Phân sinh học từ trùn quế

Nếu sử dụng phân bón này để thay thế phân hóa học thì sẽ cho ra sản phẩm an toàn với năng suất cao.

Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, cho biết chế phẩm phân bón lá hữu cơ của trung tâm vừa được Bộ NN-PTNT cho phép đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh từ tháng 6-2010.

Đây là sản phẩm được nghiên cứu, chiết xuất từ dung dịch thủy phân thịt trùn quế tươi, do trung tâm thực hiện theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT TPHCM về “Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn năm 2010”.

Dinh dưỡng rất cao

Trùn quế được nuôi nhiều tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM) và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... có thành phần vi lượng cao (B: 200 ppm, Ca: 120 ppm, Fe: 100 ppm, Mg: 120 ppm, Zn: 200 ppm...) và chứa nhiều acid amine nên được ứng dụng làm thức ăn cho tôm, cá, gia súc, gia cầm, thậm chí còn được tách đạm để sản xuất nước mắm.

Từ thực tế trên, trung tâm quyết định chọn trùn quế tươi nguyên con đưa vào nồi thủy phân với dung dịch enzym, thủy phân để tạo ra thành phần dinh dưỡng dễ tiêu.

Theo tiến sĩ Dương Hoa Xô, với nguồn nguyên liệu phong phú, giá thành rẻ (khoảng 30.000 đồng/kg trùn quế tươi), phương pháp sản xuất đơn giản nên việc sử dụng phân bón này trên đồng ruộng sẽ mang lại hiệu quả cao, bảo vệ được môi trường và sức khỏe người tiêu dùng không bị ảnh hưởng như khi sử dụng phân bón hóa học. Nếu sử dụng để thay thế phân hóa học thì sẽ cho ra sản phẩm an toàn, không bị nhiễm các chất độc hại.

Đó chính là ưu thế thấy rõ, chưa kể công dụng cũng vượt trội khi cần kích thích cây đâm lộc, nảy chồi mới, phát triển bộ lá; thích hợp cả cho các loại rau củ, cây kiểng, cây ăn trái. Đối với hoa kiểng, loại phân này sẽ giúp nuôi dưỡng hoa đẹp, lâu tàn.

Kiểm chứng tại đồng ruộng

Hơn một năm qua, phân bón sinh học từ trùn quế đã được Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM thử nghiệm thực tế tại nhiều vùng trồng rau của TPHCM. Tại các hộ trồng rau ở tổ 50, khu phố 5, phường Hiệp Thành-quận 12, khi ứng dụng loại phân bón này đối với rau cải xanh đã cho năng suất hơn 58 tấn/ha, trước đó năng suất chỉ khoảng 20 tấn/ha nông dân lãi từ 25 triệu-51 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Đối với đậu côve thì cho lãi gần 120 triệu đồng/ha (chi phí phân bón lá là 80 triệu đồng).

Ngoài ra, loại chế phẩm này còn giúp cải xanh và đậu côve sinh trưởng khỏe, ra lá nhanh, tăng trưởng về kích thước lá và quả, màu sắc xanh tươi, quả căng bóng và chắc.

55.000 đồng - 60.000 đồng/lít

Sản phẩm phân bón lá sinh học từ chế phẩm trùn quế vừa được Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM sản xuất, đóng gói và bán ra thị trường giá từ 55.000 đồng - 60.000 đồng/lít, rẻ hơn đến 50% so với giá thành phân bón lá sinh học nhập ngoại.

Trung tâm cũng vừa kết hợp với Trạm Khuyến nông xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM, tổ chức hội thảo “đầu bờ” cho 40 hộ chuyên sản xuất rau. Những hộ dân này được hướng dẫn phương pháp trồng rau an toàn và thực hành tại mô hình thử nghiệm. Trung tâm cũng đang triển khai tiếp một số mô hình thử nghiệm sử dụng phân bón này trên cây bắp và lúa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022