Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển sản phẩm xoài tứ quý huyện Thạnh Phú theo hướng hữu cơ sinh học

Xoài tứ quý được Trung tâm Khuyến nông chọn đầu tư mô hình trồng cho vùng đất trồng kém hiệu quả ven biển từ năm 1998. Từ mô hình 5 ha mang lại hiệu quả tăng thu nhập cho người nông dân, đến nay diện tích vườn xoài tứ quý ngày càng được nhân rộng trên 200 ha ở đất giồng cát ven biển 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú, diện tích trồng xoài tứ quý ngày càng được mở rộng, do tính thích nghi của cây xoài trên giồng cát mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông hộ, cây xoài dần dần thay thế các loại màu kém hiệu quả, nhất là tình hình biến đổi khí hậu trở nên gay gắt, việc thiếu nước ngọt để sinh hoạt, tưới tiêu cho nông nghiệp làm trăn trở đối với nông nghiệp địa phương.  

 


Xoài tứ quý được trồng với mật độ 2,5 x 2,5m; 3 x 3m, trồng xen trong ruộng dưa hấu, đậu phộng, sắn... sau 3-4 năm xoài giáp tán sẽ chuyển sang vườn xoài chuyên canh. Nông dân thường xuyên tỉa cành tạo tán cho xoài sau mỗi đợt thu hoạch trái, đốn đao để trẻ hoá vườn xoài vào năm thứ 5-6 nhằm khống chế chiều cao để dễ dàng chăm sóc, bao trái và thu hoạch xoài.

Đất trồng xoài là những giồng cát ven biển, phần lớn là những vùng đất khô hạn, có kết cấu rời rạc nên khả năng giữ nước kém, dinh dưỡng trong đất thấp, nhiệt độ không khí lại khá cao dẫn đến lượng bốc hơi nước rất lớn, lượng nước ngầm cũng như nước mưa khan hiếm trong mùa khô, nên việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm thông qua các giếng khoan có độ sâu 3-4m để lấy nước tầng nong (lượng nước ngọt được chứa trong các túi tầng nong không đồng nhất và thường khan hiếm vào mùa khô, dễ bị nước biển và nước trong các ao nuôi tôm công nghiệp trên giồng cát xâm nhiễm mặn) hoặc 45-60m (nước tầng sâu) để có thể lấy ngọt nước bơm tưới cho cây trồng. Biện pháp tưới được địa phương áp dụng cho các loại cây ăn quả là kỹ thuật tưới trực tiếp hoặc tưới rãnh... thông thường rất lãng phí nước, tốn nhiều công lao động và tiền điện bơm nước.


Nông dân bón phân cho xoài theo phương pháp truyền thống bằng cách đào 3- 4 hốc/cây để bón phân vào hốc và lấp đất lại hoặc bón rãi trên mặt đất xung quanh tán xoài, sau đó tưới nước trực tiếp từng gốc cho phân tan và ngấm dần xuống đất để rể xoài hấp thu và phát triển. Việc sử dụng phân bón được nông dân chọn lựa phân cá kết hợp phân hoá học, trong khi đó lượng xác bả thực vật thải ra trong quá trình sản xuất là rất lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân hữu cơ nhằm bổ sung lại dinh dưỡng cho đất mà nông dân chưa tận dụng được triệt để.

Đất giồng cát ven biển có nguồn dinh dưỡng tương đối thấp nên để đạt được năng suất và phẩm chất trái tốt, người nông dân phải bón phân thường xuyên cho xoài tứ quý để xoài có thể ra hoa kết trái quanh năm. Trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay, việc bón phân lại cần nhiều thời gian, nhân công và cách bón phân cho cây trồng hấp thu tốt nhất, hiệu quả nhất và cho năng suất cao là vấn đề được nhiều nông dân quan tâm.

Năm 2015-2017, huyện Thạnh Phú đã xây dụng mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng trên cây xoài tứ quý, đây là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết những khó khăn về nước tưới, ứng phó lại với tình trạng hạn hán ngày một khắc nghiệt giúp nông dân tiết kiệm được khoảng 30-50% lượng nước tưới. Trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay, tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng là giải pháp phù hợp vì giảm được 90% công lao động tưới, bón phân… người trồng cây không phải tốn công đào mương dẫn nước và bón phân  cho từng cây như trước đây; không phải làm bờ quanh gốc cây để giữ nước mà vẫn giữ được độ ẩm thích hợp, cung cấp phân bón thích hợp cho vườn cây theo từng chu kỳ sinh trưởng, hạn chế lây lan dịch bệnh, cây ít bị rụng hoa, quả non.

