Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Thực hiện Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sản phẩm tôm là một trong 13 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, Bến Tre xác định thủy sản là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển, tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh.

 

Ứng dụng công nghệ cao phát triển


Năm 2023 xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD, tôm chân trắng chiếm 74.2%, tôm sú chiếm 13,6%. Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh 36.314 ha chiếm khoảng 76%, trong đó: diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh thả xoay vòng là 12.814 ha (tôm sú gần 500 ha và tôm thẻ chân trắng 12.314 ha), còn lại là diện tích nuôi tôm lúa, nuôi quảng canh, xen rừng khoảng 23.500 ha. Sản lượng tôm nước lợ đạt 96.621 tấn. Bên cạnh đó, tôm nước lợ được phát triển tại các khu vực ngoài đê tại huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam với diện tích không nhiều với loại hình nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 90 ha, sản lượng đạt 1.080 tấn.

 

Năng suất nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh ngày được nâng cao như tôm chân trắng đạt 12-15 tấn/ha, tôm sú 6-8 tấn/ha; quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt 250 kg/ha. Ước tính giá trị ngành tôm nước lợ của tỉnh 6.321 tỷ/11.931 tỷ đồng chiếm 53% so với tổng giá trị mang lại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

 

Việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân từng lúc được nâng cao, không ngừng tìm kiếm, tư duy sáng tạo, đổi mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhiều mô hình nuôi tôm mới được áp dụng: nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, nuôi tôm trong ao lót bạt, nuôi có lưới che, nuôi trong nhà kính…, đặc biệt là mô hình nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đạt 3.110 ha (Ba Tri 380 ha, Bình Đại 1.551 ha, Thạnh Phú 1.179 ha), năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm UDCNC đạt 49.072 tấn chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Ưu điểm của mô hình này là cách ly được dịch bệnh giai đoạn đầu, quản lý chặt chẽ yếu tố thủy lý, thủy hóa, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

 

Chất lượng môi trường nuôi được kiểm soát


Năm 2023, các cơ quan chuyên môn đã cấp xác nhận đăng ký nuôi thủy sản chủ lực cho 651 cơ sở nuôi tôm, diện tích 1.468,296 ha, chiếm 10% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của tỉnh.

 

Bến Tre có 4 cơ sở sản xuất giống có công suất đạt từ 2-4 tỷ giống/năm/trại và 58 cơ sở ương dưỡng giống tôm sú quy mô nhỏ đều được kiểm tra sản xuất, góp phần cung ứng tôm giống cho địa phương và khu vực lân cận. Tỉnh có 15 doanh nghiệp sản xuất thức ăn sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và hơn 668 đại lý kinh doanh thuốc thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản phân bố trên địa bàn 4 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Giồng Trôm. Có 01 nhà máy sản xuất thức ăn tôm công suất thiết kế ước tính 249.600 tấn/năm góp phần đáp ứng nguồn cung tại chỗ cho nghề nuôi tôm nước lợ.

 

Tỉnh đã đầu tư lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động để giám sát 12 thông số môi trường nước, các thông số này được cập nhật liên tục 15 phút/lần về diễn biến môi trường vùng nuôi thủy sản nước lợ. Công tác quan trắc về mầm bệnh nguy hiểm ngoài môi trường như đốm trắng, AHPND, IHHNV và EHP tại các vùng nuôi tập trung được duy trì thường xuyên, liên tục nhằm cảnh báo kịp thời và phòng tránh tránh dịch bệnh rất hiệu quả. Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận BAP, ASC với diện tích 136 ha đối với nuôi tôm thâm canh, UDCNC và kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

 

Đầu tư hạ tầng dần hoàn thiện


Bến Tre đang triển khai 03 dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại; Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển UDCNC huyện Bình Đại; Dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm UDCNC huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng. Đối với dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.

