Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen

Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre nói chung, huyện Mỏ Cày Bắc nói riêng. Dừa là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho nhiều nhà máy công nghiệp chế biến tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như dầu dừa, sữa dừa, kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ... được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu mang lại nhiều ngoại tệ, dừa là nguồn kinh tế quan trọng của người dân. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2020 trên địa bàn xã Phú Long, huyện Bình Đại xuất hiện đối tượng mới gây hại trên dừa có tên là sâu đầu đen (Opisina arenosella), diện tích bị nhiễm là 2,4 ha, sau đó sâu đầu đen xuất hiện ở xã Bình Phú thành Phố Bến Tre. Ở huyện Mỏ Cày Bắc, sâu đầu đen xuất hiện đầu tiên vào tháng 7 năm 2020, tại ấp Tân Mỹ xã Tân Bình với diện tích khoảng 2 ha, sau đó sâu đầu đen tiếp tục gây hại và lây lan các xã: Thành An, Tân Thành Bình, Phước Mỹ Trung, Tân Thanh Tây, Khánh Thạnh Tân.

 

 

 

 

 

Qua xem xét quá trình phát triển và mức độ gây hại của sâu đầu đen, bước đầu, các cơ quan chuyên môn đã tìm ra một số phương pháp quản lý tạm thời như: cắt tỉa tàu bị nhiễm sâu đầu đen đem tiêu hủy, phun thuốc bảo vệ thực vật dập dịch, sau đó thả ong ký sinh đã mang lại kết quả khả quan. Đến tháng 6 năm 2022, huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 120 ha nhiễm sâu đầu đen; diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 503,24 ha. Vì vậy, việc tiếp tục tăng cường chuyển giao các biện pháp quản lý sâu đầu đen và chăm sóc để vườn dừa nhanh phục hồi luôn là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên của ngành nông nghiệp.

 

Để chăm sóc, bảo vệ diện tích được phục hồi và hạn chế tái nhiễm thì cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tổng hợp được khuyến cáo như: cắt và tiêu hủy tàu lá bị nhiễm, phun thuốc bảo vệ thực vật, thả ong ký sinh, điều chỉnh lượng phân bón và các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Mặc dù, ngành chức năng đã có khuyến cáo hướng dẫn các biện pháp để quản lý đối tượng này. Tuy nhiên, việc quản lý và phòng trừ sâu đầu đen còn gặp nhiều khó khăn do đa số nông dân còn hạn chế trong việc ứng dụng các biện pháp phòng trị được chuyển giao, còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực nhanh, độc cao làm ảnh hưởng đến thiên địch trên các vườn dừa và có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. 

 

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre xây dựng mô hình “Phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Bến Tre” thực hiện tại 02 huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc. Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, mô hình được thực hiện tại xã Thành An, có 10 hộ dân tham gia với diện tích 5ha, phải đảm bảo các chỉ tiêu: Số tàu lá mới đạt bình quân 12 tàu lá/năm; Tỷ lệ cây phục hồi đậu trái trên 70%; Năng suất tăng 15 - 25% so với đối chứng; Thời gian phục hồi năng suất vườn dừa là 24 tháng; Có 10 hộ tham gia nuôi ong ký sinh để quản lý sâu đầu đen.

 

Sau khi khảo sát và chọn địa điểm thực hiện mô hình, các ngành chức năng tiến hành tập huấn để hỗ trợ kỹ thuật về các biện pháp phòng trị, chống tái nhiễm sâu đầu đen gây hại dừa trên dừa; các biện pháp quản lý sâu, bệnh khác trên dừa trong điều kiện quản lý sâu đầu đen bằng ong ký sinh trên dừa; cách sử dụng phân bón, chất cải tạo đất và chăm sóc vườn dừa hợp lý để dừa phục hồi sinh trưởng, phát triển sau khi bị sâu đầu đen gây hại,… cho 32 hộ dân trong và ngoài vùng thực hiện mô hình. Thực hiện kiểm tra thăm vườn định kỳ hàng tháng. Thực hiên các quy trình kỹ thuật: sử dụng vôi để khử chua đất nâng pH đất > 5-6; thả ong ký sinh,… Khi thực hiện đánh giá về kết quả thực hiện của mô hình. Ngành chức năng nhận định, trong năm 2023 theo dõi khả năng phục hồi sinh trưởng vườn dừa mô hình tốc độ ra lá mới trung bình đạt 13-15 tàu lá, số trái trung bình đạt 50 - 55 trái/cây/năm cao hơn 1- 4 lá /cây, số trái tương đương đến cao hơn 5-10 trái/cây so với dự kiến.  

 

Dịch sâu đầu đen và các loại sâu ăn lá khác cơ bản được chặn đứng, từ giữa năm 2023 đến nay hầu như không còn xuất hiện trên các vườn dừa của mô hình. Điều này cho thấy các loài ong ký sinh thả ra môi trường để kiểm soát sâu đầu đen có tập tính đa ký chủ góp phần giảm thiểu mật số của nhiều loài sâu hại trong vườn dừa trên địa bàn. Riêng đối tượng bọ cánh cứng có xuất hiện rải rác trở lại vào thời điểm cuối năm 2023. Mô hình có khả năng nhân rộng cao do được xây dựng trong vùng sản xuất dừa tập trung của xã, với kết quả tốt về sự phục hồi sau khi bị sâu đầu đen gây hại thể hiện qua tốc độ ra lá mới và sự ra hoa, đậu trái trở lại gần tương đương trước khi dịch hại xảy ra.

 

Từ thực tiễn này sẽ làm cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân trong tỉnh các biện pháp phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen để dừa phục hồi sinh trưởng, phát triển sau khi bị sâu đầu đen gây hại, cách nhân nuôi ong ký sinh,.... Đây là biện pháp mang tính bền vững, vừa bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng trái dừa, tăng năng suất, phù hợp với việc thực hiện canh tác dừa hữu cơ tại Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển du lịch địa phương
• Bến Tre: Những thành tựu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2025-2030
• Một số giải pháp nuôi rắn ri voi
• Giải pháp nâng cao giá trị nghêu thương phẩm Bến Tre
• Công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
• Công nghệ y tế
• Thạnh Phú có hơn 1.300 ha nuôi tôm công nghệ cao
• Công nghệ giáo dục-Edtech
• Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh