Giải pháp bảo vệ trái cây có múi ngon, đẹp và an toàn trong vụ Tết

Trong dịp Tết Nguyên Đán, trái cây không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, nhất là các loại trái cây có múi như bưởi, cam sành, quýt rất được ưa chuộng. Sản lượng trái cây phục vụ cho thị trường ngày Tết rất lớn nhưng bên cạnh cũng đòi hỏi phải đẹp, ngon và an toàn. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu trái cây có múi chưng Tết, nhà vườn cần chú ý đến một số bệnh hại ảnh hưởng đến chất lượng và vẻ mỹ quan của trái.




Đáng quan tâm nhất là triệu chứng nứt trái trên cây có múi, phổ biến trên bưởi da xanh, cam, quýt làm trái bị nứt, rụng sớm, đưa đến giảm năng suất và chất lượng trái nghiêm trọng. Triệu chứng nứt trái phổ biến trên các vườn cây có múi từ lúc trái nhỏ đến trái lớn. Những vườn bị nhiễm mặn, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu Canxi (do thiếu chăm sóc hoặc cây già cỗi, rễ yếu, hấp thu dinh dưỡng kém) hoặc mất cân đối về dinh dưỡng thường bị nứt trái. Can xi là một dưỡng chất trung lượng, cây cần Can xi làm vững chắc vách tế bào. Ngoài ra, Can xi còn giúp cây trồng giải độc tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi. Đối với những vườn bị thiếu Can xi nên bón vôi cho cây với liều lượng 20-30kg/1.000m2, tăng cường bón phân hữu cơ để bộ rễ phát triển mạnh. Có thể phun các sản phẩm phân bón lá có chứa Canxi như CaSi, Star-CAB, Calcium-Boron Dynamic,…
 
Bên cạnh, nấm bồ hóng là dịch hại bám vào trái  làm trái xấu đi rất nhiều, giảm giá trị thương phẩm. Nấm bồ hóng có 2 loại: bồ hóng lớp và bồ hóng đốm. Bồ hóng lớp do nấm Capnodium citri gây ra. Bệnh tấn công trên bề mặt vỏ trái, phủ một lớp màu đen như đóng khói bếp bám. Nhiễm bệnh nặng, cả vỏ trái bị phủ một màu đen sẽ làm cho vỏ trái không còn bóng láng và giảm giá trị thương phẩm đáng kể. Bồ hóng đốm do nấm Meliola citri gây ra. Triệu chứng bệnh là những chấm tròn nhỏ màu đen, nhô cao trên mặt lá hoặc trên vỏ trái. Bệnh nặng, sẽ xuất hiện nhiều chấm đen dày đặc trên trái làm mất vẻ mỹ quan. Nấm bồ hóng thường chỉ xuất hiện ở các cây có nhiều rầy, rệp vì nấm phát triển trên chất thải của nhóm côn trùng chích hút. Cả hai loại nấm bồ hóng đều gây hại không chỉ trên trái mà còn trên lá, cành làm giảm khả năng quang hợp, trái phát triển kém. Bệnh thường chỉ bám trên bề mặt lá, cành, trái, không làm chết tế bào. Bệnh thường xuất hiện trên các vườn ít chăm sóc, ẩm độ cao, vườn trồng dày và những vườn sử dụng nhiều phân bón lá. Phòng trừ nấm bồ hóng trước hết cần tiêu diệt nhóm côn trùng chích hút; Tạo vườn cây thông thoáng; Trong điều kiện mùa nắng, tưới nước phun mạnh lên tán cây để rữa trôi bớt lớp mật do rầy, rệp tiết ra; Phun thuốc gốc đồng (Coc 85, Champion,…)

 
 
 
 


Ngoài ra, bệnh ghẻ lõm là dịch hại ảnh hưởng trên trái khá nghiêm trọng. Bệnh do nấm Phoma citricarpa gây ra. Bệnh gây hại nặng trên quýt đường, quýt tiều, cam sành, cam mật. Bệnh nhiễm rất sớm trên trái nhưng thường đến lúc trái lớn nhà vườn mới thấy rõ triệu chứng bệnh. Vết bệnh là những chấm nhỏ có dạng gần tròn, màu nâu đậm, giữa đốm bệnh có màu xám trắng, lõm vào trong vỏ trái, ngay trên các vết bệnh thấy các đốm li ti màu đen nhỏ như đầu kim là các ổ bào tử nấm. Nhiều vết bệnh có thể liên kết với nhau thành từng mãng lớn. Bệnh làm trái dễ rụng. Bệnh thường gây hại nặng trên các vườn nhiều năm tuổi.  Phòng trị bệnh ghẻ lõm nên thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy; Phun thuốc Polyram 80DF, Benomyl 50WP,…

Ngày nay, nhu cầu thị trường đòi hỏi trái không chỉ ngon mà còn phải đẹp và an toàn cho sức khỏe con người. Vì thế, nhà vườn cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ thực vật để ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng cây ăn trái nói chung và cây có múi nói riêng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật