Dự án khí sinh học tỉnh Bến tre: Nếu được quan tâm…!

Nghề nuôi bò đã trở thành nguồn thu nhập kinh tế không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Ba Tri. Ngoài việc cung cấp con giống trong và ngoài tỉnh, thì nguồn thu khác không kém phần quan trọng để nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi bò, đó là nguồn thu từ bán phân. Chính vì vậy mà trên tất cả các tuyến giao thông từ tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã… đều thấy từng bao phân bò chất thành đống chuẩn bị chuyển đi tiêu thụ. Những bao phân bò này được xuất phát từ tất cả các hộ chăn nuôi bò, tận dụng những khoảng trống trong gia đình để phơi và gom góp lại. Từng nhà phơi phân bò, trong điều kiện dân cư đông đúc tại huyện Ba tri đã làm ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Chính quyền và các ngành chức năng của địa phương đã nhiều năm bức xúc vấn đề này, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết.   

Năm 2008 khi Dự án Khí sinh học trong ngành chăn nuôi của tỉnh chưa được triển khai đến huyện Ba Tri, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên-Môi trường tuyên truyền, vận động người dân xử lý môi trường chăn nuôi bằng công nghệ biogas lắp đặt ống cống đúc sẵn. Đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình cho 30 hộ chăn nuôi tại 6 xã trong huyện. Mức hỗ trợ 2,85 triệu đồng/công trình, số kinh phí được trích từ nguồn quĩ bảo vệ môi trường của huyện. Đây là những mô hình làm tiền đề xử lý môi trường để người dân làm theo. Chính vì vậy, từ việc đổ ống bê-tông chứa nước mưa, đã trở thành nghề xây dựng hệ thống biogas đem lại thu nhập của một số thợ xây trong huyện. 

Năm 2009 khi dự án khí sinh học được triển khai vào huyện Ba Tri, với công nghệ xây dựng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia, khắc phục những nhược điểm của biogas ống cống đúc sẵn. UBND huyện đã giao cho phòng Tài nguyên-Môi trường chủ động tham gia thực hiện với những việc làm thiết thực như: Gắn kết với Văn phòng Dự án khí sinh học của tỉnh, huyện để thực hiện xây dựng công trình khí sinh học theo thiết kế mà dự án khuyến cáo. Trên cơ sở kỹ thuật viên, thợ xây được dự án đào tạo tổ chức thực hiện xây dựng các công trình khí sinh học trên địa bàn. Ngoài ra còn phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức hội thảo, trao đổi, tuyên truyền, tham quan và vận động người dân đầu tư xây dựng công trình biogas. Qua đó đã xây dựng 28 mô hình biogas cho 4 xã nuôi bò nhiều, hỗ trợ hơn 2,2 triệu đồng/công trình.

Xúc tiến, phối hợp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho người dân vay vốn với lãi xuất ưu đãi để xây dựng công trình Biogas.                                                 

Có được sự quan tâm của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tại huyện Ba Tri nên chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 04 đến hết tháng 11 năm 2009, Dự án khí sinh học đã xây dựng được 170 công trình khí sinh học trên địa bàn. Đây là huyện có số lượng công trình xây dựng cao nhất tỉnh, vượt gấp 3,4 lần so với chỉ tiêu kế họach mà UBND tỉnh giao ban đầu. Trong đó, xã Phước Tuy đã thực hiện xây dựng nhiều nhất là 50 công trình.

Dự án Khí sinh học đã chuyển trên 200 triệu đồng để trợ giá cho người dân xây dựng công trình khí sinh học, đồng thời xây dựng 2 mô hình sử dụng khí chạy máy phát điện tại huyện với mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/mô hình. Đến cuối năm 2009 toàn huyện đã xóa xã trắng về công trình khí sinh học, đây là một bước quan trọng làm cơ sở cho năm 2010 số lượng công trình khí sinh học được xây dựng trong huyện sẽ tăng cao.

Dự kiến năm 2010, Văn phòng Dự án khí sinh học trình UBND tỉnh ra quyết định phân bổ về huyện Ba Tri với số lượng 250 công trình trong tổng số 800 công trình khí sinh học mà Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ cho tỉnh Bến Tre. Với số lượng này, nếu được sự quan tâm của chính quyền các cấp như năm 2009, khả năng huyện Ba Tri sẽ hoàn thành trước thời gian.

Với kết quả thực hiện dự án khí sinh học năm 2009 mà huyện Ba Tri đã đạt được, cũng là mô hình cho huyện khác, đó là được chính quyền các cấp quan tâm, nếu mô hình của huyện Ba Tri nhân rộng, chắc chắn sẽ không bao lâu, tỉnh ta có thể xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Thực hiện tiêu chí mà Dự án Chương trình Khí sinh học Trung ương đạt ra: “Năng lượng sạch-Môi trường sạch-Sản phẩm sạch”.  

 Đỗ Đức Khơ (Văn phòng Dự án KSH tỉnh Bến Tre)

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022