 

Về hạ tầng điện phục vụ cho hoạt động nuôi UDCNC đang tiếp tục hoàn chỉnh, các khu nuôi UDCNC quy mô lớn do các doanh nghiệp chủ động đầu tư. Đối với các vùng nuôi tôm quy mô tập trung, các sở ngành có liên quan đã đề xuất đến Cục điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng các trạm biến áp 110KV trên địa bàn 03 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú  Dự kiến triển khai vào năm 2025.

 

Đến tháng 12/2023, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 448 tỷ đồng, trong đó cho vay đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có tổng doanh số cho vay trong năm đạt 146 tỷ đồng.

 

Vai trò của khoa học và công nghệ


Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài tôm bản địa và có giá trị ở các thủy vực tỉnh Bến Tre. Đã xác định khu hệ tôm Bến Tre từ cửa sông ven biển đến vùng lộng, gồm: 68 loài, 22 giống, 11 họ và 2 bộ; đã giải mã và công bố toàn bộ hệ gen ty thể Tôm càng xanh và chỉ ra một số khác biệt trong di truyền, các sai khác trong nucleotide giữa gen COI, 16S, hệ ty thể Tôm càng xanh của Bến Tre và tôm càng xanh các khu vực khác.

 

Thực hiện thành công các mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Thạnh Phú; chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 60 nông dân và cán bộ tại 3 xã Mỹ An, Thới Thạnh và Mỹ Hưng; xây dựng 03 quy trình nuôi tương ứng với 03 mô hình thử nghiệm: quy trình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, quy trình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, quy trình nuôi tôm càng xanh bán thâm canh. Xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cua biển trong ao đất theo hình thức nuôi đơn và nuôi ghép với tôm sú.

 

Xây dựng được 5 quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ tôm thẻ chân trắng là sản xuất tôm khô ăn liền, tôm khô xẻ bướm, chà bông tôm, snack tôm, bột gia vị tôm đạt tiêu chuẩn  TCVN 10734:2015, TCVN 6175-1:2017; TCVN 7396:2004; TCVN 5932 – 1995; chỉ tiêu vi sinh theo QĐ 46/2007/BYT và QCVN 8-3:2011/BYT; kết quả đã góp phần tích cực trong việc xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm tỉnh Bến Tre và đã đào tạo chuyển giao công nghệ cho công ty TNHH QT Hải sản xanh.

 

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị có liên quan đang triển khai ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre, để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900 hecta vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000 hecta theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm từ tôm: chả tôm, tôm viên bó xôi, và chạo tôm của tỉnh có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng bảo quản ổn định thông qua việc kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quy trình chế biến, lựa chọn được phương thức bao gói và bảo quản phù hợp. Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng (Chanos chanos) kết hợp với tôm sú (Penaeus monodon) trong ao đất tại tỉnh Bến Tre với các chỉ tiêu: môi trường nước ổn định; tôm đạt tỷ lệ sống >60%; sản lượng tôm đạt khoảng 5,4 tấn (mật độ nuôi 15-20 con/m2); xây dựng chứng nhận sản phẩm OCOP cho chả tôm sú đạt tiêu chuẩn 3 sao.Nghiên cứu xây dựng quy trình  xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre với công suất 500m3/ngày và khả năng tái sử dụng lại trên 70% lượng nước thải.

 

Mục tiêu năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 36.000 ha, trong đó: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 12.500 ha (tôm sú 500 ha, tôm thẻ chân trắng 8.390 ha, nuôi tôm theo hướng UDCNC 3.610 ha); nuôi quảng canh cải tiến, tôm rừng đạt: 23.500 ha; sản lượng tôm nước lợ đạt: 114.200 tấn; nhu cầu tôm giống ước đạt: 16 tỷ con giống.

 

Với kết quả đã và đang thực hiện, các Sở ngành và các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre tích cực góp phần định hình sản phẩm tôm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, tiến tới hình thành sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 và tạo lập Thương hiệu quốc gia theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 Phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi
• Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản