Những biểu hiện của suy thoái đất vườn cây ăn trái và giải pháp hạn chế

Thực tế hiện nay nhiều vườn cây ăn trái đang kỳ xử lý ra hoa, đậu trái thì bị cháy lá, xì mủ, thối rễ và sau mùa thu hoạch trở nên cằn cỗi, trơ cành và nguy cơ bỏ vụ rất cao. Theo nhận định của các nhà khoa học thì đó là những biểu hiện của hiện tượng suy thoái đất, sự thoái hóa đất kèm theo sự khai thác quá mức và liên tục làm cây không kịp phục hồi là những nguyên nhân chính làm cho một cây trồng rơi vào trạng thái suy kiệt, dần mất đi sức sống và chết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Để có cơ sở quản lý, khắc phục cần tìm hiểu một số biểu hiện của suy thoái đất vườn cây ăn trái như sau:

1. Những biểu hiện suy thoái đất vườn cây ăn trái
- Biểu hiện suy thoái đối với đất trồng.
+ Lớp đất mặt bị rửa trôi, bị đóng váng. Lớp đất mặt liếp là lớp đất tốt nhất chứa nhiều chất hữu cơ và dưỡng chất để cung cấp cho cây trồng. Do đó, nếu không được bảo vệ thì chúng sẽ bị rữa trôi đi lâu dần liếp vườn ngày càng thấp và đất trở nên kém màu mỡ, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài ra, đóng váng cũng là một dạng suy thoái, chúng làm kết dính các hạt mịn của bề mặt đất, hạn chế sự di chuyển của nước và không khí. Váng được tạo nên bởi sự phá vỡ những đơn vị cấu trúc, bởi nước chảy, giọt mưa. Đóng váng đất thường chỉ là điều kiện tạm thời, làm giảm thấm nước, tăng chảy tràn. Nếu váng được thành lập, những hạt đất riêng lẻ lấp đầy những lổ hỏng gần bề mặt, ngăn cản sự thấm nước làm cho cây trồng bị thiếu nước nghiêm trọng trong mùa nắng, cây dễ bị cháy lá, khô cành và cuối cùng giảm năng suất.

Với điều kiện mưa nhiều và tưới không đúng cách làm cho lớp đất mặt bị rửa trôi, trực di sét làm lớp mặt bị lèn, nén dẽ đối với vườn không được cỏ che phủ là những nguyên nhân làm cho đất suy thoái.

 Biểu hiện suy thoái đất vườn cây chôm chôm.

+ Đất bị nén dẽ. Nén dẽ cũng là một dạng suy thoái đất, chúng phá huỷ cấu trúc đất, thay đổi sự sắp xếp tế khổng làm độ xốp và tính thấm giảm, lực cản đất gia tăng. Nén dẽ đất làm chậm thấm nước nước có thể đưa đến sự chảy tràn và xói mòn, làm chậm khuếch tán khí gây tăng nồng độ CO2 trong không khí của đất và tăng dần sự úng nước. Nén dẽ lớp đất dưới là dạng ẩn của suy thoái đất, điều đó có thể ảnh hưởng nhiều đến đất vườn có thể gây ra thiếu đạm do làm tăng sự mất NO3- vào khí quyển. Nén dẽ có thể dẫn đến cây stress khô hạn, cằn cỗi do ảnh hưởng bất lợi cho hô hấp rễ, dẫn đến cây trồng kém phát triển. Ngược lại do thiếu khí nên vi sinh vật có hại trong đất ngày càng nhiều gây ra nhiều bệnh ở hệ thống rễ.

Nguyên nhân chính là do thiếu chất hữu cơ, vì chất hữu cơ giúp cải thiện cấu trúc của đất, làm đất tơi xốp có nhiều lỗ rỗng nên thông thoáng hơn, giúp sự di chuyển và giữ nước trong đất dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc thiếu nước tưới, khô hạn cũng làm thành phần cơ giới của đất giảm mạnh, dần mất đi khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây suy thoái đất.

Như vậy, trên những chân đất bị nén dẽ làm suy giảm sự phát triển hệ thống rễ, rễ hoạt động rất yếu kém và chết nhiều do đất không thông thoáng, thiếu oxy, bệnh hại rễ nhiều, biểu hiện rõ nhất là hiện tượng cháy lá, khô cành trong thời kỳ ra hoa đậu trái, cây suy kiệt sau mùa thu hoạch.

