Phòng trừ côn trùng gây hại cây Na “Hoàng hậu”

Na “Hoàng hậu” là tên gọi của giống Mãng cầu Ta (mãng cầu dai) mới, có nguồn gốc từ Thái Lan, thuộc họ Na, có ưu điểm trái lớn (trọng lượng có thể trên 1kg/trái), ít hạt, hương vị ngon, nên được thị trường rất ưa chuộng, giá thu mua cao gấp 3 lần giống Na nội địa. Cây trồng từ 16-18 tháng tuổi đã bắt đầu cho trái, nếu chăm sóc tốt cây có thể ra hoa, ra trái quanh năm. Đây là loại cây trồng ít kén đất, có tính thích nghi tốt, chịu được hạn nhưng không chịu úng. Mặc dù Na “Hoàng hậu” ít sâu bệnh, nhưng cũng có một số dịch hại phổ biến, đáng quan tâm nhất là sâu đục trái, câu cấu xanh và rệp sáp.

 
Sâu đục trái là loài dịch hại rất phổ biến trên mãng cầu nói chung và Na “Hoàng hậu” nói riêng. Có nhiều loài sâu đục trái nhưng phổ biến trên mãng cầu Ta là loài Anonaepestis Bengalella Ragonot thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Sâu có thể tấn công gần hết số trái trên cây. Trưởng thành sâu đục trái là một loài bướm màu nâu xám. Cánh trước có màu xanh ánh kim loại. Bướm hoạt động về đêm, bay vào đèn. Ấu trùng màu đen, dài khoảng 20-22mm. Nhộng lúc đầu có màu vàng nâu, sau dần chuyển màu nâu đen, thời gian nhộng kéo dài 8-10 ngày. Bướm đẻ trứng trên các vết nứt của trái ngay khi trái còn rất nhỏ. Ấu trùng mới nở khi trái còn xanh, cạp trên vỏ trái và đục thành đường hầm phía trong vỏ. Khi sâu lớn và trái đã già, sâu đục vào bên trong phần thịt trái, đôi khi ăn cả hạt. Nông dân rất dễ nhận biết vì những trái bị sâu tấn công, thường có nhiều phân màu đen, kết dính lại, chúng làm nhộng trong một cái kén bằng tơ ngay bên ngoài trái. Sâu có thể phá hại một phần hoặc cả trái. Trên một trái có thể có nhiều con sâu tấn công. Quản lý sâu đục trái nên áp dụng biện pháp bao trái rất hiệu quả. Thăm vườn thường xuyên nhất là giai đoạn ra trái non, phát hiện triệu chứng trên trái có những vệt đen nhỏ và phân của sâu thải ra ngoài vỏ trái thì nên loại bỏ những trái bị sâu và phun thuốc phòng trừ. Sử dụng nhóm thuốc sinh học như: Dipel 6.4WG, Vineem 1500 EC, chế phẩm Nấm xanh,…. Chỉ phun thuốc những cây bị nhiễm, không phun tràn lan hết vườn để bảo vệ nguồn thiên địch.

 

    
Ngoài sâu đục trái, Na “Hoàng hậu” thường bị rệp sáp phấn gây hại. Rệp sáp phấn Planococcus lilacinus thuộc họ Pseudococcidae, bộ Homoptera. Trưởng thành cái  mầu vàng, phủ đầy chất  sáp trắng như phấn.  Rệp cái có khả năng đẻ rất sai. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non như đọt non, hoa và trái non. Rệp thường sống tập trung mật số cao trên các chùm trái trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm đọt non bị thui chột, hoa và trái non dễ rụng hoặc bị chai không phát triển, phẩm chất trái bị giảm. Ngoài ra, mật ngọt do rệp tiết ra còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái,… làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây, cây còi cọc, kém phát triển. Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn.

 

 
- Dùng máy bơm nước có áp suất cao, tia nước mạnh xoáy vào những chổ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp.
- Trong điều kiện tự nhiên rệp sáp có nhiều thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh thuộc giống Anagyrus và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa,…
- Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây.
- Phải thường xuyên kiểm tra vườn nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để kịp thời phát hiện rệp sáp khi mật số còn thấp, chưa phát tán rộng dễ xử lý. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Dầu khoáng SK Enspray 99EC, Movento 150OD, AnBoom 40EC,… Lưu ý: vì rệp sáp có lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỹ hoặc có thể pha thêm chất bám dính sẽ đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh, câu cấu xanh cũng thường gây hại trên Na Hoàng hậu. Câu cấu xanh có tên khoa học là Hypomeces  squamosus,  thuộc họ Curculionidae, bộ Coleoptera. Thành trùng là một loại bọ cánh cứng hình bầu dục dài khoảng 10-14mm, màu xanh vàng phủ đầy những vẩy ánh kim óng ánh rất đẹp. Ấu trùng thuộc dạng sùng, màu trắng ngà, mình hơi cong, không có chân ngực và chân bụng, đầu màu nâu,đẩy sức dài khỏang 15-20mm, sống trong đất. Trứng hình bầu dục, dài khoảng 1mm, màu trắng ngà. Nhộng trần, màu trắng ngà, có mầm vòi rõ rệt.

 

 

 

 Trưởng thành câu cấu xanh

Bọ trưởng thành ban ngày ẩn trong lùm cây rậm rạp, hoạt động vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày có nắng ẩn dưới đất, ít bay, bò chậm chạp, thấy động thì lẫn trốn hoặc giả chết rơi xuống đất. Trưởng thành đẻ trứng rãi rác trên mặt đất quanh gốc cây. Sâu non sống trong đất ăn chất hữu cơ mục nát hoặc rễ cây. Giai đoạn ấu trùng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Trưởng thành có khả năng ăn lá cao, chúng ăn trụi cả lá làm đọt non còi cọc, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, cây kém phát triển. Khi cây có hoa, chúng ăn cả hoa mới nhú, chúng phát triển nhiều ở vùng đất thường xuyên khô hạn. Do ban ngày sâu ẩn nấp nên thường chỉ thấy triệu chứng cây bị hại mà không thấy sâu. Câu cấu xanh thuộc nhóm ăn tạp, ngoài mãng cầu chúng còn  tấn công nhiều lọai cây trồng khác.

* Biện pháp phòng trừ :
- Do đặc tính của trưởng thành là khi bị động sẽ buông mình xuống đất, nên vào buổi tối ra vườn rung nhẹ cây hoặc dùng que quơ mạnh trên tán trưởng thành rơi xuống, thu gom và tiêu hủy hoặc có thể bắt bằng tay.
- Vệ sinh vườn cho thông thoáng.
- Quản lý nước trong vườn hợp lý, tránh để khô hạn thời gian dài.
- Khi câu cấu xanh phát triển nhiều có thể sử dụng thuốc trừ sâu phun khi cây na vừa ra đọt non hoặc mới nhú hoa. Có thể sử dụng một số thuốc trừ sâu gốc Cúc tổng hợp, phun lúc chiều mát.
Chú ý: Khi sử dụng thuốc giai đoạn mang trái nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật