Hiệu quả phần mềm tiêm chủng mở rộng

Năm 2014, Bến Tre là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm phần mềm tiêm chủng mở rộng, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý số liệu tiêm chủng. Đến nay, mô hình đã được Bộ Y tế đánh giá cao và được triển khai trên toàn quốc.

Tiêm chủng vacxin từ lâu được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 30 năm qua chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiêm miễn phí hàng trăm triệu liều vắc-xin cho trẻ để phòng ngừa 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây tử vong cao gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. Từ đó giảm hàng triệu lượt tử vong do các căn bệnh này gây ra.

Tuy nhiên, số lượng trẻ tiêm rất lớn, biến động (mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ ra đời), số mũi tiêm, liều tiêm lại liên tục thay đổi,… trong khi đó, việc quản lý tiêm phòng của Việt Nam dựa vào sổ sách ghi chép, nên vấn đề lưu trữ hồ sơ, lập báo cáo, quản lý mũi tiêm… vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, độ chính xác chưa cao, dễ chồng chéo, trùng lấp. Khi sắp đến ngày tiêm chủng, cán bộ y tế phải ngồi dò những quyển sổ ghi chép tiêm chủng để lọc thông tin trẻ đến lịch tiêm, sau đó viết thư mời gửi đến phụ huynh, việc làm này mất từ 2 đến 4 ngày. Tuy nhiên, do làm thủ công nên dễ có sai số và bỏ sót đối tượng.

Trước nhu cầu quản lý tiêm chủng một cách khoa học, chính xác, tổ chức PATH (pass) đã thiết kế phần mềm sử dụng trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để quản lý việc tiêm chủng. Phần mềm này được triển khai thí điểm đầu tiên tại Bến Tre vào năm 2014 ở địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Năm 2015, 2016 phần mềm tiếp tục được triển khai ở 164 xã, phường thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh. Phần mềm cho phép quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ em ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả trạm y tế cấp phường, xã trên hệ thống máy tính thay vì sổ sách, ghi chép tay.

Với phầm mềm này, mỗi trẻ sẽ được cấp một mã ID để tra cứu, lưu trữ các thông tin về tiêm chủng. Bắt đầu từ năm 2014, trẻ vừa sinh ra ở bệnh viện sẽ được nhân viên bệnh viện đăng ký mã số mới. Lúc này, cán bộ y tế tại các trạm sẽ cập nhật được thông tin trẻ mới sinh ra trên địa bàn mình quản lý, chủ động trong việc dự trù vắc-xin thay vì lúc trước phải đợi gia đình đến đăng ký, hoặc dựa vào thông tin của cộng tác viên.  

Lúc này, khi cán bộ y tế hoặc phụ huynh cần biết thông tin của trẻ, cán bộ y tế chỉ cần nhập tên, mã ID của trẻ là có thể biết được tất cả các thông tin mũi tiêm tiếp theo hoặc những loại vaccine mà trẻ còn thiếu một cách chính xác, nhanh chóng.


Anh Nguyễn Thanh Thảo-cán bộ quản lý tiêm chủng xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre chia sẻ: Bên cạnh đó, các thao tác lập danh sách, viết thư mời và quản lý mũi tiêm cho trẻ đều thiết lập sẵn trên phần mềm. Nhân viên y tế chỉ cần nhấp chuột để thực hiện lệnh theo mong muốn. Cách làm mới này đã giúp cán bộ giảm rất nhiều thời gian làm việc và dễ dàng trong quản lý. Ngoài ra, số liệu tiêm chủng, báo cáo buổi tiêm sẽ được tổng hợp ngay sau buổi tiêm (thay vì phải đợi từ 5 đến 7 ngày như trước).

Nhờ đó, cán bộ có thời gian nhiều hơn cho chuyên môn, cũng như áp lực cho công việc giảm, từ đó cải thiện thái độ phục vụ trong quá trình tiêm chủng, không phải đau đầu giải quyết các trường hợp phụ huynh không mang sổ, mất sổ, không nhớ mũi tiêm của con em mình. Thay vì trước đây việc làm này rất khó, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng.

Bác sỹ Đỗ Tấn Hồng-Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Thông tin tiêm chủng quản lý một cách khoa học, gỡ bỏ sự chồng chéo trước đây, cũng như mù thông tin của cán bộ y tế khi trẻ trên địa bàn quản lý vừa sinh ra hoặc có sự di cư đến địa phương khác, gây nhận định sai về kết quả tiêm chủng thực tế tại địa phương. Tăng tính đúng hạn của số liệu. Nhờ đó, việc quên hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm sẽ được giảm thiểu tối đa, góp phần nâng cao độ bao phủ tiêm chủng mở rộng, tạo nên yếu tố miễn dịch cộng đồng, tăng khả năng bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 Công tác chỉ đạo tuyến cũng được thực hiện dễ dàng hơn, người sử dụng phần mềm có thể làm việc bất cứ nơi nào có máy tính và kết nối internet. Từ đó, kịp thời phát hiện sai sót và có các hướng dẫn hỗ trợ, xử lý ngay trong buổi tiêm mà không cần phải trực tiếp đến cơ sở.

Theo bác sỹ Đỗ Tấn Hồng: Phần mềm không chỉ quản lý về tiêm chủng mà còn quản lý về bệnh tật khác phục vụ cho công tác chỉ đạo tuyến, phòng chống dịch bệnh chung của ngành y tế. Dữ liệu tiêm chủng được lưu trữ sẵn trên phần mềm, khi cần thiết nhân viên y tế hoàn toàn có thể tìm, lọc, trích xuất một cách đơn giản nhưng rất khoa học, chính xác để sử dụng cho công tác khác ngoài tiêm chủng.

Hiệu quả mà Bến Tre đạt được chính là tiền đề để Bộ Y tế triển khai phần mềm này trên cả nước vào tháng 6/2017 vừa qua. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến thời điểm này, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã cập nhật, quản lý thông tin của hàng triệu trẻ tại 12.000 xã, phường trên toàn quốc. Theo thống kê, đến tháng 10-2017, trên toàn quốc đã có gần 1,2 triệu trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cơ bản (đạt hơn 70%). Đây là cơ sở để cán bộ y tế nắm thông tin tốt hơn với những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng thiếu mũi, vận động cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng kịp thời.

Tuy nhiên, vì cả nước mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời, với trên 12 nghìn xã, phường, thị trấn và khoảng trên 30 nghìn điểm tiêm chủng nên bước đầu hệ thống phần mềm vẫn chưa thể cập nhật đầy đủ thông tin trẻ, tra cứu, nhập liệu vẫn còn gặp khó khăn. Mặc dù vậy, phần mềm cũng đã tháo gỡ được những khó từ trước đến nay còn bỏ ngỏ của phụ huynh và cán bộ y tế quản lý tiêm chủng trong việc quản lý mũi tiêm của trẻ, đưa quản lý hành chính vào thời đại số, từ đây tạo nên một mạng lưới quản lý tiêm chủng chất lượng, khoa học theo dõi con người suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật