Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh

Trồng dừa hữu cơ là giải pháp đưa các sản phẩm từ dừa vươn ra thị trường nước ngoài, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Bến Tre nói chung và đối với phát triển ngành dừa nói riêng.

 

Qua đó tỉnh đã đề ra các giải pháp xây dựng vùng sản xuất dừa, cụ thể như tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng vùng sản xuất, xây dựng mô hình điểm về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị.

 

Diện tích trồng dừa hữu cơ ngày càng phát triển.

 

Bên cạnh đó tập trung thực hiện các cuộc tư vấn kỹ thuật, thực hành ủ phân hữu cơ và mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác dừa, xử lý sâu đầu đen hại dừa, kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, kỹ thuật thâm canh dừa uống nước trên địa bàn các huyện. Ngoài ra, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ tại các xã. Song song đó xây dựng thí điểm các vùng sản xuất dừa tập trung, đặc biệt các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả khá tích cực, cụ thể xây dựng thí điểm 1 mô hình “Hội Nông dân xã, chi hội trưởng nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.

 

Bên cạnh đó để mở rộng quy mô vườn dừa hữu cơ và lộ trình thực hiện  được đồng bộ, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 và kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU. Theo đó, tỉnh xác định quy mô và lộ trình cụ thể để thực hiện xây dựng vùng sản xuất dừa đến năm 2025 xây dựng vùng sản xuất đạt diện tích 20.000 ha dừa hữu cơ. Đồng thời vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã có thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Trong năm qua, Bến Tre phát triển thêm các Hợp tác xã tham gia vào xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa, quy mô sản xuất dừa có thực hiện liên kết tăng đáng kể.

 

Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh đã phát triển thêm 921,2 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 18.121,2 ha, chiếm 23% diện tích dừa toàn tỉnh. Trong đó, có 12.882,7 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và các doanh nghiệp dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, các sự kiện kết nối trong và ngoài tỉnh, các hội nghị giao thương quốc tế. Đồng thời, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ Bến Tre tìm giải pháp tiêu thụ trái dừa và các sản phẩm từ dừa. Cụ thể, thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Trung Quốc sớm cho phép trái dừa Việt Nam được vào danh sách được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đáng mừng nhất là thị trường Mỹ đã cho phép Việt Nam xuất khẩu trái dừa tươi vào thị trường này từ tháng 04 năm 2023, hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

 

Song song đó tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 nhằm kêu gọi hỗ trợ và tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên môn hóa cao, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác liên kết sản xuất chuỗi giá trị, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu địa phương gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vận hành website và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại.

 

Ngoài ra để hỗ trợ cho bà con nông dân trồng dừa, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, hằng năm từ nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm,... nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng của cây dừa Bến Tre, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi
• Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản