Phòng trừ bọ cắt lá hại xoài trong mùa mưa

Trong mùa mưa, xoài ra đọt non rất nhiều, đây cũng là nguồn thức ăn cho các đối tượng sâu bệnh hại. Trong đó, bọ cắt lá là côn trùng khá phổ biến. Hiện nay, trên các vườn xoài giai đoạn đọt non đang xuất hiện bọ cắt lá gây hại nặng.

   

xoai
Triệu chứng bọ cắt lá gây hại đọt.    

 

xoai

Lá bị bọ trưởng thành cắt rơi quanh gốc.


Bọ cắt lá có tên khoa học là Deporaus marginatus thuộc Bộ cánh cứng Coleoptera, họ Bọ đầu dài Curculionnidae. Trưởng thành bọ cắt lá là một loài cánh cứng, con cái cơ thể dài khoảng 5mm có màu nâu vàng, nhiều lông, miệng kéo dài như một cái vòi. Râu đầu màu đen. Con đực nhỏ hơn con cái, vòi ngắn hơn, cánh cứng màu nâu, viền cánh màu đen. Cả con đực và con cái ở phần đầu và ngực đều có màu đỏ cam. Trứng hình bầu dục dài 0,5mm, màu trắng sữa đến vàng nhạt, được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, dưới lớp biểu bì gần gân lá. Sâu non màu xanh đen, không chân, đẩy sức dài khoảng 5-6mm. Nhộng màu nâu, dài 5mm.

Trưởng thành đẻ trứng rải rác dọc theo gân lá non, trên một lá có từ 10-20 trứng. Sau khi đẻ xong bọ trưởng thành cắn đứt lá ngay phía trên các vị trí đẻ trứng, phần lá bị cắt mang theo trứng rơi xuống đất. Sâu non sau khi nở đục từ gân chính ra mép lá, ăn phần mô lá (lá đã rụng xuống đất) và chừa lại một lớp màng mỏng phía trên lá. Sâu đẩy sức hóa nhộng trong đất.

Trứng nở trong vòng 2-3 ngày, ấu trùng có 3 tuổi sống trong đường hầm trên lá trong vòng 7-8 ngày, nhộng 9-11 ngày. Bọ trưởng thành có thể sống và đẻ trứng kéo dài hàng tháng.

Triệu chứng nhận biết là đọt non xoài bị cắt đứt ngang, vết cắt rất sắc giống như lấy kéo cắt, phần lá cắt rơi xuống đất và để lại phần cuống lá trên cây rất điển hình để nhận biết. Bọ cắt lá trưởng thành gây hại trên đọt non, làm lá bị đứt ngang, cành non có thể bị trụi lá, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Bọ cắt lá xuất hiện quanh năm, mật độ cao vào giai đoạn xoài ra đọt non.

* Biện pháp phòng trừ

- Thu gom và tiêu hủy các lá non bị cắn đứt rơi xuống đất để tiêu diệt trứng và ấu trùng nằm trong lá.

- Những vườn bị hại nặng nên cày xới đất ngay tán cây bị hại để diệt nhộng.

- Phun thuốc khi thấy bọ trưởng thành xuất hiện trong vườn. Sử dụng thuốc gốc Cúc tổng hợp như Sherpa, Decis, Cyperan… phun ở giai đoạn lá lụa màu đỏ.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