+ pH đất thấp. Khi pH đất có xu hướng giảm dần và dưới ngưỡng thích hợp của cây trồng cũng là một biểu hiện suy thoái đất. pH đất có ảnh hưởng lớn đến mức độ hấp thu dinh dưỡng của hệ thống rễ, khi pH đất chua đến rất chua (từ 4-5) khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng (NPK) rất thấp nên mức lãng phí phân bón từ 50-70%. Bên cạnh đó, pH thấp cũng ảnh hưởng xấu đến nhóm vi sinh vật có ích và tạo điều kiện phát triển vi sinh vật có hại. Ngoài ra, khi pH thấp sẽ sinh ra một số  Fe, Al ở trạng thái di động và trở thành chất độc cho cây còn làm kết tủa phốt pho làm cho cây thiếu lân, gây ra hiện tượng thiếu N và một số dưỡng chất vi lượng như Zn, Mn nằm trong ngưỡng thiếu không đủ cung cấp cho cây trồng làm cho cây trồng luôn thiếu dưỡng chất cần thiết, làm cho rễ bị bó và chùn lại không phát triển.

Nguyên nhân chính dẫn đến pH đất chua là do sử dụng nhiều phân hóa học nhất là N thuộc nhóm amon nên xảy ra quá trình oxy hóa chuyển thành đạm nitrat làm tăng độ chua đất, cũng như sử dụng nhiều K làm cho đất dôi dư gốc Clor, gốc sunphat gây đất chua, super lân cũng làm chua đất vì trong phân super lân thường có 5% acid tự nhiên cùng với lượng acid dùng cho sản xuất phân lân cũng làm cho môi trường đất bị chua thêm; tưới nước quá nhiều đã cuốn đi các chất dinh dưỡng hòa tan như: Ca, Mg, K… và cây trồng cũng sử dụng khá nhiều chất kiềm nên đất cũng trở nên chua. Ngoài ra, sự phân giải chất hữu cơ thải ra trong đất nhiều loại axit Cacbonic (H2CO3), axit Sunfuric (H2SO4), axit Nitric (HNO3) axit Axetic (CH3COOH)… nên làm chua đất, bên cạnh đó quá trình hô hấp của rễ thải ra nhiều khí cacbonic hình thành axit trong đất nên canh tác lâu năm đất cũng trở nên chua. Và mưa nhiều, thường xuyên cũng là nguyên nhân gây chua đất vì làm rữa trôi chất kiềm còn làm hòa tan khí cacbonic tạo axit. Do đó, khi đất bị chua, khoáng sét trong đất bị phá hủy, mất dần cấu trúc, trở nên rời rạc, mềm nhão khi gặp nước và kết dính đóng váng khi khô, đất trở nên bí chặt, kém thông thoáng. Nếu để tình trạng suy thoái kéo dài, đất trở nên bạc màu, sức sản xuất kém, năng suất và chất lượng của cây trồng giảm.

+ Vi sinh vật có hại trong đất gia tăng. Vi sinh vật đất là một trong những thành phần quan trọng tạo nên sức sống của đất trồng. Trong đất có đồng thời nhóm vi sinh vật có ích và vi sinh vật có hại, chúng sống và hoạt động theo phương thức với điều kiện khác nhau. Nhóm có ích sống chủ yếu bằng hình thức phân giải các xác bả động thực vật với điều kiện đất thoáng và không quá chua, còn nhóm có hại sống chủ yếu bằng hình thức ký sinh với điều kiện đất chua và cả môi trong yếm khí. Như vậy trong điều kiện đất tốt, quần thể vi sinh vật có ích đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy xác bã hữu cơ, tham gia vào các phản ứng sinh hóa trong đất, làm tăng độ phì nhiêu đất và cải thiện các tính chất vật lý đất.

Vườn có tuổi liếp cao cũng là nguyên nhân làm cho mật số vi sinh vật có ích giảm thấp. Ngoài các điều kiện bất lợi như độ chặt cao, pH thấp, thì sự nghèo kiệt chất hữu cơ là yếu tố làm giảm sự phát triển vi sinh vật có ích, làm cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng bị giới hạn, điều này dẫn đến năng suất kém. Do đó, khi đất bị nén dẽ, chua, nghèo chất hữu cơ là điều kiện thuận lợi làm gia tăng mật số vi sinh vật có hại; việc sử dụng hóa chất trong xử lý ra hoa cũng như sử dụng nhiều sản phẩm hóa học nên quần thể vi sinh vật trong đất thay đổi. Nhiều loài vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt, hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng, nên đất bị ô nhiễm các nguồn bệnh trong đất như tuyến trùng, nấm, vi khuẩn các loại làm cho chất lượng đất bị ảnh hưởng xấu, đất mất khả năng sản xuất, nguy cơ dịch bệnh cho cây trồng ngày càng nhiều.

 Biểu hiện suy thoái đất vườn cây sầu riêng.

- Biểu hiện suy thoái đất đối với cây trồng
+ Hệ thống rễ phát triển kém. Rễ cây là một cơ quan sinh dưỡng của thực vật thường nằm dưới mặt đất, thực hiện các chức năng chính như bám giữ cây vào lòng đất, hút nước, hấp thu dinh dưỡng và hô hấp. Ngoài ra rễ cây còn là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng, là cơ quan sinh sản sinh dưỡng của thực vật. Rễ cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp cytokinin, một dạng hoóc môn tăng trưởng của thực vật, một trong các nhu cầu để phát triển các chồi và cành cây. Do đó, khi đất bị suy thoái thì rễ là cơ quan chính đầu tiên của cây trồng bị ảnh hưởng, chúng phát triển kém do đất bị nén dẽ, thiếu oxy làm hạn chế đến khả năng hô hấp, hấp thu dinh dưỡng nên cây trồng cũng sinh trưởng và phát triển kém hơn.
 
+ Hiện tượng vàng lá, cháy lá. Lá cây là bộ phận quan trọng thứ hai sau rễ cây và có mối quan hệ chặt chẽ với rễ cây, lá có chức năng quang hợp, dự trữ chất dinh dưỡng, nước, thoát hơi nước, tham gia vào quá trình hút nước và khoáng của rễ cây nên có vai trò quan trọng trong đời sống sinh lý của cây. Lá cây còn là cơ quan chủ yếu biến năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học. Do đó, khi đất suy thoái ảnh hưởng đến hoạt động của rễ thì biểu hiện rõ nhất được thể hiện qua lá của cây trồng. Lá cây sẽ nhỏ hơn, cơi lá non dễ bị cháy lá, lá già thường hay vàng và rụng, cây còi cọc sinh trưởng kém.

+ Cây trồng bị nhiễm bệnh. Cây trồng luôn có sức đề kháng cao với sâu bệnh hại trong điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển. Cho nên, khi đất bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống rễ, cây sinh trưởng kém, sức đề kháng yếu và suy thoái đất cũng là môi trường sống của vi sinh vật có hại nên cây trồng thường hay nhiễm bệnh, nhất là các bệnh thối rễ, xì mủ thân…

+ Năng suất, chất lượng trái cây giảm. Năng suất cao, chất lượng nông sản tốt là điều mong muốn của người sản xuất vì chúng quyết định đến giá trị sản xuất, hiệu quả đầu tư. Muốn cây trồng có năng suất, chất lượng đòi hỏi sự đáp ứng đồng bộ của nhiều yếu tố từ đất, cây trồng, thời tiết và mức độ đầu tư thâm canh đúng cách. Khi đất bị suy thoái cây trồng có quan hệ tỉ lệ nghịch với năng suất, chất lượng nông sản, đất suy thoái ngày một nhiều thì năng suất, chất lượng ngày càng giảm đi.

 Giữ cỏ vườn cây sầu riêng.

2. Những giải pháp hạn chế
- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ.
- Việc sử dụng phân hóa học cần hợp lý, cân đối và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
- Thường xuyên giữ cỏ trên mô, liếp.
-  Khắc phục hiện tượng giảm độ pH đất bằng cách bón vôi.
-  Bổ sung thường xuyên vi sinh vật có ích.
-  Hạn chế sử dụng hóa chất trong canh tác.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật