“Lúa sạch” đầy tiềm năng và phát triển

“Lúa sạch” là loại lúa phát triển tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng một ít phân bón, chế phẩm vi sinh, góp phần làm cho lúa có chất bổ dưỡng mang tính an toàn. Đây là hàng nông sản rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước hiện nay. Mô hình lúa sạch đang phát triển mạnh ở 2 huyện (Thạnh Phú và Bình Đại) theo các hình thức: 2 vụ lúa xen canh 1 vụ tôm; 1 vụ lúa luân canh 1 vụ tôm và 2 vụ lúa luân canh 1 vụ tôm.


 
lsMô hình trồng “lúa sạch” ở xã Giao Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: H.Vũ

Hiện nay, phong trào trồng “lúa sạch” ở huyện Thạnh Phú đang phát triển mạnh tại Thị trấn và các xã: Mỹ An, Bình Thạnh, An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong.

Năm 2009 vừa qua, toàn huyện có 5.030 ha lúa xen tôm, năng suất đạt từ 4 đến 5 tấn/ha, tạo bước đột phá trong nghề trồng lúa nước ở huyện Thạnh Phú. Tại xã An Nhơn, 3 năm qua mô hình “lúa sạch” phát triển với diện tích khoảng 1.000ha, không ít hộ thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Nhiều nông dân trồng lúa ở huyện Thạnh Phú cho biết: “lúa sạch” là lúa không sử dụng thuốc trừ sâu (kết hợp nuôi tôm); còn “lúa thường” là lúa sử dụng thuốc trừ sâu. Mô hình trồng “lúa sạch” đã vượt rạch Eo Lói đến xã Giao Thạnh. Ô. Trần Văn Thượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Thạnh cho biết: mô hình trồng “lúa sạch” phát triển mạnh ở xã Giao Thạnh từ 3 năm qua với 305 ha lúa xen tôm. Năng suất đạt từ 4 đến 4,5 tấn/ha. Hộ ông Huỳnh Văn Được ở ấp Giao Hòa B, trồng 4,5 ha lúa xen tôm, đạt 4,5 tấn/ha, ông phấn khởi: “Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm ở xã Giao Thạnh có nguồn gốc từ xã Mỹ Hưng. Ở đây trồng lúa trên ruộng, xung quanh ruộng đào ao nuôi tôm càng xanh hoặc tôm sú, vì thế không thể sử dụng thuốc trừ sâu. Một công ruộng chỉ rải 1kg phân trắng (phân Urea), sử dụng chế phẩm vi sinh, đồng thời giúp lúa mau tăng trưởng. Năm qua, sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 80 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền bán lúa”.

Hiện nay, kỹ thuật trồng lúa kết hợp nuôi tôm ở xã Giao Thạnh được phổ biến rộng khắp trong các hộ trồng lúa. Ô. Lê Văn Phong ở ấp Giao Hòa B, bộc bạch kinh nghiệm: “Quả đúng là trồng lúa kết hợp nuôi tôm làm cho lúa trúng nhiều hơn so với trồng lúa chuyên canh. Sau khi kết thúc vụ tôm, bùn dưới ao được bơm lên mặt ruộng, phơi nắng cho đến khi khô trắng, nức nẻ. Mặt ruộng cần xẻ 1 rãnh sâu khoảng 4 tấc, rộng 6 tấc để thoát phèn trong ruộng. Trong bùn đất đáy ao có vi sinh vật, rong tảo cho tôm, tôm ăn thức ăn thảy phân ra lắng dưới đáy ao. Lớp bùn này sau khi phơi nắng, gặp mưa xuống trở thành lớp đất đầy dinh dưỡng mang tính bền vững cho cây lúa”

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, không chỉ đến xã Giao Thạnh mà còn lan rộng đến xã Thạnh Phong (khu vực biên giới biển), có 10 hộ tham gia với 30ha, năng suất đạt 22 giạ/công. Ô. Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Thạnh An, không dấu được niềm vui từ mô hình con tôm ôm cây lúa: “Nhờ kết hợp nuôi tôm mà năm qua tôi thu hoạch 660 giạ lúa sạch, bán được khoảng 65 triệu đồng. Để có được kết quả như vậy là do trên trồng lúa, dưới nuôi tôm, xiết nước, xả phèn, chất hữu cơ trong đáy ao nuôi tôm được phơi khô, sâu rầy được diệt bằng chế phẩm vi sinh. Tôi rất thích trồng các giống lúa: Nàng Keo Chùm, Ba Đuôn, Nàng Keo Rằng, Một Bụi Đỏ, Nàng Trá…vì những giống lúa này rất dẽo và thơm”.

Ô. Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch UBND huyện phấn khởi trước mô hình sản xuất “lúa sạch” theo hướng bền vững: “Huyện đang từng bước, bố trí thời vụ canh tác lúa kết hợp nuôi tôm phù hợp cho từng tiểu vùng. Xây dựng quy trình canh tác lúa-tôm, tổ chức tập huấn cho nông dân. Định hướng sản xuất lúa theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng và theo tiêu chuẩn GAP. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nông sản giá trị cao”.

Không chỉ Thạnh Phú có “lúa sạch” mà huyện Bình Đại cũng đang phát triển “lúa sạch” trong 3 năm qua. Ô. Trần Văn Bảy, ở xã Định Trung, tâm sự: “Trước kia, ở đây nhà nào cũng chạy gạo để ăn Tết do nuôi tôm công nghiệp bị thất bại. Còn bây giờ, nhà nào cũng chọn cách vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm càng xanh, vừa nuôi cua biển, vừa nuôi cá… lợi cả đôi bề. Lúa sạch, tôm sạch, cua sạch mà cá cũng sạch. Nhờ mô hình này mà năm qua lúa tôi đạt gần 4,5 tấn/ha”. Hiện nay, mô hình “lúa sạch” đang phát triển mạnh đến xã Thạnh Phước, sản lượng đạt từ 4 đến gần 5 tấn/ha.

Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Đại, cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT cải tạo các công trình thủy lợi, đánh giá nồng độ mặn, chiều sâu xâm nhập mặn để có kế hoạch thích ứng kịp thời, giúp nông dân phát triển mô hình “lúa sạch” theo hướng bền vững, kết hợp công tác bảo vệ môi trường.

Thanh Hiền

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022