Huyện Thạnh Phú đã xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng vườn xoài theo hướng hữu cơ sinh học, mô hình ủ phân có sử dụng hệ thống thông khí để sản xuất phân hữu cơ dùng cho cây xoài tứ quý, đây là một giải pháp để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Hàng năm hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra rất nhiều chất thải hữu cơ như: rác sinh hoạt hữu cơ, xác bã động vật, thực vật, cỏ dại, cành lá cây cắt tỉa sau vụ thu hoạch, phân gia súc, gia cầm,… bị vứt bỏ đi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa là nơi lưu tồn của vi khuẩn, nấm bệnh và các vi sinh vật hại ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe của con người. Việc sử dụng phân hoá học là nguyên nhân chính dẫn đến lưu tồn các hoá chất độc hại trong đất, làm cho đất ngày càng bị thoái hoá và bạc màu. Giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ sinh học nhằm cải thiện môi trường đất, làm cho đất trở nên tơi xốp, phì nhiêu, giảm mầm mống sâu bệnh trong đất, tăng khả năng chống chịu với khô hạn, ngập úng và xâm nhập mặn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt, là sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần làm sạch môi trường.

Xoài tứ quý rất thích nghi với vùng đất cát giồng ven biển, do tính chống chịu với điều kiện bất lợi như hạn mặn, kháng khá tốt với bọ đục cành, với đặc tính cho trái quanh năm, trái to, khi vừa chín thịt xoài giòn giòn vị chua chua ngọt ngọt như xoài Thái, khi chín thịt màu vàng nhạt ngọt thơm đặc trưng. Xoài 5-8 năm tuổi cho năng suất khá cao 30-40tấn/ha/năm, thu nhập hàng năm của người trồng xoài từ 300- 400triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, xoài vào giai đoạn quả non đến chín trên cây thường bị nhiều loại sâu, bệnh phá hại đặc biệt là ruồi đục trái… làm cho trái bị thối, rụng giảm năng suất.

Trái bị ruồi đục có thể rụng trước khi chín hoặc tiếp tục neo trên cây. Nếu trái còn trên cây, giá trị thương phẩm cũng giảm do thịt trái bị thối. Ruồi không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng, mà còn khiến xoài không xuất khẩu được vì ruồi là đối tượng kiểm dịch hàng đầu của nhiều nước trên thế giới.

Xoài tứ quý có đặc tính cho trái quanh năm, các lứa trái trên cây không đồng nhất, cách 15-30 ngày sẽ có một đợt trái, vì vậy vấn đề được đặt ra là làm sao phân biệt được độ tuổi xoài trên cùng một cây, cùng một vườn xoài… khi sử dụng bao trái chuyên dụng bằng vải không dệt gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tuổi để thu hoạch xoài (tốn công lao động, mất thời gian, làm trầy xước quả, thu hoạch không đúng độ tuổi, chất lượng không đạt…).

Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng xoài, nông dân Thạnh Phong đã sáng tạo sử dụng vải nylon nhiều màu để cắt, may bao trái theo kích thước 21x 25cm và 18 x 25cm thay thế cho bao vải không dệt, trên miệng túi cũng lồng dây rút và miếng ron cao su để rút xiết miệng bao, mỗi màu của bao trái sử dụng bao cho một lứa trái theo cùng một độ tuổi, như vậy trên cây sẽ có nhiều màu, mỗi màu xác định là một lứa trái (độ tuổi trái như nhau), chỉ cần nhìn màu sắc thì người trồng xoài sẽ biết được độ tuổi của từng lứa trái để thu hoạch mà không cần tốn công, thời gian để mở bao kiểm tra độ chín cũng từng trái mà vẫn đạt được độ chính xác cao.    
    
Qua quá trình cải tiến sản phẩm đến nay túi bao trái xoài tứ quý bằng vải nylon nhiều màu đã ra đời thay thế hoàn toàn bao trái bằng PE, vải không dệt, bao giấy Đài Loan… hoàn toàn bằng chất liệu vải nylon, vải nylon mượt và sáng, ngăn chặn được sự bám bẩn, dễ giặt, bền nhất trong các loại sợi, chịu được chà xát tốt, không giảm sức bền khi bị ướt, do chính tay người lao động tại địa phương cắt, may gia công, sản xuất và sử dụng theo nhu cầu bao trái cho gần 200ha xoài tứ quý trồng trên đất giồng cát ven biển Thạnh Phú. Bao trái bằng vải nylon nhiều màu đã giúp người trồng xoài tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, thời gian, chất lượng trái (độ chín) trong việc phân loại và xác định độ tuổi để thuận lợi cho việc thu hoạch xoài theo nhu cầu của khách hàng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sản lượng xoài đạt khoảng 4.000tấn/năm, phân bố khoảng 1.000tấn/vụ (3 tháng), xoài được thu hoạch khi đạt tuổi 8 – 9 với vị thơm ngọt xen lẫn vị chua chua, thịt ăn giòn giòn khi quả còn xanh và khi chín độ brix đạt 18-20o, Sản phẩm thu hoạch được tập kết tại nhà vườn, mối lái… được xe chuyển đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh theo đơn đạt hàng của khách hàng. Đầu ra của sản phẩm còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa đồng nhất về độ tuổi (do nhu cầu thị trường và thời giá…) làm ảnh hưởng đến uy tín về chất lượng sản phẩm.

Năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp được thành lập, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu xoài tứ quý Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú chủ trương tập trung thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xoài tứ quý.

Với đặc thù về nguồn tài nguyên nhiên nhiên của vùng đất giồng cát ven biển Thạnh Phú, định hướng phát triển sản phẩm xoài tứ quý theo hướng hữu cơ sinh học cần tập trung một số vấn đề sau:

- Định hướng có quy hoạch vùng trồng xoài tứ quý và vùng nuôi tôm thâm canh để dễ gắn kết trong sản xuất, hạn chế nhiễm mặn cho vùng trồng xoài.
- Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây xoài; chú ý khuyến cáo mật độ trồng, kỹ thuật tỉa cành tạo tán phù hợp; áp dụng sáng tạo bao trái bằng vải nylon nhiều màu; nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài, nâng cao năng suất và chất lượng vườn xoài theo hướng hữu cơ sinh học, nhân rộng mô hình ủ phân có sử dụng hệ thống thông khí để sản xuất phân hữu cơ dùng cho cây xoài tứ quý.
- Thúc đẩy việc cấp chứng nhận nhãn hiệu xoài tứ quý Thạnh Phú tiến đến đăng ký và dán nhãn sản phẩm.
- Cũng cố HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong đi vào hoạt động đạt hiệu quả; xem xét hỗ trợ kế hoạch Xây dựng nhà xưởng tập kết, bảo quản, tồn trữ, sơ chế và chế biến đóng gói sản phẩm từ xoài của HTX. Tổ chức thu hoạch xoài đúng độ chín đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bảo vệ uy tín cho HTX và an toàn cho người tiêu dùng.
- Tranh thủ nguồn vốn dự án AMD, chủ động liên kết chuỗi giá trị xoài tứ quý với các công ty, doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn Global GAP trên cây xoài tứ quý (theo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp), nhằm mở rộng thị trường, đa dạng hoá khách hàng, cung cấp và phân phối trong và ngoài nước, nhằm xây dựng niềm tin với khách hàng khi sử dụng sản phẩm sạch và chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản xuất của sản phẩm.
- Tăng cường công tác quảng bá và kết nối với thị trường; Liên kết doanh nghiệp trên lĩnh vực sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ trong quá trình sản xuất, quản lý và sử dụng nhãn hiệu xoài tứ quý Thạnh Phú khi được chứng nhận.

Đẩy mạnh công tác vận động người dân tự nguyên tham gia chuỗi giá trị xoài. Thông tin tuyên truyền kết nối nhà vườn với du khách thông qua các hoạt động tham quan, toạ đàm, du lịch sinh thái... nhằm giới thiệu đến khách du lịch đa dạng sản phẩm xoài tứ quý được canh tác theo hướng hữu cơ sinh học trên giồng cát ven biển của huyện Thạnh Phú.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật