Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh

Doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh, sinh năm 1982, quê ở xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vừa đạt danh hiệu cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân tài sắc Việt Nam 2023. Đây là cuộc thi sắc đẹp dành cho các nữ doanh nhân lãnh đạo, giữ vị trí điều hành doanh nghiệp ở độ tuổi từ 20 đến 59. Tại huyện Thạnh Phú, Phan Thị Mỹ Linh được biết đến là nữ doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh thức ăn thủy sản và nuôi tôm công nghệ cao.

 

Ba vụ nuôi liên tiếp của năm 2023 đều thành công, lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng. 

 

Những ngày cuối của năm 2023, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp đến trang trại nuôi tôm công nghệ cao thuộc ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải và gặp gỡ doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh. Với gương mặt sáng, nụ cười hiền, vẻ ngoài tươi tắn và tràn đầy năng lượng, nữ doanh doanh kể về cơ duyên đến với nghề nuôi tôm công nghệ cao cũng như hành trình chinh phục cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Tài sắc Việt Nam 2023.

 

Nuôi tôm và kinh doanh thức ăn thủy sản là nghề xưa nay của gia đình, do vậy sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phan Thị Mỹ Linh đã chọn theo học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ và tốt nghiệp vào năm 2002. Sau 1 năm, ở độ tuổi đôi mươi đầy năng lượng và hoài bão, chị bước vào nghề nuôi tôm, bởi khi ấy, nhận thấy mô hình nuôi tôm của bà con, đặc biệt là khách hàng của mình ngày càng khó khăn, thua lỗ do dịch bệnh, nên Mỹ Linh muốn tự mình nuôi để tìm hiểu nhằm giúp bà con cải thiện kinh tế, phần khác cũng dễ thu hồi nợ nếu khách hàng nuôi thành công. Ban đầu, chị nuôi tôm thẻ ao đất, đến ao lót bạt bờ, nuôi tôm công nghiệp rồi chuyển hẳn sang nuôi tôm công nghệ cao từ năm 2018 cho đến nay.

 

Nói về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nữ doanh nhân cho biết, nuôi tôm công nghệ cao gặp những khó khăn như: vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi diện tích nuôi cũng lớn, về con giống, thức ăn, xử lý nước... mọi thứ đều phải thực hiện bài bản theo một quy trình nhất định chứ không theo cách truyền thống xưa giờ là cấp nước vô là nuôi. Do vậy, bản thân phải tiên phong, đi đầu, làm có hiệu quả để cho bà con học theo. Khó khăn nữa là nuôi tôm công nghệ cao có chi phí đầu vào rất là cao, nhưng có thời điểm giá tôm xuống thấp (như năm 2023 này) cho nên người nuôi phải hướng về tiêu chuẩn, chứng chỉ để xuất khẩu nước ngoài mới có giá tốt, cải thiện đồng lãi, đồng lời bù đắp vốn đầu tư và kích thích vụ đầu tư tiếp theo...

 

Từ 2-3 ha nuôi ban đầu, đến nay doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh có 5 khu nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 45ha ở 2 xã Thạnh Hải (42ha) và An Điền (3ha). Năm 2022, với 25 ha nuôi, sản lượng tôm thu được 450 tấn, thời điểm này do còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải giảm diện tích nuôi. Riêng năm 2023, sản lượng thu được 900 tấn với 3 vụ nuôi liền kề trong năm đều thành công. Lợi nhuận thu về trong năm hơn 40 tỷ đồng.

 

Là một trong những thương lái gắn bó nhiều năm liền với trang trại nuôi tôm của doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh, ông Nguyễn Văn Kìa, ngụ ấp 5, xã An Nhơn, đánh giá cao chất lượng tôm của trang trại nuôi. Vụ này, ông Kìa thu khoảng 200 tấn tôm oxy của trang trại Mỹ Linh đi Hà Nội, tôm đạt kích cỡ 24 đến 25 con/kg. Theo ông, tôm chắc, khỏe mới đi được đường dài, vì khoảng 36 giờ mới ra tới Hà Nội.

Trong quá trình nuôi, doanh nhân Mỹ Linh đặc biệt quan tâm đến việc nuôi tôm cỡ lớn, xây dựng khu nuôi đạt tiêu chuẩn BAT, ASC đáp ứng thị trường xuất - nhập khẩu. Nữ doanh nhân cho biết: hiện tại, nuôi tôm cỡ lớn rất cần thiết trong quá trình nuôi tôm công nghệ cao, vừa giúp giảm chi phí, vừa tăng được sản lượng và giá bán. Cỡ tôm lớn nhất các trang trại nuôi đã thực hiện được là 19 con/kg, riêng vụ vừa thu hoạch đạt kích cỡ 24 - 25 con/kg. Để nuôi tôm cỡ lớn đòi hỏi người nuôi phải thực hiện bài bản quy trình nuôi, đặc biệt là khâu xử lý nước (lấy vào ao lắng rồi xử lý nhanh vào hệ thống sẵn sàng, xử lý kỹ trước khi cấp vào ao nuôi...). Quy trình nuôi được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có thể 3 hoặc 4 giai đoạn; tiến hành san thưa khi tôm lớn...

 

Cũng theo nữ doanh nhân, là phụ nữ, quá trình nuôi tôm công nghệ cao gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Dẫu vậy, chị vẫn đương đầu với công việc này để tự khẳng định mình, dù phải chịu nắng, chịu khó, tuân thủ các quy trình nuôi khắc khe... Không chỉ “cánh mày râu”, phụ nữ vẫn có thể làm tốt và thành công với nghề nuôi tôm, ngay cả nuôi tôm với mật độ cao.

 

Trở lại hành trình chinh phục ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân tài sắc Việt Nam 2023, Mỹ Linh được đánh giá là một trong những nhân tố bản lĩnh, nỗ lực và từng bước thay đổi mình một cách vượt trội trong suốt cuộc thi. Đăng quang danh hiệu hoa hậu là phần thưởng xứng đáng cho nữ doanh nhân đến từ huyện biển phù sa Thạnh Phú - vùng đất với nhiều tiềm năng cho sự đột phá phát triển về hướng Đông của tỉnh. Doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh cho biết thêm, được đăng quang hoa hậu Doanh nhân tài sắc Việt Nam 2023 là niềm vinh dự, hạnh phúc vì bản thân đã góp phần lan tỏa sức mạnh, lan tỏa sự yêu thương, lòng nhiệt huyết của người phụ nữ, vượt lên chính mình để làm những công việc nặng nhọc không chỉ đàn ông mới làm được”.

 

“Tài-Sắc” từ doanh nhân Phan Thị Mỹ Linh sẽ là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ cho nhiều chị em phụ nữ học tập, phấn đấu theo. Từ lòng đam mê và nhiệt huyết với ngành nuôi tôm công nghệ cao, nữ doanh nhân đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó huyện Thạnh Phú là 1.500ha. Bên cạnh, hàng năm doanh nhân Mỹ Linh còn tích cực đóng góp kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội của địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi
• Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản