Kỹ thuật canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm huyện Thạnh Phú
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý KHI CANH TÁC LÚA TRÊN ĐẤT NUÔI TÔM:
- Đất canh tác bị nhiễm mặn theo mùa, bắt đầu từ cuối tháng 12 đến tháng 7 năm sau với độ mặn biến động từ 2-10‰. Tùy thuộc vào lượng mưa hàng năm mà thời gian nhiễm mặn và độ mặn sẽ khác nhau ở từng vùng. Nước ngọt phù hợp để lúa phát triển trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 đến tháng 12.
- Tầng canh tác tích lũy nhiều chất hữu cơ sau mỗi đợt nuôi tôm (do thức ăn dư, xác bã thực vật...). Các chất này khi khoáng hóa sẽ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho lúa, nhất là giai đoạn 20 ngày đầu sau sạ.
- Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).
- Sản xuất lúa có giá thành thấp (do giảm được các khoảng chi phí: không cần cày xới, giảm lượng phân bón và hạn chế đến không sử dụng thuốc BVTV,...).
- Có thể kết hợp trồng lúa với nuôi tôm cá trong ruộng và trồng một số loại cây màu ngắn ngày trong mùa mưa trên bờ bao để tăng thêm thu nhập.
- Đây là mô hình sản xuất bền vững ở vùng lúa-tôm.
II. KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA TRÊN ĐẤT NUÔI TÔM
1 .Thời vụ gieo sạ
- Lúc gieo sạ độ mặn nước phải thấp hơn 0.05‰ và tránh thời điểm triều cường.
- Quản lý giai đoạn lúa trổ vào chắc không gặp mưa và cũng không bị xâm nhập mặn.
- Theo dõi thông tin của BVTV địa phương để xuống giống né rầy.
Khuyến cáo lịch thời vụ như sau:
- Đối với giống thời gian sinh trưởng 120 ngày: gieo sạ từ 1/8-30/8 dương lịch.
- Các giống lúa mùa có thể gieo mạ trên đất giồng từ 1/7-30/7 dương lịch.
- Đối với giống lúa thời gian sinh trưởng tương đương 100 ngày: gieo sạ từ 1/8-10/9 dương lịch.
2. Chọn giống
Những vùng có lượng mưa hàng năm ít, nước mặn xâm nhập sớm nên chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây ít đỗ ngã, độ chắc hạt cao, chịu phèn mặn khá: OM 6162, OM 5451, OM 9921, OM 6976, OM 4900, OM 7347…
3. Chuẩn bị đất
- Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm cần điều chỉnh cống cho nước ra vào thường xuyên trên ruộng nhiều lần, dùng nước mưa, nước ngọt trên sông đẻ rửa mặn.
-Dọn sạch rong tảo trên ruộng, cỏ dại xung quanh bờ, phơi khô mặt ruộng.
- Đất không cày xới hoặc điều kiện thuận lợi có thể tiến hành xới một lượt hay cuốc lật đất mặt nhằm tạo độ thông thoáng cho đất và diệt cỏ lông heo để hạt lúa dễ bám rễ vào đất.
- Bón lót phân lân cải tại đất, giải độc phèn giúp lúa phát triển tốt ngay từ thời kỳ đầu.
4. Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống
- Lúa giống ngâm trong nước sạch từ 36-48 giờ (quan sát thấy mầm lúa có màu trắng đục hơi u lên ở mép hạt thì vớt ra rữa sạch hết mùi chua) trước khi đem ủ.
- Để ủ giống tôt nhất là dùng bao bố, nếu sử dụng bao nilon phải chọn loại bao có chỉ dệt thưa dễ thoát nước. Lượng lúa giống đổ vào khoảng ¾ bao. Sau đó cột bao sát phần miệng để chừa trống ¼ bao (không cột chặt sát mặt lúa).
- Bao lúa giống khi ủ nên đặt nằm, phủ lên một lớp rơm hay đệm ẩm và ủ trong 24 giờ. Sau đó kiểm tra nhiệt độ (đặt tay vào giữa bao hạt giống có cảm giác ấm là thích hợp, nếu có cảm giác nóng phải làm giảm nhiệt, bằng cách tưới xả nước sạch vào bao giống cho đến nước chảy ra dưới đáy bao nguội thì dừng lại). Sau đó, trãi lúa giống ra chỗ khô mát với bề đáy lớp lúa khoảng 2 tấc (dưới lót lưới, trên mặt đậy bằng bao hay đệm ẩm), tiếp tục ủ thêm từ 12-24 giờ nữa.
- Kiểm tra trước khi gieo sạ: nếu sạ lan cần ủ đến khi rễ mầm mọc dài khoảng 2-3mm, sạ hàng cần rễ mầm ngắn khoảng 1-2mm.
- Để hạt giống nảy mầm tốt, khuyến cáo một số kỹ thuật xử lý giống như sau:
* Xử lý hạt giống với dung dịch nước muối 15%: có tác dụng loại bỏ một số mầm bệnh trên vỏ trấu và các hạt lép lửng, hạt cỏ lẫn trong giống.
Cách làm:
- Lúa được ngâm bình thường với nước sạch trong 24 giờ rồi vớt ra.
- Pha dung dịch nước muối 15% (15kg muối pha trong 100 lít nước), khoấy đều cho tan hết muối.
- Lượng nước muối cần pha sao cho đủ ngập lượng hạt giống cần dùng khoảng 20 cm để dễ vớt loại bỏ các hạt lép lửng và hạt cỏ (để ngâm 100kg giống cần pha 100 lít dung dịch nước muối).
- Tiếp tục ngâm lúa giống trong dung dịch nước muối từ 10-15 phút, sau đó vớt lúa giống đen rửa lại với nước sạch nhiều lần cho hết muối rồi mới đem ủ (như hướng dẫn ở phần trên).
*Xử lý hạt giống với dung dịch axit nitric loãng (HNO3): để phá miên trạng hạt.
- Cách làm: pha dung dịch axit (lượng axit sử dụng theo hưỡng dẫn ghi trên bao bì): trước tiên cho nước sạch vào lu hoặc bể chứa, sau đó mới đổ axit vào (chú ý: không được làm ngược lại), dùng que khuấy đều dung dịch (để ngâm 100 kg lúa giống cần pha 100 lít dung dịch axit đã pha loãng).
- Sau đó đổ lúa giống (khô) vào, vớt bỏ hạt cỏ và hạt lép lửng nổi trên bề mặt rồi tiếp tục ngâm hạt giống từ 24-36 giờ (khoảng 3-4 giờ, dùng que khuấy đảo đều hạt giống 1 lần), sau đó vớt ra dùng nước sạch xả hết mùi chua, để ráo rồi đem ủ 36-48 giờ. Kiểm tra trước khi gieo sạ như hướng dẫn trên.
5. Mật độ gieo sạ:
- Sạ thưa hợp lý cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn sạ dày, lúa dể chăm sóc, ít sâu bệnh.
- Lúa mùa: 40-50 kg/ha.
- Lúa trung vụ: 60-80 kg/ ha
- Lúa ngắn ngày: 80-100kg/ha.
6. Điều chỉnh nước:
- Trước khi sạ 1 ngày nên tháo khô nước, Sau khi sạ nếu thấy có khả năng mưa to, nên đưa nước vào ruộng ngập hạt lúa khoảng 2-3 cm để hạt giống không bị vùi trong lớp bùn trên mặt ruộng. Khi trời nắng tốt trở lại thì tiếp tục tháo khô nước ruộng giúp lúa mọc đều.
- Sau khi lúa đã mọc đều (5 ngày sau khi sạ), cho nước vào và giữ mực nước trên ruộng ở mức 2-3cm.
- Sau khi sạ 30 ngày, giữ mực nước sâu khoảng 7-10cm so với mặt ruộng. Đối với những ruộng có nuôi cá có thể nâng lên khoảng 15cm nhưng không ngập tai lá cuối cùng vì sẽ làm cho cây lúa bị suy yếu và đẻ nhánh kém.
- Khi cây lúa nảy chồi giao tán (cuối kỳ đẻ nhánh) rút cạn nước ruộng 3-5 ngày để các khí độc trong đất (NH3, H2S, CH4,...) được thoát ra giúp tăng khả năng hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất, đồng thời kích thích rễ ăn sâu vào đất hấp thu nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã về sau. Sau đó cho nước vào để bón phân nuôi đòng.
7. Bón phân
- Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cấy lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, lớp bùn hữu cơ sẽ được cây lúa hấp thu hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai,thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.
- Bón lót: là lần bón quan trọng giúp cho phân hủy nhanh chất hữu cơ dưới đáy ao tạo nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa trong giai đoạn đầu, nên bón một trong các loại phân có tác dụng cải tạo đất như phân lân, lân-vôi để rửa phèn, giải độc và nâng cao độ phì cho đất. Bón khoảng 200-300kg vôi cho mỗi ha vào thời điểm trước khi sạ từ 15-20 ngày.
- Bón thúc: là lần bón chủ yếu, để điều chỉnh độ đồng điều và gia tăng số chồi hữu hiệu. Cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK để giúp cho cây lúa phát triển khỏe và tăng cường tính chống chịu với các điều kiên bất lợi.
Bón thúc 1 (5-10 ngày sau khi sạ): 100kg phân lân + 20 -30 kg urê.
Bón thúc 2 (20 ngày sau khi sạ):
100kg phân lân + NPK (20-20-15) 50-70kg + Urea 30-50kg.
- Bón nuôi đòng: Đây là lần bón giúp cho cây lúa phát triển đòng nhanh, đồng đều và tập trung. Cần bón cân đối đa trung vi lượng, nhất giữa đạm và kali kiểm tra lúa có đòng đòng (tim đèn) và quan sát khi có 20-25% diện tích ruộng có màu xanh vàng thì bón nuôi đòng:
Urê: 30- 40kg + Kali clorua: 30-50kg.
- Bón nuôi hạt: là lần bón bổ sung giúp cho hạt lúa được mẩy, sáng và chắc hạt để nâng cao năng suất và chất lượng. Cần chú ý thời tiết và tình trạng sinh trưởng của lúa, nhất là màu lá lúa để quyết định xem cần bón hay không và chỉ bón khi thấy thật sự cần thiết, bón sau khi lúa trổ từ 5-7 ngày.
Urê: 20kg + Kali 30kg.
8. Phòng trừ sâu bệnh
- Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo nguyên tắc quản lý dịch hại (IPM).
- Sử dụng giống có tính kháng cao.
- Xử lý hạt giống trước khi sạ để loại bỏ hạt lép lửng và bảo vệ mầm lúa bằng nước muối 15%...
- Bón lót phân cải tạo đất (có chứa lân và vôi) để hạn chế ngộ độc phèn.
- Sạ thưa, sạ hàng theo định mức khuyến cáo cho từng nhóm giống.
- Không bón thừa phân đạm và hạn chế bón phân có chứa đạm quá sớm.
- Khi côn trùng gây hại xuất hiện lúc lúa còn nhỏ, cho nước vào ngập đọt lúa trong vài giờ rồi tháo nước ra (mỗi tháng thực hiện 1-2lần theo nước triều dâng). Khi lúa đã lớn đưa nước dâng cao đến gần cổ lá để che chắn rầy khi có các đợt rầy nâu di trú.
- Thả cá nuôi kết hợp trong ruộng lúa để diệt sâu rầy (dưỡng cá con trong ao 45 ngày, sau khi sạ 30 ngày cho cá vào ruộng lúa) hoặc thả vịt con vào ruộng ăn sâu rầy.
- Khi lúa phát triển đòng, khi cần thiết có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học phun lên ruộng để phòng trừ sâu rầy bọc phát giai đoạn cuối (Bemetent, Ometar,...).
- Đối với bệnh hại lúa: cần theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và phòng trừ bằng các loại thuốc đặc trị.