu, suy thoái đất, khắc phục và giảm nhẹ thiên tai, nâng cao năng lực và trang thiết bị phục vụ sản xuất. Trong đó, các hoạt động chính đã được triển khai: nâng cao nhận thức, đào tạo, xây dựng mô hình sản xuất hợp lý, đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động sản xuất và nhân đạo. Tổng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức này gần 2,766 tỉ đồng, với hình thức đầu tư không hoàn lại cho các hoạt động tài trợ của dự án và có nguồn kinh phí đối ứng của địa phương.

Trong năm, đã có 04 dự án hợp tác quốc tế về KH&CN đã và đang được triển khai: Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (gọi tắt là GEF SGP) thuộc Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ 02 dự án: ”Dự án: Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho địa phương trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện công ước Khung của Liên hợp quốc và Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu”, thời gian thực hiện dự án là 18 tháng từ quí I năm 2005 đến quí II năm 2007, với nội dung chính là tập huấn cho các đối tượng là cán bộ các cấp, ngành, tổ chức quần chúng nâng cao năng lực về việc thích ứng với biến đổi khí hậu và đề xuất chiến lược hành động cũng như các mô hình kỹ thuật lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, do Trung tâm Khoa học công nghệ Khí tượng thủy văn và Môi trường Quốc gia làm cơ quan điều phối dự án. Và ”dự án: Xây dựng mô hình quản lý, sử dụng tài nguyên nước và đất bền vững nhằm thích ứng và giảm thiểu sự xâm nhập mặn, góp phần phát triển nông - thủy sản ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre”, thời gian thực hiện 30 tháng từ tháng 04/2007-10/2009, các hoạt động chính: xây mô hình canh tác tổng hợp thích ứng với biến đổi xâm nhập mặn, mô hình cung cấp nước sạch và quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước và đất bền vững có sự tham gia của cộng đồng, do Hội Nông dân huyện Ba Tri làm tổ chức điều hành dự án. Tổ chức Hợp tác phát triển nông nghiệp quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do tổ chức ACDI/VOCA làm đại diện tài trợ "Dự án: Nâng cao năng lực, hệ thống và thực tiễn để quản lý hiệu quả các hoạt động chế biến sau thu hoạch và chất lượng hạt ca cao”, thời gian thực hiện dự án từ tháng 01-12/2006, do sở KH&CN tỉnh Bến Tre thực hiện, các nội dung chủ yếu: xây dựng quy chế kiểm tra, đánh giá và quản lý chất lượng hạt ca cao theo tiêu chuẩn; Đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm chất lượng hạt ca cao và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất lượng hạt ca cao. Bộ Nông nghiệp - Thủy sản Quenland Australia và dự án Successalliance nói trên cùng tài trợ ”Dự án: Chuyển giao công nghệ sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời”, do Viện nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học thuộc Đại học cần Thơ làm đầu mối, thời gian thực hiện từ tháng 10-11/2006, chủ yếu là lắp đặt thiết bị sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã tư vấn và thu hút hơn 750 triệu đồng từ sự hỗ trợ của UNDP tài trợ cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre khắc phục hậu quả cơn bão số 9 vừa qua.

Có thể nói, năm 2006 là năm khởi sắc của hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực KH&CN của tỉnh. Hiệu quả của hoạt động này mang lại không những nâng cao nhận thức và chất lượng đời sống xã hội của cán bộ quản lý và của cộng đồng mà còn tạo lập và xây dựng tiềm lực KH&CN nội sinh tiên tiến, vững chắc. Thông qua việc tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, cán bộ các cấp đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quí báu, đặc biệt là các phương pháp lựa chọn, xây dựng kế hoạch và quản lý công tác nghiên cứu, quản lý công việc theo khối lượng, quản lý nguồn lực tài chính,...

Để tiếp tục tăng cuờng và mở rộng hợp hơn nữa tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN ngày càng có hiệu quả hơn, ngành KH&CN cần xây dựng và thiết lập các chương trình, dự án hoặc nhóm dự án cụ thể nhằm mời gọi và thu hút các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Trước tiên, trong năm 2007, cần tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác từ nguồn lực của dự án GAMBAS và SAREC. Chúng ta hy vọng rằng, trong xu thế hội nhập, các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN sẽ ngày càng được đẩy mạnh và từng bước thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022